Trường THPT chuyên Hùng Vương đổi mới phương thức thi kể chuyện về Bác

Hội thi kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ lâu đã trở thành một hoạt động thường niên tại nhiều trường học trên cả nước, trong đó có Trường THPT chuyên Hùng Vương, TP. Pleiku.

Không chỉ dừng lại ở việc giáo dục, lan tỏa giá trị đạo đức, tư tưởng và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội thi còn khơi dậy niềm tự hào, tinh thần học tập và ý thức rèn luyện theo tấm gương sáng ngời của Bác trong mỗi học sinh.

Ngay từ đầu năm học 2024-2025, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và phát động hội thi đến toàn thể học sinh, thu hút sự tham gia sôi nổi với 26 tiết mục. Với nội dung phong phú và hình thức thể hiện đa dạng, mỗi tiết mục không chỉ thể hiện lòng kính yêu, biết ơn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh mà còn truyền tải những thông điệp qua hình thức sân khấu hóa.

 Một tiết mục tại Hội thi kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Q.T

Một tiết mục tại Hội thi kể chuyện về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ảnh: Q.T

Điểm nhấn của hội thi năm nay chính là việc tái hiện các câu chuyện về Bác dưới dạng kịch sân khấu. Thay vì chỉ sử dụng lối kể chuyện truyền thống, các em học sinh hóa thân vào các nhân vật lịch sử, mang đến những màn trình diễn sống động, giàu cảm xúc. Sự kết hợp giữa lời dẫn chuyện, hoạt cảnh, âm nhạc và vũ đạo không chỉ giúp câu chuyện trở nên lôi cuốn, hấp dẫn mà còn khắc sâu trong tâm trí người xem những bài học về đạo đức, lối sống giản dị và tư tưởng cao đẹp của Người.

Để có được những màn trình diễn ấn tượng, các đội đã đầu tư kỹ lưỡng từ kịch bản, lời thoại đến trang phục, đạo cụ… Chính sự chuẩn bị công phu này đã tạo nên những tiết mục xuất sắc, để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả, góp phần lan tỏa những giá trị tư tưởng, đạo đức của Bác đến từng học sinh.

Cô Nguyễn Thị Mai Loan-Bí thư Đoàn trường-cho biết: Việc giáo dục tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ trong nhà trường không chỉ dừng lại ở những bài giảng lý thuyết, mà cần có phương pháp đổi mới, sáng tạo, gần gũi với học sinh.

Trong đó, việc sân khấu hóa những câu chuyện về Bác chính là một bước tiến quan trọng, không chỉ giúp các em hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời và đạo đức của Người mà còn góp phần rèn luyện những kỹ năng cần thiết cho sự phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, hoạt động này giúp học sinh phát triển nhiều kỹ năng quan trọng như làm việc nhóm, tư duy sáng tạo, khả năng biểu đạt cảm xúc và sự tự tin trước đám đông.

Không chỉ các thầy cô mà chính các em học sinh cũng cảm nhận được sự thay đổi tích cực từ hội thi. Em Phan Diệu Anh (lớp 10C2A) xúc động chia sẻ: “Khi tham gia cuộc thi kể chuyện về Bác, em như được sống lại trong những khoảnh khắc lịch sử đầy ý nghĩa, cảm nhận rõ hơn từng bước chân, từng suy nghĩ và sự vĩ đại của Người.

Em không chỉ thấu hiểu sâu sắc sự giản dị, gần gũi mà còn cảm nhận được tình yêu thương bao la, trái tim nhân hậu luôn hướng về dân, về nước của Bác. Giây phút ấy, lòng em trào dâng niềm kính yêu và khâm phục vô hạn, càng thêm ý thức về trách nhiệm của bản thân. Bác như ngọn đuốc soi sáng con đường em đi, tiếp thêm động lực để em không ngừng rèn luyện đạo đức và trau dồi tri thức, góp phần đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu như mong đợi của Bác Hồ”.

QUANG TRƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/truong-thpt-chuyen-hung-vuong-doi-moi-phuong-thuc-thi-ke-chuyen-ve-bac-post317377.html
Zalo