Lợi ích thiết thực từ học bạ số

Bắc Giang là nhóm tỉnh, thành phố đi đầu thực hiện đánh giá học sinh bằng học bạ số. Từ năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Bắc Giang đã triển khai học bạ số ở cả ba cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhờ đó, ban giám hiệu các nhà trường theo dõi, quản lý sát sao quá trình đánh giá chất lượng học sinh, giáo viên không mất thời gian ghi chép, làm hồ sơ, sổ sách.

Khi muốn kiểm tra hoặc lấy thông tin học sinh, thầy cô giáo chỉ cần vào hệ thống mà không phải tìm trên hồ sơ giấy. Phụ huynh và học sinh sẽ tự theo dõi, giám sát kết quả học tập của con em mình và những học sinh khác trên hệ thống...

 Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Bắc Giang).

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Bắc Giang).

Ba năm học gần đây, Trường Tiểu học Lê Lợi (thành phố Bắc Giang) thực hiện đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng học bạ điện tử, giáo viên hạn chế được nhiều sai sót trong việc nhập điểm, tính điểm trung bình; đồng thời không mất nhiều thời gian để nhập điểm, viết lời nhận xét một cách thủ công trên học bạ giấy như trước. Thầy giáo Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi hệ thống đã khóa trở lại, giáo viên muốn thay đổi điểm số, lời nhận xét của học sinh đều phải báo cáo với Ban Giám hiệu bằng văn bản. Dù được phép sửa chữa, hệ thống vẫn lưu lịch sử sửa, tiện cho việc kiểm tra, giám sát khi cần".

Thời gian qua, nhiều trường đại học sử dụng phương án xét tuyển kết hợp điểm tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc điểm các kỳ thi riêng (chứng chỉ ngoại ngữ, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) với học bạ. Vì vậy, khi thực hiện học bạ điện tử, học sinh cấp trung học phổ thông yên tâm lấy kết quả học tập làm hồ sơ xét tuyển đại học bảo đảm công khai, minh bạch, ngăn chặn gian lận điểm số. Hiện nay, sau khi nhập đầy đủ điểm theo quy định vào học bạ điện tử, hệ thống sẽ tính toán ra kết quả điểm trung bình học kỳ, năm học. Thuận lợi hơn, khi học sinh chuyển trường, chuyển cấp, học bạ của các em sẽ được kích hoạt ngay trên hệ thống điện tử của trường nơi chuyển đến.

Để thực hiện hiệu quả học bạ số, các trường chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng công nghệ thông tin, trong đó ưu tiên đầu tư nâng cấp trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số, ký kết chương trình phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông để được hỗ trợ kỹ thuật kịp thời. Tuy nhiên, thời điểm này, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học được cấp chữ ký số, còn giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông chưa có chữ ký số. Do vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang đang đề nghị Ban Cơ yếu Chính phủ cấp chữ ký số cho giáo viên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông để hoàn thiện quy trình học bạ số vào cuối năm học 2024-2025, tạo thuận lợi cho học sinh trong việc xét tuyển đại học, chuyển trường, chuyển cấp.

Thời gian tới, Sở yêu cầu các nhà trường tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số bảo đảm đồng bộ; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Liên thông học bạ điện tử với các phần mềm quản lý khác trong nhà trường để thuận tiện cho việc trích xuất dữ liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của toàn ngành giáo dục trên toàn quốc.

Bài, ảnh: Duy Minh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/loi-ich-thiet-thuc-tu-hoc-ba-so-postid416545.bbg
Zalo