Trường học số: Giải pháp giảng dạy tiên phong thời 4.0
Trường học số giúp việc chuyển đổi tiếp thu tri thức từ thụ động sang vận dụng và kiến tạo tri thức thích ứng hiệu quả, với môi trường học có sự tương tác. Xác định được tầm quan trọng của mô hình này, ngành Giáo dục Thái Nguyên đặt mục tiêu xây dựng trường học số nhằm nâng cao năng lực số cho giáo viên, học sinh. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) là 1 trong 4 trường học trên địa bàn tỉnh được lựa chọn xây dựng điểm mô hình trường học số.

Các em học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) tham dự sân chơi kỹ năng sống học sinh, do Nhà trường tổ chức.
Cô giáo Kim Ngọc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, cho biết: Trường học ứng dụng công nghệ số là một nhu cầu tất yếu để nhà trường truyền thống thích ứng với những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân nỗ lực xây dựng mô hình trường học ứng dụng công nghệ số với những nội dung trọng tâm gồm: Quản lý điện tử; dạy và học trực tuyến; học liệu số; kết nối, tương tác và giải pháp cụ thể, qua đó đạt được kết quả bước đầu.
Trong quản lý dữ liệu, nhà trường sử dụng các phần mềm kết nối, chuyển dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) tỉnh, CSDL ngành, học bạ điện tử, phần mềm quản lý công chức, viên chức, phần mềm quản lý thư viện,… để quản lý dữ liệu trong nhà trường. Với nhiệm vụ số hóa hồ sơ, sổ sách của giáo viên, Nhà trường đã xây dựng phần mềm phần mềm quản lý dữ liệu về hồ sơ giáo viên, kế hoạch bài học trên nền tảng MS Office 365 với những tính năng tiện lợi, phù hợp, cho phép quản lý các đầu sổ của giáo viên như lịch báo giảng, kế hoạch bài dạy, sổ dự giờ, phê duyệt lịch báo giảng, kế hoạch bài dạy, quản lý công tác bán trú,...
Trong những năm qua, Nhà trường đã giới thiệu, khuyến khích giáo viên, học sinh sử dụng các nền tảng học trực tuyến mở nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa quá trình học tập của học sinh. Các nền tảng đã được giới thiệu tới học sinh và phụ huynh học sinh như: Hệ sinh thái Aeglobal, bài học số, Vioedu, IOE, Khan Academy,... Các ứng dụng này được các thầy cô giáo, các em học sinh sử dụng hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng dạy học các môn học trong nhà trường.

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ - thông tin vào dạy học, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã đạt kết quả cao trong học tập. 8/8 học sinh của Trường vừa đạt thành tích tại Cuộc thi Toán quốc tế FMO vòng thi Quốc tế.
Trong học kỳ 2 năm học 2024 -2025, Trường triển khai nền tảng học trực tuyến OLM. Qua đó, cho phép quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả với loại tài liệu, bài giảng đa dạng, sẵn có hoặc có thể tự tạo, đánh giá kết quả học sinh sau khi các em hoàn thành các nhiệm vụ học tập... Hiện nay, Nhà trường đã xây dựng xong hệ thống lớp học trên OLM và bước đầu tiến hành giao các nhiệm vụ học tập trên OLM; tiến tới việc quản lý ôn tập và kiểm tra trực tuyến các môn học; từng bước xây dựng các đề kiểm tra trên OLM với các môn đánh giá bằng điểm số...
Bên cạnh đó, nội dung dạy học kết nối được Nhà trường tiên phong triển khai thực hiện từ năm học 2022-2023. Từ đó đến nay, Nhà trường tiếp tục phát triển hình thức dạy học này bằng việc mở rộng không gian kết nối các lớp học từ trong tỉnh, trong nước, nước ngoài và mở rộng trong cả phạm vi các môn học như Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt, Khoa học, hoạt động trải nghiệm, dạy học song ngữ…
Về nội dung học liệu số, bên cạnh việc khai thác học liệu có sẵn trên OLM, dưới sự hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Thái Nguyên, hiện nay, Trường cùng với các trường trên địa bàn đang xây dựng danh mục thiết bị, học liệu số nhằm tập hợp các học liệu, thiết bị đã được các thầy cô giáo, Ban Giám hiệu thẩm định, sử dụng vào làm dữ liệu dùng chung. Bên cạnh đó, Trường cũng đang sử dụng phần mềm VNSim - một phần mềm thí nghiệm ảo, cho phép học sinh, giáo viên phân tích, tương tác vào các mô hình của bài học.

Tiết học kết nối giữa Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP. Thái Nguyên) và Trường Tiểu học Cải Đan (TP. Sông Công) với bài học “Huyện, thị xã, thành phố nơi em ở”.
Trong nội dung kết nối và tương tác, ngoài các kênh truyền thống như website, bảng tin, phần mềm Vnedu Conect, Zalo nhóm lớp…, Nhà trường đã khai thác triệt để các mạng xã hội này để các hoạt động dạy và học trong nhà trường trở nên gần gũi với các em học sinh hơn và được các em đón nhận nhanh hơn, nhiều hơn. Sau một thời gian ngắn sử dụng, trang Fanpage của nhà trường hiện có tới 2.200 lượt theo dõi, kênh tiktok có tới gần 2.200 lượt follower. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục phát huy tối đa thế mạnh của các trang mạng xã hội này để truyền tải các nội dung giáo dục học sinh một cách hiệu quả...
Nhờ triển khai thực hiện tốt các nội dung trong xây dựng trường học số, Nhà trường đã khơi dậy sự đam mê, sáng tạo và tinh thần tích cực học tập đối với học sinh. Nhờ đó, trong năm học 2024 -2025, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân đã đạt được 322 giải cấp thành phố, 179 giải cấp tỉnh, 63 giải cấp quốc gia, 9 giải cấp quốc tế trong Cuộc thi Toán FMO, ASMO, TIMO, Tiếng Anh IOE, trạng nguyên Tiếng Việt, Đấu trường Vioedu...
Mặc dù đã đạt được kết quả đáng khích lệ, song trong quá trình xây dựng trường học số, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân còn gặp một số khó khăn, như: Thiếu kinh phí trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ; khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ của một số giáo viên còn hạn chế... Bởi vậy, để xây dựng thành công mô hình trường học ứng dụng công nghệ số, phù hợp với xu thế của giáo dục hiện đại, Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về mạng Internet tốc độ cao; thiết bị dạy học hiện đại (Bảng tương tác thông minh, máy tính, máy chiếu, và các thiết bị STEM, các thiết bị học tập cá nhân...), phần mềm, ứng dụng trong công tác quản lý, dạy và học. Đồng thời, mong muốn các trường đại học, cao đẳng, các nhà cung cấp trên địa bàn hỗ trợ đào tạo cán bộ, giáo viên và học sinh các kỹ năng sử dụng AI, kỹ năng số, kỹ năng an toàn thông tin trên không gian mạng...