Trương Mỹ Lan phủ nhận chỉ đạo phát hành trái phiếu
Theo kết luận điều tra, bị cáo Trương Mỹ Lan đã chủ trương cho mượn Công ty An Đông để phát hành trái phiếu, huy động nguồn tiền cho hoạt động của Ngân hàng SCB
Ngày 23-9, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2) với phần xét hỏi các bị cáo tham gia phát hành trái phiếu khống.
Không oan sai
Khi được hỏi có ý kiến gì về các tội danh bị truy tố, bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, trả lời bị cáo tôn trọng quyết định cơ quan chức năng nhưng xin HĐXX xem xét thấu đáo nguyên nhân, bối cảnh và động cơ phát hành trái phiếu.
Liên quan đến lời khai của các bị cáo là các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các công ty con, bị cáo Lan từ chối bình luận và đề nghị HĐXX cân nhắc hoàn cảnh của từng người. "Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau, họ đều làm công ăn lương, không hưởng lợi gì. Nhiều người khai không nhớ đã ký gì, có thể vì quá gấp gáp…" - bị cáo Lan nói.
Bị cáo Lan thừa nhận đã quản lý và điều hành 2 công ty: Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (thành lập năm 1992) và Công ty Đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (thành lập năm 2007, do Ngô Thanh Nhã, em dâu của bị cáo đứng tên đại diện pháp luật). Tuy nhiên, bị cáo Lan khẳng định chưa từng cử bất kỳ ai từ 2 công ty này sang làm việc tại SCB, đồng thời nhấn mạnh rằng Tập đoàn Vạn Thịnh Phát không kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và không có nhu cầu phát hành trái phiếu.
Khi được hỏi về cáo buộc "tranh thủ bữa cơm trưa" để chỉ đạo phát hành trái phiếu, bị cáo Lan thừa nhận có tham gia bữa cơm gồm lãnh đạo Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại trụ sở của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nhưng phủ nhận việc chỉ đạo phát hành trái phiếu. Bị cáo Lan khai rằng vào năm 2018, Nguyễn Phương Hồng (Phó Tổng Giám đốc SCB) thường xuyên "than thở" với bị cáo về tình trạng khó khăn tài chính của ngân hàng do bị thanh tra và kiểm tra liên tục.
Tại bữa cơm, các bên bàn về việc niêm yết Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chứ không phải việc phát hành trái phiếu. "Bị cáo không có chủ trương gì cả" - bị cáo Lan lặp đi lặp lại và mong HĐXX làm rõ "ai là người chủ trương phát hành trái phiếu".
Mặc dù phủ nhận đã chỉ đạo phát hành trái phiếu, sử dụng tiền của các nhà đầu tư trái phiếu nhưng bị cáo Lan khẳng định sẽ dùng tiền cá nhân để khắc phục hậu quả thiệt hại. Cuối cùng, khi được hỏi có cảm thấy oan sai không, bị cáo Lan trả lời, bị cáo tôn trọng cáo trạng, không cảm thấy oan sai nhưng xin đừng dùng từ "chiếm đoạt" cho bị cáo.
Thiếu sót trong nghiệp vụ!?
Theo cáo trạng, vào năm 2018, bị cáo Trương Mỹ Lan đã đề ra chủ trương và tổ chức cuộc họp với các nhân sự cấp cao của Ngân hàng SCB, Công ty Chứng khoán TVSI và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Có 6 công ty gồm: VIPD, VN GROUP, DUC, Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, WMC, SPG tạo ra các gói trái phiếu "khống" để bán cho các nhà đầu tư.
Trương Mỹ Lan sử dụng các Công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra để phát hành tổng cộng 308 triệu trái phiếu khống, không có tài sản bảo đảm. Trong số các công ty này, Công ty Setra đã có kết quả kinh doanh lỗ trong năm gần nhất trước khi phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, kiểm toán viên từ Công ty Kiểm toán A&C đã "xử lý kỹ thuật" để sửa lại báo cáo tài chính của doanh nghiệp này.
Bị cáo Lý Quốc Trung, Phó Tổng Giám đốc kiêm kiểm toán viên của Công ty Kiểm toán A&C, được xác định là người phụ trách kiểm toán báo cáo tài chính năm 2019 của Công ty Setra. Tại tòa, bị cáo Trung thừa nhận quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán không tuân thủ đúng quy định, nhưng khẳng định đây chỉ là "thiếu sót nghiệp vụ" không phải hành vi có chủ đích để "giúp sức" cho Trương Mỹ Lan.
Trong quá trình kiểm toán, Trung đã phân công 4 thành viên khác tham gia. Sau khi xem xét báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty Setra, Trung nhận thấy công ty thua lỗ và yêu cầu kiểm tra chi tiết. Bị cáo Trung khẳng định không biết việc kiểm toán này nhằm mục đích phát hành trái phiếu và không hứa hẹn "làm đẹp" báo cáo tài chính của Công ty Setra, cũng như không nghĩ hành động của mình sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. (?!)
Trên thực tế, Công ty Setra đã yêu cầu kiểm toán từ tháng 3-2020 nhưng đến tháng 6-2020, nhóm kiểm toán mới thu thập đủ bằng chứng liên quan đến khoản thoái vốn của Công ty Setra. Dù vậy, họ vẫn đồng ý lùi ngày phát hành trên báo cáo kiểm toán độc lập. Trung giải thích rằng thời điểm đó là giai đoạn bận rộn và Công ty Setra chỉ bổ sung hồ sơ sau khi một thành viên trong nhóm trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản.
Khi hồ sơ được bổ sung, kết quả kiểm toán cho thấy Công ty Setra từ thua lỗ chuyển sang có lãi. Trung khẳng định rằng chỉ khi làm việc với cơ quan chức năng, ông mới biết các hợp đồng chuyển nhượng vốn của Công ty Setra là khống. Trước đó, hồ sơ kiểm toán dường như đầy đủ nên ông đã đồng ý.
Bị cáo Phạm Hoa Đăng (cựu kiểm toán viên Công ty Kiểm toán A&C) thì khai rằng khi nhận được đề nghị bổ sung báo cáo tài chính của Công ty Setra, bị cáo đã báo cáo cho Lý Quốc Trung về yêu cầu này của khách hàng và được Trung đồng ý. Theo bị cáo yêu cầu bổ sung chứng từ trong quá trình thực hiện kiểm toán hồ sơ của công ty là bình thường, nằm trong nghiệp vụ kiểm toán.
Tuy nhiên, việc để xảy ra sai phạm như cáo trạng nêu là "thiếu sót" trong nghiệp vụ kiểm toán chứ không phải "sai phạm". Bị cáo Đăng nói rằng không biết Công ty Setra sử dụng báo cáo tài chính này để phát hành trái phiếu. Với cáo buộc giúp sức cho Trương Mỹ Lan, bị cáo đề nghị được HĐXX xem xét lại.