Trường hợp nào giáo viên vừa hưởng chế độ bảo hiểm xã hội vừa được hưởng lương?

Giáo viên được nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng chỉ nghỉ 4 tháng, đi làm sớm 2 tháng thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội 6 tháng và hưởng 2 tháng lương do đi làm sớm.

Chính sách về lương, bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc do ốm đau, thai sản,…luôn được giáo viên đặc biệt quan tâm.

Trong phạm vi bài viết xin được cung cấp một số thông tin về các quy định hiện hành về các trường hợp hưởng bảo hiểm xã hội, hưởng lương trong quá trình hưởng bảo hiểm xã hội,…

 Ảnh minh họa trên ebh.vn

Ảnh minh họa trên ebh.vn

Giáo viên nghỉ việc do ốm đau chỉ được hưởng bảo hiểm xã hội hoặc hưởng lương

Một giáo viên thắc mắc nội dung như sau: "Tôi được cấp giấy nghỉ việc do ốm đau hưởng bảo hiểm xã hội 7 ngày (hưởng 75% lương do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả), nhưng do tôi sắp xếp được và khỏe sớm, tôi chỉ nghỉ 3 ngày, còn 4 ngày còn lại tôi vẫn đến cơ quan làm việc. Vậy có phải tôi vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội 7 ngày và 4 ngày làm việc tôi vẫn hưởng lương do trường tôi chi trả?”

Đây là trường hợp giáo viên được cấp giấy nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội nhưng trong thời gian nghỉ hưởng bảo hiểm xã hội đến cơ quan làm việc nên được chi trả theo quy định dưới đây.

Căn cứ Điều 28 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:

“Điều 28. Mức hưởng chế độ ốm đau

Người lao động hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 26, Điều 27 của Luật này thì mức hưởng tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Trường hợp người lao động mới bắt đầu làm việc hoặc người lao động trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, sau đó bị gián đoạn thời gian làm việc mà phải nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau ngay trong tháng đầu tiên trở lại làm việc thì mức hưởng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.”

Theo quy định trên, mức hưởng chế độ ốm đau tính theo tháng bằng 75% mức tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.

Còn tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 có quy định:

“Điều 25. Điều kiện hưởng chế độ ốm đau

Bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Trường hợp ốm đau, tai nạn phải nghỉ việc do tự hủy hoại sức khỏe, do say rượu hoặc sử dụng chất ma túy, tiền chất ma túy theo danh mục do Chính phủ quy định thì không được hưởng chế độ ốm đau.

Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.”

Theo đó, điều kiện để hưởng chế độ ốm đau do bảo hiểm xã hội chi trả là phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh.

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Do đó, khi giáo viên bị bệnh, ốm đau hoặc nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau đã có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh về thời gian nghỉ mà vẫn đi làm, được người sử dụng lao động trả lương thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không đáp ứng điều kiện hưởng chế độ ốm đau.

Như vậy, trong trường hợp được cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội 7 ngày nhưng chỉ nghỉ 3 ngày, còn 4 ngày còn lại vẫn đến cơ quan làm việc thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ chỉ chi trả chế độ ốm đau 3 ngày nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Đối với 4 ngày không nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau mà đi làm thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả lương những ngày đi làm này và bảo hiểm xã hội sẽ không chi trả (không được hưởng bảo hiểm xã hội) chế độ ốm đau cho 4 ngày này.

Giáo viên nghỉ thai sản, nếu đi làm trước thời hạn nghỉ không quá 2 tháng, sẽ vừa hưởng lương và trợ cấp thai sản

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con được nghỉ hưởng chế độ thai sản trong 6 tháng. Trong 6 tháng này, người lao động được hưởng trợ cấp thai sản mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ.

Tuy nhiên, tại nhiều đơn vị, nhiều lao động nữ có nhu cầu đi làm trở lại khi chưa nghỉ hết 6 tháng thai sản. Liệu đi làm sớm có được nhận lương và hoàn trả lại số tiền đã hưởng khi đã nhận trợ cấp nghỉ thai sản của cơ quan bảo hiểm xã hội không?

Theo Điều 40 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định lao động nữ có thể đi làm trước khi hết thời hạn nghỉ sinh con sau khi đã nghỉ hưởng chế độ thai sản ít nhất được 4 tháng nhưng phải báo trước và được người sử dụng lao động đồng ý

Khoản 4 Điều 139 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định rõ hơn về điều kiện đi làm trước khi hết thời gian nghỉ thai sản. Theo đó, trước khi hết thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 4 tháng.

Điều kiện là người lao động phải báo trước, được người sử dụng lao động đồng ý và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động.

Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, giáo viên vẫn được hưởng chế độ thai sản cho đến khi hết thời hạn quy định. Như vậy, giáo viên không phải hoàn trả chế độ thai sản đã được hưởng.

Tức nếu giáo viên được nghỉ thai sản 6 tháng, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội nghỉ thai sản 6 tháng, nhưng giáo viên chỉ nghỉ thai sản 4 tháng, đi làm sớm 2 tháng thì vẫn được hưởng bảo hiểm xã hội 6 tháng và được hưởng 2 tháng lương do đi làm sớm với điều kiện được cơ quan đồng ý và đủ sức khỏe.

Lao động nữ làm việc trở lại khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản là quyền lợi cá nhân của người lao động và tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, lao động nữ có ý định làm việc trở lại khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản cần lưu ý 2 vấn đề: ngay sau khi đi làm trở lại, người lao động sẽ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định (nếu nghỉ thai sản không phải đóng bảo hiểm xã hội) và lao động nữ làm việc trở lại khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản sẽ không được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh.

Chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh được quy định tại Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội. Khi đủ điều kiện, lao động nữ sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày, tùy trường hợp. Với mỗi ngày nghỉ dưỡng sức, người lao động sẽ được nhận 30% mức lương cơ sở (hiện nay tương đương 540.000 đồng/ngày)

Tuy nhiên, chế độ này chỉ áp dụng đối với lao động nữ đã hưởng xong chế độ nghỉ thai sản, trong thời gian 30 ngày đầu đi làm lại mà sức khỏe còn yếu thì mới được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe

Trong khi đó, lao động nữ làm việc trở lại khi chưa hết thời gian nghỉ thai sản đã được cơ sở y tế xác nhận đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe để đi làm nên không được nghỉ dưỡng sức sau sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-hop-nao-giao-vien-vua-huong-che-do-bao-hiem-xa-hoi-vua-duoc-huong-luong-post248216.gd
Zalo