Trường phổ thông đồng loạt dừng dạy thêm trước ngày 14/2
Trước khi Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT có hiệu lực, các trường phổ thông trên địa bàn TP Hà Nội đã đồng loạt dừng dạy thêm, dạy học tăng cường trong nhà trường.
Cách đây một ngày, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận Đống Đa, Hà Nội) đã gửi thông báo tới phụ huynh, học sinh về việc dừng dạy học tăng cường các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học.
Theo thông báo, các thầy cô trong trường sẽ gửi bài tập cho học sinh tự học. Học sinh có thể trao đổi trực tiếp với thầy cô bộ môn qua điện thoại.
Tương tự, phụ huynh có con học tại Trường THCS Hà Đông (Hà Đông, Hà Nội) cũng đã nhận được thông báo trường sẽ bỏ hết các tiết học thêm.
Anh Hồng Quân, phụ huynh nhà trường cho rằng: “Dừng học thêm, các con sẽ được về sớm và cũng được nghỉ học vào sáng thứ 7 hàng tuần. Hơn nữa mỗi tháng sẽ giảm được vài trăm nghìn tiền học phí”.
![Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_113_51467833/fbf53f310e7fe721be6e.jpg)
Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hoài.
Ở chiều ngược lại, khi nhận thông báo nhà trường tạm dừng tổ chức hoạt động bồi dưỡng văn hóa, chị Hoài Phương, phụ huynh có con đang theo học lớp 7 tại Trường THCS Hồng Hà (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết chưa thể sắp xếp việc học của con trong thời gian sắp tới.
Nếu học thêm tại trung tâm, học phí sẽ chênh nhau gấp nhiều lần. Điều này khiến chị Phương phải cân nhắc lựa chọn lớp học thêm các môn cho con ở ngoài nhà trường.
Các thầy cô Trường THCS Chu Văn An (quận Tây Hồ, Hà Nội) tổ chức dạy thêm cho học sinh tại một trung tâm ngoài nhà trường với mức học phí rất thấp. Tuy nhiên, đối tượng học sinh đăng ký học thêm chủ yếu là học sinh trên lớp do chính thầy cô dạy học. Thế nên, thời điểm này, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã thông báo tới toàn thể phụ huynh, học sinh trong trường dừng dạy thêm tại trung tâm.
“Ngay sau khi có thông báo dừng dạy thêm, nhiều phụ huynh nhà trường bày tỏ mong muốn tiếp tục được thầy cô trên lớp của con dạy thêm và đưa ra ý kiến viết đơn xin học thêm theo hình thức tự nguyện”, chị Nguyễn Thu Hương, phụ huynh có con đang học lớp 6, Trường THCS Chu Văn An cho hay.
Không riêng các nhà trường, nhiều thầy cô đang dạy thêm ngoài nhà trường cũng đang lúng túng trước quy định mới theo Thông tư 29.
Theo quy định tại thông tư này, giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền bắt buộc phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật.
Việc làm sao để tiếp tục dạy thêm mà không vi phạm các quy định của pháp luật khiến nhiều thầy cô băn khoăn.
Cô Đỗ Phương Linh, giáo viên Tiếng Anh tại một trường THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội) có dạy thêm 2 lớp, mỗi lớp khoảng 18 học sinh.
Hiện tại, cô Linh đã dừng việc dạy thêm và đang tìm hiểu thủ tục đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, cô Linh cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là quy định về người có quyền thành lập và điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Theo quy định thì giáo viên trường công lập không thể đứng tên hộ kinh doanh cũng như điều hành trung tâm. Như vậy, các thầy cô không thể tự mình đăng ký mà buộc phải liên kết với cá nhân, tổ chức khác đứng ra mở và sẽ chỉ được dạy trên danh nghĩa hợp đồng.
“Tôi và đồng nghiệp đang loay hoay và chờ đợi hướng dẫn cụ thể của cấp trên”, cô Linh cho hay.
Trước đó, Sở GDĐT Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn việc dạy học thêm trong nhà trường, trong đó yêu cầu các phòng GDĐT, các nhà trường thực hiện nghiêm túc các nội dung Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ GDĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Sở yêu cầu các đơn vị, nhà trường phổ biến, tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh những quy định về dạy thêm, học thêm theo đúng quy định. Trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ sở phải thông tin kịp thời về sở thông qua phòng Giáo dục trung học.