Trường Sĩ quan Lục quân 1 - cái nôi đào tạo sỹ quan anh dũng, kiên cường
Kháng chiến chống Mỹ mà đỉnh cao chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là mốc son chói lọi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Góp phần làm nên chiến thắng có sự đóng góp của không ít những chỉ huy được đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, năm nay đã gần 80 tuổi, nhưng những năm tháng trận mạc của tuổi đôi mươi vẫn vẹn nguyên khí thế trong thần thái hào sảng, đĩnh đạc và ân cần của ông khi trò chuyện với chúng tôi.
Xung phong nhập ngũ khi mới 17 tuổi, trong đơn vị bộ binh, ông tham gia nhiều trận đánh, như chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh 1968. Lập nhiều thành tích trong chiến đấu, ông được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ” và được đơn vị cử đi học tại Trường Sĩ quan Lục quân 1.
Hoàn thành khóa đào tạo bài bản tại trường trong hơn 1 năm, dù được trường giữ lại làm giảng viên, nhưng ông vẫn tha thiết quay trở lại chiến trường và được vào biên chế đơn vị xe tăng.

Đại diện học viên Trường Sĩ quan Lục quân 1 tuyên thệ trước Quân kỳ Quyết thắng.
Là Đại đội trưởng Đại đội xe tăng số 9, Binh chủng Tăng thiết giáp, trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975, ông dẫn đầu đơn vị thọc sâu, tiến công mãnh liệt vào Sư đoàn 23 của địch, mục tiêu then chốt của then chốt, giữa ban ngày. Lực lượng bộ binh đã mở cửa cho xe tăng tiến thẳng vào.
Địch quyết giữ, ta quyết đánh, vô cùng cam go, khốc liệt. Đòn tấn công táo bạo “nở hoa trong lòng địch” của những chiếc xe tăng đã tạo thuận lợi cho bộ binh tiêu diệt căn cứ địch, bắt sống tỉnh trưởng Đắk Lắk. Xe tăng của ông đã tiêu diệt hàng chục bộ binh địch, bắn cháy 2 xe bọc thép M113, 1 xe tăng M41, 5 xe quân sự.
Trận đánh này, ông Đoàn Sinh Hưởng và đồng đội chỉ còn cách cái chết trong gang tấc. Trung tướng Hường nhớ lại: “Lúc xông qua cửa mở, một đồng chí đại đội trưởng đại đội xe tăng, thiết giáp bị thương, một đồng chí tiểu đoàn trưởng bộ binh và hàng trăm đồng chí hy sinh ở cửa mở đấy. Xe tôi vào khỏi cửa mở được khoảng 50 mét, bị một quả đạn xuyên chống tăng từ bên phải bắn trúng vào xe, anh pháo 2 đang nạp quả đạn thì bị bắn trúng vào tay. Chỗ viên đạn xuyên vào đúng chỗ hai viên đạn đồng chí pháo thủ đã bắn. Nếu chưa bắn, hai viên đạn đó nổ cả xe cũng chết. Khi đồng chí ấy bị thương, tôi phải dừng xe lại, nhắc các xe sau bắn chi viện về đằng sau để tôi đưa đồng đội ra khỏi xe giao cho bộ binh cứu chữa. Tôi lại quay lại xe tiếp tục chỉ huy chiến đấu, xe có 4 người bây giờ thiếu 1 người, đồng chí pháo 1 phải sang nạp đạn, tôi vừa là pháo 1 vừa là chỉ huy”.
Liên tiếp những trận đánh trong Tổng tiến công mùa xuân năm 1975 mà ông Đoàn Sinh Hưởng là chỉ huy đại đội xe tăng số 9 hiệp đồng với các đơn vị chiến đầu và chiến thắng anh dũng. Trong những trận chiến quyết liệt, ông Đoàn Sinh Hưởng cũng không thể tránh khỏi bị thương. Với những chiến công xuất sắc tháng 7 năm 1975, chỉ sau ngày giải phóng miền Nam đúng 3 tháng, ông Đoàn Sinh Hưởng được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân khi mới 26 tuổi.
Ông Đoàn Sinh Hưởng cho biết: “Khi sang binh chủng xe tăng tôi vẫn áp dụng những điều các thầy Lục quân dạy, sâu sát, tỷ mỷ, cẩn thận, phải rờ từng cái bi đông, từng cái bát của anh em ăn xem có còn không, có sạch không. Thậm chí chăn màn xem cái nào rách phải nhắc anh em khâu vá lại, cái đó rất cần thiết của người chỉ huy như chăm sóc một gia đình. Trong chiến đấu, trong học tập nó gắn liền với nhau. Tức là xử lý tình huống trong học tập là hết sức quan trọng, các thầy tự giao những tình huống nhiều khi cứ nghĩ có những tình huống không thể xảy ra, nhưng trong đánh nhau nó có thể xảy ra”.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chỉ là một trong số nhiều cựu học sinh trường Sĩ quan Lục quân 1 quả cảm, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng mùa xuân năm 1975. Từ cái nôi đào tạo của trường còn rất nhiều những con người có chiến công oanh liệt như vậy.
Có thể kể đến như Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Hùng Vách. Đêm 29, rạng sáng 30/4/1975, ông cùng đơn vị đánh chiếm trung tâm huấn luyện Quang Trung, vào sâu trong nội thành Sài Gòn. Mặc dù ba lần bị thương, nhưng ông vẫn nén đau, tiếp tục chỉ huy trung đội xe tăng dũng mãnh xông lên tiêu diệt các mục tiêu của địch ở Ngã ba Bà Quẹo, Ngã tư Bảy Hiền, cùng bộ binh đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy, góp phần vào thắng lợi chung của đất nước.
Hay Anh Hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Chơn, chỉ huy Sư đoàn 2 trong Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào giành thắng lợi lớn, giải phóng cao nguyên Bolaven của Lào; Sư đoàn 2 do ông chỉ huy đã tiến công, đánh chiếm và làm chủ quận lỵ Đắc Tô. Trong cuộc Tổng tiến công năm 1975, Sư đoàn 2 đã tiến công giải phóng thị xã Tam Kỳ, và góp phần tiến công giải phóng thành phố Đà Nẵng... Khó mà kể hết những tấm gương anh dũng ấy.
Đại tá Nguyễn Đăng Thanh, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự, Trường Sỹ quan Lục quân 1, từng là trung đội phó tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên cho biết: “Tôi hoạt động thực tiễn ở chiến trường, khi ra Trường Sỹ quan lục quân 1 học, tôi thấy rằng từ thực tiễn mình liên hệ với lý luận, về đây được các thầy giáo, cán bộ nhà trường dạy bảo chúng tôi những kiến thức cơ bản để vận dụng vào các hoạt động lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị rất là tốt, gần với thực tế. Lý luận ở nhà trường là: “Huấn luyện phải sát thực tế chiến đấu và phải chiến thắng.” Vì vậy, các đồng chí được đào tạo tại trường ra chỉ huy đơn vị đều lập chiến công”.
Ôn lại truyền thống của Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trung tướng, Tiến sỹ Lê Văn Duy, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 cho biết, trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà trường được giao nhiệm vụ vừa xây dựng Trường Lục quân chính quy, kiểu mẫu, vừa nhanh chóng chuyển đổi phương thức đào tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của chiến trường.
Thực hiện phương châm “Lấy nhà trường làm trận tuyến chống Mỹ, cứu nước” và quyết tâm “Coi khóa học như một chiến dịch, mỗi khoa mục như một trận chiến đấu”. Trong điều kiện chiến tranh, các khóa học tuy ngắn nhưng chất lượng bảo đảm tốt. Tất cả học viên dù đã tốt nghiệp, hay chưa học hết chương trình, nhưng khi có lệnh đi chiến đấu đều lên đường và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thiếu tướng Lê Văn Duy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 1 trao đại diện bằng tốt nghiệp cho học viên khóa 87.
Giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Trường Sĩ quan lục quân 1 đã hoàn thành 19 khóa học, bồi dưỡng được trên 18.100 sĩ quan bộ binh, trinh sát, trợ chiến phục vụ cho chiến trường. Đặc biệt trong chiến dịch lịch sử mùa xuân năm 1975, trường cử hơn 400 cán bộ, giáo viên ra chiến trường trực tiếp tham gia chiến đấu trên các mặt trận Tây Nguyên, mặt trận miền Đông Nam Bộ, Quân khu 5, Trị - Thiên, Đường 9 - Nam Lào và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có người đã anh dũng hy sinh.
Đến nay, trường đã có 37 cựu học sinh được tuyên dương Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đóng góp đáng kể vào sự nghiệp kháng chiến, bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng quân đội.
Theo Trung tướng, Tiến sĩ Lê Văn Duy, hiện nay trường đang có những bước chuẩn bị vững chắc để nâng cao chất lượng đào tạo, cập nhật những phương thức tác chiến chiến tranh hiện đại, và đặc biệt đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang trong tình hình mới để xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ”, tiến tới hiện đại vào năm 2030:
“Nhà trường đã tập trung đổi mới, nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục - đào tạo và công tác khoa học quân sự đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hoàn thành và triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển nhà trường đến năm 2030, tầm nhìn 2045 thiết thực, hiệu quả, tạo tiền đề xây dựng Nhà trường vững mạnh về chính trị, mẫu mực, chính quy, hiện đại.
Trường sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, mục tiêu, yêu cầu đào tạo và thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu tại đơn vị, cơ sở và với chuẩn đầu ra, chuẩn chương trình đào tạo; Kết hợp chặt chẽ giữa trang bị kiến thức với bồi dưỡng phẩm chất đạo đức; giữa rèn luyện phương pháp, tác phong chỉ huy với kỹ năng tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.”
Trường Sĩ quan Lục quân 1 là nhà trường đầu tiên trong hệ thống nhà trường quân đội đào tạo sĩ quan lục quân chiến thuật cấp phân đội, trình độ cử nhân khoa học quân sự. Với bề dày 80 năm xây dựng và trưởng thành, trường là "anh cả" trong hệ thống các trường quân đội, được Bác Hồ 9 lần về thăm, trao sáu chữ vàng: "Trung với nước, hiếu với dân" sau này trở thành khẩu hiệu của toàn quân. Nhà trường đã góp phần đào tạo ra các thế hệ tướng lĩnh, lãnh đạo xuất sắc của quân đội và nhiều sỹ quan ưu tú đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.