Trường học tại TP.HCM đảm bảo an toàn cho học sinh trong kỳ nghỉ hè
Đó là quyết tâm của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THCS Hiệp Phú, TP.Thủ Đức (TP.HCM), trong buổi giáo dục phòng ngừa tác hại của ma túy, thuốc lá điện tử (TLĐT) diễn ra sáng 12.5.
Cô Nguyễn Thị Hồng An - Hiệu trưởng Trường THCS Hiệp Phú - giải thích: “Chỉ hơn nửa tháng nữa là đến thời gian nghỉ hè, lứa tuổi học sinh (HS) rất dễ trở thành mục tiêu để đối tượng xấu lợi dụng. Ngay từ bây giờ, nhà trường muốn trang bị cho hơn 1.800 em những kiến thức cơ bản, giúp tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của các chất gây nghiện. Trong đó có biện pháp truyền thông học đường, ra sức ngăn chặn, vô hiệu hóa những tệ nạn đang rình rập, chờ cơ hội tấn công HS”.

Học sinh hào hứng tham gia tìm hiểu về tác hại của thuốc lá điện tử
Nhận diện, phòng tránh chất kích thích
Hoạt động này cũng phù hợp với Công điện 61/CĐ-TTg, ngày 10.5.2025 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó nhấn mạnh việc đảm bảo cho học sinh một mùa hè vui tươi, an toàn, bổ ích.
Tiết học ngoại khóa trở nên sinh động hơn, nhờ các giáo viên đã chuẩn bị sẵn hàng chục hình ảnh minh họa cho nội dung. Lần đầu tiên, HS được tận mắt nhìn thấy nhiều loại TLĐT với hình thức, mẫu mã, màu sắc khác nhau, nhưng tác hại thì giống nhau.
Là một trong những HS hăng hái tương tác, em Trần Võ Tuấn Anh, học khối lớp 8 vui vẻ kể: “Được tận mắt nhìn thấy những loại TLĐT và nghe thầy cô phân tích tác hại đối với bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng em càng hiểu rõ hơn cần phải tránh xa các chất độc hại. Đồng thời, nhắc nhở nhau không nghe theo người xấu, dụ dỗ, rủ rê trẻ em sử dụng TLĐT để trục lợi”.
Dường như nhà trường đã huy động tất cả bảng đen, giá vẽ để treo, dán những hình ảnh về các chất ma túy được kẻ xấu ngụy trang dưới vỏ bọc thực phẩm, thức ăn, đồ uống đánh lừa người mua. Cùng với dẫn chứng về nhiều loại chất kích thích, giúp HS nhận diện được đâu là khí cười, cần sa, cỏ Mỹ, thuốc lắc, ma túy đá.
Sau khi được quan sát kỹ loạt hình ảnh về hàng chục chất gây nghiện khác nhau, nữ sinh Nguyễn Phan Nhã Linh, học khối lớp 9 tâm sự: “Phương pháp truyền đạt bằng trực quan sinh động của các thầy cô, đã giúp chúng em dễ nắm bắt, nhớ lâu và hiểu được tác hại ghê gớm của chất ma túy. Từ đó, tất cả HS đã đồng lòng hưởng ứng phong trào “Nói không với ma túy và TLĐT”, do nhà trường phát động”.
Phấn khởi nhất chính là những phụ huynh, anh Lê Anh Tuấn (42 tuổi ) chia sẻ: “Hai con của tôi may mắn được học tại trường này. Ban giám hiệu của trường luôn quan tâm tổ chức các buổi tập huấn kiến thức pháp luật, nên các bé đã sớm ý thức được trách nhiệm của mình trong việc phòng tránh tệ nạn xã hội”.
Tiết sinh hoạt kết thúc càng trọn vẹn hơn, khi nhiều HS chủ động phát biểu cảm nghĩ. Các em cũng thể hiện quyết tâm “Không thử ma túy dù chỉ một lần”. Cùng với thầy cô chung tay xây dựng thành công mô hình “Trường học không ma túy”.
Nhiều sáng kiến các em đưa ra nhằm phòng chống tác hại của ma túy, được đánh giá cao: sống lành mạnh, tích cực tham gia hoạt động đội, siêng năng vận động thể chất, đỡ đần cha mẹ các công việc nhà vừa sức.

Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật học đường trong tháng 5, tại TP.HCM. Trong ảnh là các em học sinh tiểu học tham gia cuộc thi Rung chuông vàng
Nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng 5
Trong khi đó, tháng 5 cũng là "Tháng công nhân". Xuất phát từ việc quan tâm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, Trường trung cấp Công đoàn TP.HCM phối hợp với Liên đoàn lao động quận Phú Nhuận tổ chức tập huấn cho gần 500 công đoàn viên, về Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Đại diện cho hai cơ quan trên, thạc sĩ Nguyễn Xuân Quân - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường trung cấp Công đoàn cho biết: “Chúng tôi muốn tạo chuyển biến trước tiên từ phụ huynh. Động viên các bậc cha mẹ chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ con cái, trước những thủ đoạn của kẻ xấu”.
Trách nhiệm của phụ huynh trong việc phối hợp, tìm hiểu để nhận biết các loại TLĐT rất cần thiết. Thường xuyên tâm sự với con cái, khuyên bảo các em điều hay lẽ phải. Cũng là để kịp thời phát hiện những dấu hiệu bất thường về tâm lý, hành vi của con em. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mối quan hệ phối hợp theo phương pháp “kiềng ba chân”, đó là Gia đình - Nhà trường - Xã hội luôn có vai trò quan trọng” - ông Quân bộc bạch thêm.
Diễn ra cùng thời gian, các trường tiểu học Phước Thạnh, Phong Phú, THCS Trần Quốc Toản, đã thể hiện sự sáng tạo trong giáo dục truyền thống cho HS, qua cuộc thi Rung chuông vàng. Nhiều nội dung được lồng ghép nhân kỷ niệm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh (15.5), ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5).
Nhiều câu hỏi thú vị đã thu hút HS hào hứng tham gia. Đây cũng là dịp để các em ôn lại kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp của lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, lịch sử vẻ vang của Đội Thiếu niên Tiền phong. Tự hào với truyền thống và ra sức học tập, chăm ngoan, tiếp bước thế hệ cha anh, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Để giúp các em dễ tiếp thu, nhà trường còn tổ chức những chuyến tham quan Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Hồ Chí Minh, hội trường Thống Nhất. Trải nghiệm đáng nhớ đã góp phần củng cố thêm kiến thức lịch sử cho HS. Qua những chuyến đi, các em hình dung đầy đủ hơn trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Biết ơn và trân trọng với những hi sinh xương máu của hàng triệu người, để giành lại hòa bình độc lập, tự do và cơm no áo ấm.
Cô Lê Thị Kim Ngân - Hiệu trưởng Trường tiểu học Phước Thạnh trải lòng: “Tai nghe không bằng mắt thấy. Những chương trình thiết thực này luôn được đông đảo phụ huynh ủng hộ. Đó chính là động lực để chúng tôi không ngừng cải tiến phương pháp giáo dục, tăng thêm hiệu quả trong hoạt động dạy và học”.