Trường ngừng dạy thêm, con tôi sung sướng, còn tôi rối như tơ vò

Cô chủ nhiệm báo dừng học thêm do quy định mới, con tôi hét lên vì vui sướng, còn tôi sau khi mừng thì đứng ngồi không yên vì lo con không theo kịp chương trình học.

Giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi vừa thông báo tạm dừng các buổi học thêm chỉ vài ngày trước khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực.

Theo thông tư này, không được tổ chức dạy thêm cho học sinh tiểu học, trừ việc bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống. Ở các cấp khác, việc học thêm chỉ dành cho các học sinh có điểm cuối kỳ môn đó chưa đạt, học sinh được trường chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi, hoặc học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Học thêm ở trường là miễn phí.

Việc dạy thêm thu phí chỉ được thực hiện bên ngoài nhà trường ở các cơ sở có đăng ký kinh doanh; giáo viên không được dạy thu tiền đối với học sinh mà mình dạy trong trường.

Tóm lại, với quy định này, việc dạy thêm, học thêm sẽ được quản lý rất ngặt. Trước khi thông tư có hiệu lực, cô giáo chủ nhiệm của con tôi đã thông báo dừng. Nhận được tin này, con tôi và các bạn nó hét lên ầm ỹ. Về đến nhà, nó tiếp tục thể hiện sự hân hoan bằng những tiếng reo vui và gương mặt hớn hở. Nó bảo, con thấy mình là đứa sung sướng nhất đời, từ giờ trở đi ngày nghỉ đúng là ngày nghỉ, cuối tuần được chơi.

Nhiều trẻ em kiệt sức khi vừa phải học chính khóa vừa phải học thêm. (Ảnh minh họa: T.T.)

Nhiều trẻ em kiệt sức khi vừa phải học chính khóa vừa phải học thêm. (Ảnh minh họa: T.T.)

Con thì vui nhưng tôi lại lo lắng như ngồi trên đống lửa, rất lo lắng cho thành tích của con thời gian tới.

Thật ra tôi vốn là người ủng hộ việc cấm dạy thêm bởi tình trạng biến tướng quá mức của nó. Dạy thêm lâu nay không chỉ đơn thuần là bù đắp lỗ hổng kiến thức cho trẻ mà còn trở thành áp lực ngầm lên cả học sinh và phụ huynh. Mang danh nghĩa là tự nguyện nhiều khi nhưng học sinh và phụ huynh không có sự lựa chọn nào ngoài việc tham gia. Chính tôi có sự trải nghiệm đáng nhớ về điều này.

Khi con mới vào cấp 1, tôi hồn nhiên nghĩ rằng mình có đủ thời gian và kiến thức để kèm cặp nên không đăng ký học thêm với cô chủ nhiệm. Sau đó cháu liên tục bị điểm thấp. Có những lần con về nhà mếu máo kể, tại sao cùng một bài toán, con làm sai thì bị mắng, còn các bạn khác (có đi học thêm) thì lại được cô nhẹ nhàng chỉ bảo.

Nhận ra nguyên do, tôi bắt đầu cho con tham gia các lớp học thêm của cô; có những môn cháu học khá, hoàn toàn không cần bồi dưỡng gì nữa nhưng tôi vẫn phải đăng ký để mua sự yên tâm.

Vì thế khi nhận thông báo ngừng học thêm ở lớp, ban đầu không chỉ con vui sướng mà bản thân tôi cũng thấy nhẹ nhõm. Khi không còn phải lựa chọn đăng ký học thêm hay không, học sinh nào cũng sẽ như nhau trong mắt cô giáo; tôi sẽ không phải lo con bị phân biệt đối xử. Tôi tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể, không mất thời gian đưa đón; cuối tuần cả gia đình có thể đưa nhau đi chơi thay vì cuống cuồng sắp xếp lịch đưa đón đứa lớn, đứa bé.

Nhưng tối hôm đó khi con trai nhờ giảng bài tập mà nó không hiểu, tôi mới nhận ra chuyện không đơn giản như vậy. Nếu bố mẹ không bỏ ra mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày để kèm con học, thằng bé sẽ có nguy cơ không theo kịp. Nghĩa là đứa trẻ vẫn phải học thêm, chẳng qua người dạy chuyển từ cô giáo sang phụ huynh mà thôi.

Theo tôi, việc lệnh "cấm" dạy thêm không đi đôi với cải tổ chương trình học tập là rất bất cập. Là người khá sát sao với việc học của con, tôi nhận thấy chương trình học của trẻ tương đối nặng và tràn lan. Nhiều khi con tôi phải học tới tận đêm muộn vẫn chưa hết bài.

Những năm gần đây, việc thay đổi sách giáo khoa liên tục khiến tôi - người hồi xưa luôn đạt học sinh giỏi - nhiều khi cũng phải ngẩn ngơ trước những câu hỏi của con. Có giáo viên tâm sự với tôi rằng, dù họ đã rất cố gắng nhưng thời gian trên lớp không đủ để họ truyền đạt hết kiến thức cho học sinh. Nhiều khi biết rõ các em còn yếu phần này, phần kia nhưng để đảm bảo chương trình học, họ không dám dừng lại để ôn luyện thêm cho trẻ.

Không những thế, chương trình học của các con hiện nay khá tràn lan. Khi đi học thêm, các thầy cô sẽ có thời gian ôn theo cấu trúc đề thi, giúp các con làm quen, không bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi thật. Những điều này, dù có muốn, các thầy cô giáo cũng không thể dạy trên lớp do thời gian học quá ngắn, chương trình học lại nhiều và lan man.

Lúc này tôi nhận ra, thầy cô có nhu cầu dạy thêm không phải chỉ vì muốn tăng thu nhập, mà còn vì muốn có thêm thời gian để truyền đạt cho trẻ. Mà thầy cô tăng ca, làm thêm giờ cũng không thể không có thù lao.

Giờ cô giáo ở trường không dạy thêm nữa, tôi rối như tơ vò vì bản thân không đủ năng lực kèm con như trước, cũng không đủ thời gian. Con tôi học lực và độ tập trung, chăm chỉ cũng bình thường, nếu chỉ học trên lớp với chương trình nặng như hiện nay thì rất đáng lo.

Tất nhiên, tôi còn có lựa chọn khác là tìm hiểu các trung tâm dịch vụ bên ngoài để đăng ký. Tuy nhiên, giáo viên bên ngoài không theo sát con tôi suốt cả quá trình, không có nhiều thời gian để hiểu điểm mạnh, yếu của từng trẻ như thầy cô ở trường nên sợ rằng hiệu quả cũng kém hơn.

Minh Phương

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/truong-ngung-day-them-con-toi-sung-suong-con-toi-roi-nhu-to-vo-ar925137.html
Zalo