Cô giáo vùng cao với phương pháp ôn thi hiệu quả môn Tiếng Anh

Việc hỗ trợ các em lớp 12 ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 môn Tiếng Anh không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm và tâm huyết của mỗi giáo viên.

Cô Phạm Thị Liên và học trò trong một giờ học Tiếng Anh trên lớp.

Cô Phạm Thị Liên và học trò trong một giờ học Tiếng Anh trên lớp.

Lập kế hoạch từ sớm

Học sinh miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc học Tiếng Anh do điều kiện học tập còn hạn chế và sự chênh lệch về trình độ giữa các em. Tại Trường THPT Vị Xuyên, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chỉ có 46 học sinh đăng ký thi môn Tiếng Anh.

Ở học kỳ I, nhà trường chia hai lớp dạy học tăng cường để bồi dưỡng kiến thức kĩ năng cho các em vào buổi chiều với tổng thời lượng 18 tiết/học kì, nhưng đây là thời lượng khá hạn chế so với khối lượng kiến thức - kĩ năng cần thiết, trình độ học sinh không đồng đều.

Trong quá trình ôn tập, tôi tổ chức khảo sát 3 lần dạng bài bám sát đề tham khảo kì thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT còn nhiều em đạt điểm dưới trung bình. Đề thi có nhiều dạng bài mới, câu hỏi khó và mang tính phân loại cao, khiến học sinh gặp không ít trở ngại.

 Cô Liên có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo.

Cô Liên có hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo.

Trong kế hoạch đầu năm học, tôi đã xác định rõ mục tiêu của chương trình ôn tập dành cho học sinh lớp 12 lựa chọn môn thi tốt nghiệp là môn tiếng Anh:

Một là, đảm bảo học sinh nắm vững các kiến thức cơ bản về ngữ pháp, từ vựng và các dạng bài dễ lấy điểm. Hai là, thu hẹp khoảng cách trình độ, giảm tỷ lệ học sinh đạt điểm dưới trung bình bằng cách bù lấp những lỗ hổng kiến thức và cải thiện các kỹ năng cơ bản. Ba là, trang bị các chiến thuật làm bài hiệu quả, tối ưu hóa điểm số từ các dạng bài khó, đặc biệt là dạng bài kỹ năng đọc hiểu.

Phân loại học sinh và cá nhân hóa phương pháp dạy

Phân chia thành hai nhóm:

Nhóm yếu đến trung bình: Học từ vựng cơ bản, ôn tập ngữ pháp nền tảng (từ loại, phân từ, trật tự từ, giới từ, cụm từ cố định, động từ nguyên mẫu có to, từ hạn định/ lượng từ), sắp xếp hội thoại câu mức độ biết, một số câu hỏi dễ trong dạng bài kỹ năng đọc hiểu như câu hỏi thông tin chi tiết, câu hỏi về từ quy chiếu, cách làm bài câu hỏi từ vựng gần nghĩa… tập trung làm các câu hỏi dễ khác trong đề thi.

Nhóm khá: Phát triển kỹ năng xử lý bài đọc hiểu, câu khó và dạng bài phân loại. Ví dụ câu hỏi trái nghĩa, câu hỏi TRUE/NOT TRUE, câu hỏi ý chính, dạng câu hỏi mới lạ như câu hỏi điền câu phù hợp vào đoạn, câu hỏi về paraphrasing. Giao bài tập phù hợp cho từng nhóm, tổ chức kiểm tra định kỳ để theo dõi tiến độ.

Lộ trình ôn tập khoa học trong học kì II

 Giáo viên cần hướng dẫn học sinh xây dựng lộ trình ôn tập các môn hợp lý.

Giáo viên cần hướng dẫn học sinh xây dựng lộ trình ôn tập các môn hợp lý.

Giai đoạn 1: Thi thử theo kế hoạch của nhà trường, tiếp tục củng cố từ vựng và ngữ pháp cốt lõi (tuần 1-5).

Giai đoạn 2: luyện tập theo dạng bài thi (tuần 6-10): Đọc điền thông tin, đọc điền tờ rơi, sắp xếp đoạn hội thoại/ lá thư/đoạn văn, đọc điền khuyết thông tin, đọc hiểu.

Giai đoạn 3: Thi thử và sửa lỗi (tuần 11-18), kết hợp giải thích chi tiết để học sinh hiểu và rút kinh nghiệm.

Thời gian ngắn nên tập trung vào các kiến thức trọng tâm, gắn liền với cấu trúc đề thi. Mỗi buổi học đều có thời gian dành riêng cho thực hành và phản hồi.

Để bù lấp khoảng trống kiến thức và tăng cường kỹ năng làm bài, tôi dự kiến sẽ trao đổi với đồng nghiệp cùng nhóm chuyên môn và đề xuất với BGH nhà trường tổ chức thêm một số buổi ôn tập miễn phí trong học kỳ II tại trường ngoài thời gian được phân công ôn tập theo kế hoạch của nhà trường, đồng thời hỗ trợ online thêm cho các em.

Nội dung tập trung vào việc hướng dẫn kỹ thuật làm bài các câu phân loại, ôn luyện những dạng bài thường sai trong các bài kiểm tra khảo sát, giải đáp thắc mắc và xử lý lỗi sai cá nhân cho từng học sinh.

Sử dụng phương pháp sáng tạo và tích hợp công nghệ

 Cô Liên sử dụng thành thạo một số phần mềm trong giảng dạy giúp bài giảng sinh động hơn.

Cô Liên sử dụng thành thạo một số phần mềm trong giảng dạy giúp bài giảng sinh động hơn.

Ứng dụng các phần mềm học tập như Twee, Diffit, Quizlet, Quizizz, Kahoot, Blooket, yourhomework.net… để ôn tập từ vựng và ngữ pháp, thiết kế các bài tập dạng đọc hiểu để tạo không khí học tập hứng khởi cho các em.

Biên soạn tài liệu rút gọn, dễ hiểu với các câu hỏi trọng tâm và gửi qua nhóm Zalo/Google Drive để học sinh tự học thêm ở nhà. Thiết kế bài kiểm tra online để các em có thể luyện tập bất kỳ lúc nào, đặc biệt là với dạng bài đọc hiểu và điền từ.

Tổ chức các buổi thi thử với áp lực thời gian như thi thật. Hướng dẫn học sinh chiến thuật làm bài như làm câu dễ trước, sử dụng phương pháp loại trừ cho câu khó, tuyệt đối không bỏ trống đáp án. Xây dựng tinh thần tự tin bằng cách khen ngợi sự tiến bộ và nhấn mạnh rằng nỗ lực là yếu tố quan trọng nhất.

Sự đồng hành của phụ huynh

 Hoạt động nhóm của học sinh có sự chỉ dẫn, góp ý từ giáo viên.

Hoạt động nhóm của học sinh có sự chỉ dẫn, góp ý từ giáo viên.

Thường xuyên cập nhật tình hình học tập và khó khăn của học sinh đến phụ huynh qua nhóm Zalo, trao đổi qua điện thoại hoặc trực tiếp. Khuyến khích phụ huynh nhắc nhở con ôn bài, làm bài tập và xây dựng thói quen học tập đều đặn. Tư vấn cách khích lệ con, tạo môi trường học tích cực để giúp các em thêm tự tin và kiên trì với môn Tiếng Anh.

Các em tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là những học sinh đầu tiên học theo Chương trình GDPT 2018, nên mang trong mình không ít áp lực nhưng cũng đầy tiềm năng và kỳ vọng. Việc lựa chọn môn Tiếng Anh - một môn được đánh giá là khó đối với học sinh miền núi, với cấu trúc đề có nhiều dạng bài mới lạ - tôi thực sự rất trân trọng sự lựa chọn với nhiều quyết tâm của các em.

Là một giáo viên, tôi không chỉ mong học trò đạt được kết quả cao trong kỳ thi mà còn muốn khơi dậy sự tự tin và niềm yêu thích học tập trong các em. Chính sự quyết tâm và tinh thần học hỏi ấy đã tiếp thêm động lực để tôi luôn nỗ lực hết mình không chỉ là người hướng dẫn mà còn là người bạn, người truyền cảm hứng để các em vững bước trên con đường học tập.

"Chỉ cần các em cố gắng, tôi tin rằng, dù ở miền núi, nông thôn hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự chăm chỉ và tinh thần không bỏ cuộc sẽ giúp các em vượt qua mọi trở ngại. Thành công không chỉ nằm ở điểm số mà còn ở sự cố gắng của các em, và tôi tự hào được là một phần trong hành trình ấy" - cô Phạm Thị Liên.

Phạm Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn Trường THPT Vị Xuyên, Hà Giang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-giao-vung-cao-voi-phuong-phap-on-thi-hieu-qua-mon-tieng-anh-post719223.html
Zalo