Nghề Gia sư loay hoay trước Thông tư 29, sinh viên sốc khi biết mình vi phạm pháp luật
Nhiều sinh viên làm gia sư cho học sinh tiểu học bất ngờ trước thông tin công việc mình đang làm hàng ngày lại vi phạm pháp luật. Nhiều điểm mới của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm khiến nghề gia sư chật vật xoay xở.
Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm sẽ có hiệu lực từ 14/02/2025 với những quy định đáng chú ý như:
Khoản 1, Điều 4 về Các trường hợp không được dạy thêm, tổ chức dạy thêm quy định "Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống."
Khoản 1 Điều 6 về Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường quy định: "Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật; Công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức dạy thêm; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm..."
Vậy nghề gia sư - công việc có rất nhiều sinh viên đang làm có chịu sự tác động bởi các quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 29) và chịu những ảnh hưởng ra sao?
Giật mình khi biết mình vi phạm pháp luật
Trước hết, cần làm rõ vấn đề: việc gia sư tại nhà có phải là hoạt động “dạy thêm, học thêm” theo quy định của Thông tư 29? Trao đổi với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong, Luật sư, TS. Nguyễn Thành Tô giải đáp: "Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, khái niệm "dạy thêm, học thêm" được định nghĩa cụ thể tại Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Theo đó, “dạy thêm, học thêm” là hoạt động dạy học bổ sung ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học thuộc chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Hoạt động gia sư tại nhà bản chất là một hình thức giảng dạy bổ trợ cho học sinh ngoài khung chương trình chính khóa tại các cơ sở giáo dục công lập hoặc tư thục. Điều này đồng nghĩa với việc gia sư tại nhà vẫn thuộc phạm vi “dạy thêm, học thêm” theo định nghĩa tại Điều 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT."
![Luật sư, TS. Nguyễn Thành Tô (Solis Lawyers Australia VietNam): "Thông tư này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan." Điều này có nghĩa rằng không chỉ những người trực tiếp giảng dạy mà cả các tổ chức, công ty, trung tâm môi giới gia sư cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư."](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_176_51436496/e3e144c27f8c96d2cf9d.jpg)
Luật sư, TS. Nguyễn Thành Tô (Solis Lawyers Australia VietNam): "Thông tư này áp dụng đối với người dạy thêm, người học thêm; tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm và các tổ chức, cá nhân có liên quan." Điều này có nghĩa rằng không chỉ những người trực tiếp giảng dạy mà cả các tổ chức, công ty, trung tâm môi giới gia sư cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư."
Từ đó, Luật sư Nguyễn Thành Tô khẳng định: "Điều 4 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định rằng: “Không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.” Như vậy, việc gia sư tại nhà đối với học sinh tiểu học các môn văn hóa (Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh...) là hành vi vi phạm pháp luật vì không thuộc nhóm trường hợp ngoại lệ được phép tổ chức dạy thêm. Do đó, mọi cá nhân, tổ chức tổ chức dạy thêm các môn học này tại bậc tiểu học đều không phù hợp với quy định hiện hành và có thể bị xử lý vi phạm hành chính."
Khi phóng viên chia sẻ thông tin này đến nhiều bạn sinh viên đang làm gia sư cho các em học sinh lứa tuổi tiểu học, nhiều bạn bất ngờ, sốc trước thông tin công việc mình đang làm hàng ngày lại vi phạm pháp luật.
H.L (sinh viên năm cuối, Hà Nội) đã có hơn 3 năm dạy gia sư, H.L bày tỏ: "Mình khá bất ngờ, đây là lần đầu tiên mình được nghe về quy định mới này. Hiện tại mình vẫn đang dạy một số lớp có học sinh trong độ tuổi tiểu học, mình không nhận được thông báo gì từ trung tâm về việc triển khai Thông tư mới này."
Còn N.C (20 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Mình đã nghe qua thông tin có quy định mới về việc dạy thêm rồi, tuy nhiên mình không nghĩ việc này bao gồm cả vấn đề gia sư".
"Mình có biết đến việc dạy thêm sẽ bị cấm, nhưng mình không biết việc dạy gia sư tiểu học cũng bị cấm. Đây là một việc rất quan trọng ảnh hưởng khá nhiều đến mình, vì làm gia sư là nguồn thu nhập và công việc thực tập chính của mình. Trung tâm chỉ là nơi đưa thông tin ban đầu chứ không chịu trách nhiệm về sau nên không báo gì cả. Mình cũng khá hoang mang chưa biết xử lý thế nào." - N.K.V (21 tuổi, Hải Dương) chia sẻ.
Loay hoay nghề gia sư
Thực tế, việc cấm dạy thêm bậc tiểu học đã có từ Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, điểm đáng chú ý của Thông tư 29 liên quan trực tiếp đến nghề gia sư nằm tại Khoản 1 Điều 6 về Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường quy định: "Tổ chức hoặc cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện đăng kí kinh doanh theo quy định của pháp luật;..."
Luật sư Nguyễn Thành Tô khẳng định, theo quy định của Điều 6 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, nếu một cá nhân, trung tâm hoặc công ty môi giới gia sư hoạt động mà không có giấy phép đăng ký kinh doanh, không công khai thông tin theo quy định thì đã vi phạm pháp luật. Tương tự, những cá nhân dạy gia sư nếu không có đủ tiêu chuẩn chuyên môn hoặc dạy học sinh tiểu học các môn văn hóa cũng có thể bị xử lý.
Khả năng bị xử phạt Theo Điều 16 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Ngoài ra, Nghị định 04/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng có các quy định về chế tài xử lý đối với hành vi dạy thêm không đúng quy định.
Do đó, các trung tâm môi giới gia sư và cá nhân dạy gia sư có thể bị xử phạt nếu vi phạm quy định tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT.
Mức xử phạt đối với trung tâm môi giới gia sư và người gia sư dạy học sinh tiểu học:
Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, các mức xử phạt hành chính đối với vi phạm về dạy thêm, học thêm được quy định như sau:
Phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 VNĐ đối với hành vi tổ chức dạy thêm không đúng quy định về đối tượng học sinh. Phạt từ 10.000.000 đến 15.000.000 VNĐ đối với cá nhân tổ chức dạy thêm nhưng không có giấy phép đăng ký kinh doanh theo quy định. Phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 VNĐ đối với tổ chức, trung tâm môi giới gia sư không có giấy phép hoạt động. Ngoài ra, theo Điều 16, Khoản 2 Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, những vi phạm có thể dẫn đến:
Đình chỉ hoạt động dạy thêm đối với cá nhân vi phạm. Buộc hoàn trả toàn bộ số tiền đã thu từ học sinh. Xử lý trách nhiệm đối với tổ chức vi phạm, bao gồm rút giấy phép hoạt động.
Bất cập trong xử lý
"Quy định này sẽ thực sự hiệu quả đến đâu vì học thêm là nhu cầu của phụ huynh và học sinh, vậy thì ai sẽ là người đứng ra báo cáo khi có sai phạm. Ngoài ra, nhiều trung tâm vận hành các lớp học trực tuyến, làm sao có thể đảm bảo tình trạng dạy thêm cho học sinh tiểu học sẽ chấm dứt hoàn toàn. Liệu quy định mới này sẽ đem lại những thay đổi đáng kể hay là cơ hội cho nhiều hình thức dạy học tinh vi hơn được các trung tâm đưa ra để lách luật." - Bạn H.L chia sẻ.
Điều này xảy ra tương tự với các sinh viên tự tìm học sinh, phụ huynh có nhu cầu (không qua trung tâm đào tạo). M.N (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: "Với những bạn gia sư tự tìm việc qua các mối quan hệ cá nhân thì việc kiểm soát cũng rất khó, vì nguồn tiền gia sư nhận được sẽ có thể đến theo nhiều cách."
Bên cạnh đó, cần chú ý phân biệt giữa trung tâm đào tạo, bồi dưỡng với các trung tâm môi giới gia sư. Phần lớn sinh viên hiện nay làm gia sư thông qua các trung tâm môi giới với những hợp đồng "giới thiệu" tính bằng tuần, tháng chứ không đứng lớp trực tiếp tại trung tâm bồi dưỡng, đào tạo. Sau thời gian 1, 2 tháng hết hợp đồng môi giới, các trung tâm môi giới để các gia sư làm việc trực tiếp với phụ huynh. Và thế là những sinh viên đi làm gia sư bỗng "vi phạm" vì không đăng ký kinh doanh, trách nhiệm của các trung tâm môi giới ra sao?
Về quy định mới này, mình thấy có phần khắt khe, nhưng có lẽ điều này là tốt cho các em học sinh. Trong quá trình giảng dạy, mình cũng nhận thấy rất ít học sinh thật sự hứng thú với việc học thêm. Các lớp của mình đều diễn ra vào buổi tối, sau một ngày dài học tập trên trường, phần lớn các em đều tỏ ra chán nản và mệt mỏi khi phải tiếp tục đón nhận một tiết học 45 phút nữa. Một số phụ huynh còn ngồi bên cạnh trong suốt quá trình học để đảm bảo con em mình luôn trong trạng thái tập trung vào bài giảng. Nhiều khi mình cũng tự hỏi, liệu học thêm là nhu cầu của học sinh hay của phụ huynh học sinh. Mình cũng hy vọng các em sẽ được tham gia nhiều hoạt động khác hơn là học tập ngoài thời gian trên trường. Biết được thông tin về Thông tư 29, mình sẽ trao đổi lại với trung tâm, và trong thời gian tới mình cũng sẽ chủ động không nhận những lớp cho học sinh tiểu học nữa.
- H. L (sinh viên năm cuối, Hà Nội).