Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội định hướng hội nhập toàn cầu nhân lực ngành bán dẫn

Nguồn nhân lực do Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đào tạo sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn VN, sẵn sàng gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (HaUI) là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ được ưu tiên xem xét đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, nhằm phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu.

Trước khi chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050” chính thức được phê duyệt, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đón đầu xu hướng, chuẩn bị kỹ lưỡng về các điều kiện cần thiết và năng lực đào tạo nhằm cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.

Chủ động triển khai và sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước trong đào tạo nhân lực bán dẫn

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha - Trưởng khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) chia sẻ, về chương trình đào tạo, bắt đầu từ năm 2022, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tích hợp các học phần liên quan đến thiết kế vi mạch vào các chương trình đào tạo như Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông và Công nghệ Kỹ thuật Điện tử y sinh…

Năm 2024, nhà trường đã chính thức tuyển sinh chương trình đào tạo kỹ sư chuyên sâu đặc thù ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông về thiết kế và kiểm thử vi mạch.

Bên cạnh đó, nhà trường đã và đang thực hiện cập nhật các chương trình đào tạo hiện hành để phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời, đưa thêm các nhóm học phần tự chọn định hướng về vi mạch bán dẫn để người học có thể cân nhắc lựa chọn trong quá trình học tập tại trường.

 Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha - Trưởng khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha - Trưởng khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Hiện nay, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội có quan hệ hợp tác với nhiều công ty về thiết kế, đóng gói và kiểm thử vi mạch trong phát triển, cập nhật chương trình đào tạo, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, thực tập doanh nghiệp, đồng hướng dẫn đồ án tốt nghiệp, tuyển dụng,… Các chương trình liên quan trực tiếp đến đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn đã nhận được nhiều ý kiến góp ý quý báu từ các chuyên gia đến từ Dolphin, Qorvo, Synopsys, VIETA Solutions,… Đồng thời, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã triển khai hoạt động giảng dạy kết hợp giữa giảng viên của nhà trường với các chuyên gia từ doanh nghiệp cho một số học phần chuyên sâu về thiết kế vi mạch.

Nhà trường đang trong quá trình trao đổi với với một số cơ sở đào tạo quốc tế, trong đó có Đại học Khoa học và Kỹ thuật Minh Chí (Đài Loan) để hợp tác đào tạo ngành Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông định hướng về vi mạch bán dẫn. Hoạt động hợp tác này sẽ mang lại cơ hội học tập chất lượng cao cho sinh viên và nâng cao trình độ cho giảng viên.

Hiện tại, Khoa Điện tử là đơn vị chuyên môn chính để thực hiện đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn đã từng bước hoàn thiện đội ngũ giảng viên cần thiết để triển khai nghiên cứu, giảng dạy.

“Để nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giảng viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy các học phần liên quan đến vi mạch bán dẫn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ưu tiên cử nhiều giảng viên tham gia các hội nghị, hội thảo, các chương trình đào tạo, tập huấn ngắn hạn,… liên quan đến thiết kế, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử vi mạch như các khóa đào tạo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Cadence, NIC và Siemens, Quỹ An ninh và Đổi mới sáng tạo công nghệ quốc tế (ITSI) của Mỹ,…; đồng thời, cử nhiều giảng viên đi đào tạo bậc tiến sĩ chuyên sâu về lĩnh vực này. Ngoài ra, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đang triển khai đề án thu hút giảng viên trình độ cao (giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ có chỉ số trích dẫn công trình khoa học cao) về công tác tại trường với nhiều chế độ đãi ngộ tốt” - Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha chia sẻ.

Bên cạnh đó, Khoa Điện tử (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã hình thành nhóm nghiên cứu chuyên sâu về thiết kế vi mạch. Đến nay, nhóm đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng được nhiều sinh viên có kiến thức và kỹ năng vững vàng về thiết kế vi mạch. Một số sinh viên xuất sắc mới tốt nghiệp đã tham gia các chương trình trao đổi tại lab chuyên nghiên cứu về vi mạch tại Châu Âu, được nhận học bổng của Chính phủ Nhật Bản để tham gia khóa đào tạo thạc sĩ về thiết kế vi mạch.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp đã được tuyển dụng vào các công ty thiết kế vi mạch như Qorvo, Dolphin, Synopsys, VIETA Solutions,… cũng như các công ty hoạt động trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử vi mạch như Amkor, Hana Micron,… và nhiều bạn đã nắm giữ vị trí quản lý trong các công ty đó.

Về cơ sở vật chất, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chủ động đầu tư nhiều trang thiết bị đào tạo cơ bản và chuyên sâu cho nhiều lĩnh vực liên quan đến công nghiệp bán dẫn như Điện, Điện tử, Tự động hóa, Công nghệ thông tin, Cơ khí, Hóa học,…

Về thiết kế vi mạch, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng chủ động làm việc với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia và các Tập đoàn như Cadence, Siemens để tiếp nhận các gói tài trợ về công cụ thiết kế vi mạch.

 Sinh viên thực hành thiết kế vi mạch tại phòng thực hành, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Sinh viên thực hành thiết kế vi mạch tại phòng thực hành, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Ảnh: NTCC.

Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha cho biết, là một trong 18 cơ sở giáo dục đại học được Chính phủ ưu tiên đầu tư phòng thí nghiệm bán dẫn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong hoạt động này, do đó, việc nghiên cứu, đề xuất đầu tư cơ sở vật chất sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước trong việc đào tạo nhân lực bán dẫn.

Lãnh đạo Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn khẩn trương rà soát hệ thống trang thiết bị hiện có, tham khảo các chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn từ Mỹ, EU, Hàn Quốc, Đài Loan,… để có một bức tranh tổng thể về hoạt động đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn. Từ đó, làm căn cứ để đề xuất đề án đầu tư, nâng cấp phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Song song với đó, nhà trường đã, đang và sẽ tiếp tục cử giảng viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực khai thác hệ thống trang thiết bị dự kiến sẽ đầu tư.

“Nhà trường cũng đang nghiên cứu phương án phối hợp với các cơ sở giáo dục lân cận hợp tác thành một “liên minh”, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu, nhằm khai thác hiệu quả nhất các nguồn lực cả về con người lẫn thiết bị” - Trưởng khoa Điện tử thông tin thêm.

 Tọa đàm Thiết kế vi mạch bán dẫn do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: NTCC.

Tọa đàm Thiết kế vi mạch bán dẫn do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức. Ảnh: NTCC.

Đào tạo theo định hướng nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đặt ra định hướng lâu dài trong việc phát triển chương trình đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, không chỉ nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường trong nước mà còn mong muốn sinh viên tốt nghiệp được chào đón rộng rãi trên thị trường lao động toàn cầu, đặc biệt tại Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ…

Với định hướng nghiên cứu ứng dụng, chương trình đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội không chỉ tập trung vào kiến thức về thiết kế, lắp ráp, đóng gói và kiểm thử vi mạch, mà còn định hướng trang bị kỹ năng khai thác và sử dụng hiệu quả các trang thiết bị chuyên dụng, phần mềm chuyên dụng trong lĩnh vực này.

Các chương trình đào tạo liên quan đến công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội như Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Công nghệ Kỹ thuật Điện, Điện tử, và Khoa học máy tính, đã đạt chuẩn kiểm định ABET (Mỹ).

Đây là một tiêu chuẩn quốc tế khắt khe và được thừa nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới, giúp trường khẳng định chất lượng đào tạo và tạo tiền đề để trở thành đơn vị cung cấp nhân lực vi mạch bán dẫn chất lượng cao cho thị trường trong nước và quốc tế.

“Vì vậy, chương trình đào tạo phục vụ nhân lực ngành vi mạch bán dẫn cần đảm bảo tính tương thích với các chương trình đào tạo hàng đầu thế giới và xác định rõ phân khúc, vị trí việc làm của người học, từ đó, định hướng đặc trưng riêng cho chương trình, nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn toàn cầu” - Tiến sĩ Hoàng Mạnh Kha nhấn mạnh.

Để đào tạo nhân lực hiệu quả cho ngành công nghiệp bán dẫn, theo Trưởng khoa Điện tử, Chính phủ cùng các Bộ, Ngành cần sớm triển khai chính sách đặc thù dành cho giảng viên, chuyên gia và người học.

Đồng thời, cần xây dựng các chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình đào tạo, thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển sản phẩm cùng với các cơ sở đào tạo.

Bên cạnh đó, việc cải thiện cơ sở hạ tầng và thiết lập các cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn đến Việt Nam là rất cần thiết. Các doanh nghiệp sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, đồng thời là địa chỉ thụ hưởng thành quả từ quá trình đào tạo. Chỉ khi có cơ hội việc làm tốt và thu nhập hấp dẫn, lĩnh vực vi mạch bán dẫn mới thực sự thu hút được sự quan tâm của những nhân tài.

Ngọc Huyền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-cong-nghiep-ha-noi-dinh-huong-hoi-nhap-toan-cau-nhan-luc-nganh-ban-dan-post246016.gd
Zalo