Trường ĐH Công nghệ lấy kinh phí từ nguồn nào để miễn học phí cho học viên, NCS?

Bằng chính sách miễn học phí và hỗ trợ phí sinh hoạt, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN hi vọng thu hút nhiều nhân tài tham gia chương trình đào tạo sau đại học.

Ngày 18/02, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội (UET) ra mắt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học” với nhiều chính sách đột phá. Lần đầu tiên tại Việt Nam, học viên cao học và nghiên cứu sinh không chỉ được miễn học phí mà còn nhận hỗ trợ tài chính hàng tháng, cùng hàng loạt quyền lợi hấp dẫn khác.

Đề án được triển khai nhằm đào tạo đội ngũ chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, hướng tới xây dựng nguồn nhân lực có năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trong chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2045, nhà trường đặt mục tiêu duy trì vị thế là đại học hàng đầu về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực khoa học – công nghệ tại Việt Nam, đồng thời tiệm cận các tiêu chí của những đại học nghiên cứu tiên tiến ở châu Á.

Trung tâm của hoạt động nghiên cứu là học viên và nghiên cứu sinh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội bày tỏ, sứ mệnh quan trọng của Trường Đại học Công nghệ là hướng đến mô hình trường đại học nghiên cứu. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu, nhà trường đã xác định các định hướng và tiêu chí cụ thể trong hoạt động nghiên cứu khoa học.

 Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC.

“Thoạt nhìn, chất lượng nghiên cứu khoa học có vẻ được xác định thông qua các chỉ tiêu cụ thể như số lượng bài báo công bố hay số lượng đề tài thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận ra rằng những con số này chỉ mang tính tức thời, phản ánh kết quả ngắn hạn chứ chưa thể hiện được bản sắc hay tầm vóc thực sự của một cơ sở giáo dục.

Một trường nghiên cứu không chỉ dừng lại ở các chỉ số, mà quan trọng hơn là phải xây dựng được một văn hóa nghiên cứu bền vững. Văn hóa này phải được gắn kết chặt chẽ giữa hoạt động nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo. Khi văn hóa nghiên cứu được thiết lập vững chắc, các sản phẩm khoa học sẽ tự động hình thành. Có thể sẽ có những biến động nhất thời, nhưng giá trị cốt lõi và đẳng cấp học thuật của nhà trường sẽ luôn được duy trì ở mức cao.

Để làm được điều này, tinh thần và phương thức nghiên cứu phải được lan tỏa đến từng giảng viên, học viên, nghiên cứu sinh và sinh viên. Khi đó, hoạt động nghiên cứu sẽ trở thành một phần tất yếu, được thực hiện một cách tự giác và chủ động, thay vì mang tính bắt buộc. Một môi trường học thuật bền vững không thể được xây dựng nếu việc học tập và nghiên cứu chỉ diễn ra do áp lực từ bên ngoài.

Ban đầu, nhà trường tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu cho đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu không có sự tham gia của sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh, thì các hoạt động nghiên cứu sẽ chưa thành hệ thống, khó tạo thành một nền tảng bền vững.

Qua quá trình thực tiễn, chúng tôi nhận ra rằng trung tâm của hoạt động nghiên cứu trong trường đại học chính là các học viên cao học và nghiên cứu sinh. Họ là những người trực tiếp thực hiện nghiên cứu, trong khi giảng viên và giáo sư đóng vai trò định hướng và dẫn dắt. Đây cũng là mô hình chung tại nhiều trường đại học trên thế giới” – thầy Trình bày tỏ.

Xuất phát từ nhận thức này, nhà trường đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu. Đầu năm 2024, Samsung Electronics – một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã tìm đến hợp tác với Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo thỏa thuận, Samsung đặt hàng nhà trường tổ chức một chương trình đào tạo thạc sĩ về Kỹ thuật điện tử, phục vụ cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Sau khi hoàn thành khóa học tại trường, học viên sẽ sang Seoul (Hàn Quốc) làm việc tại Samsung Electronics trong một khoảng thời gian nhất định. Những học viên tham gia chương trình phải là những cá nhân xuất sắc, được miễn học phí và nhận hỗ trợ tài chính từ nhà trường để đảm bảo điều kiện học tập tốt nhất.

Ban đầu, phía Samsung đưa ra tiêu chí tuyển chọn rất cao. Tuy nhiên, sau khi đánh giá thực tế, nhà trường đã đề xuất điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình tuyển sinh, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào gồm toàn những học viên tốt nghiệp đại học loại Giỏi. Bên cạnh đó, các điều kiện về trang thiết bị, phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất cũng được đầu tư nhằm tạo điều kiện tối ưu cho quá trình học tập và nghiên cứu.

Thông qua những nỗ lực này, nhà trường không chỉ hướng đến việc nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn xây dựng một văn hóa học thuật thực sự vững chắc, góp phần khẳng định vị thế của một trường đại học nghiên cứu tiên phong.

 Trường Đại học Công nghệ tổ chức buổi giới thiệu học bổng thạc sĩ V-STT từ Samsung Semiconductor, với sự tham gia của các chuyên gia từ Samsung Electronics, Suwon, Hàn Quốc. Ảnh: NTCC.

Trường Đại học Công nghệ tổ chức buổi giới thiệu học bổng thạc sĩ V-STT từ Samsung Semiconductor, với sự tham gia của các chuyên gia từ Samsung Electronics, Suwon, Hàn Quốc. Ảnh: NTCC.

Nâng mức hỗ trợ sinh hoạt phí lên 10 triệu để người học yên tâm nghiên cứu

Theo thầy Trình, chính sách ban đầu của Samsung là hỗ trợ khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng cho học viên. Tuy nhiên, sau khi đánh giá thực tế, nhà trường nhận thấy mức hỗ trợ này chưa đủ để đảm bảo cuộc sống cho người học tại Hà Nội. Do đó, nhà trường quyết định bổ sung thêm 7 triệu đồng mỗi tháng, nâng tổng mức trợ cấp lên 10 triệu đồng cho mỗi học viên.

Việc triển khai chương trình đã mang lại kết quả tích cực, đồng thời tạo ra một không gian học tập chất lượng cao. Sau một năm thực hiện, nhà trường nhận thấy cần mở rộng mô hình này sang các chương trình đào tạo khác.

Để làm được điều đó, nhà trường đã tích cực tìm kiếm nguồn kinh phí thông qua hợp tác với doanh nghiệp, trích quỹ nghiên cứu, lợi nhuận từ các đề tài khoa học. Mục tiêu đặt ra là xây dựng một mô hình đào tạo tập trung, chất lượng cao, định hướng nghiên cứu, giúp học viên và nghiên cứu sinh có điều kiện học tập tốt nhất.

 Học viên học tập, nghiên cứu với giảng viên quốc tế. Ảnh: NTCC.

Học viên học tập, nghiên cứu với giảng viên quốc tế. Ảnh: NTCC.

Hiệu trưởng Chử Đức Trình cho hay, yếu tố quan trọng nhất để thu hút nhân tài và thúc đẩy nghiên cứu khoa học chính là chất lượng đào tạo. Sinh viên theo học sẽ được trải nghiệm một môi trường chuyên sâu, nơi họ có cơ hội phát triển kiến thức và kỹ năng vững chắc để phục vụ công việc sau khi tốt nghiệp.

Chương trình này được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế, có thể so sánh với các chương trình đào tạo tại những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như Hàn Quốc và Nhật Bản. Còn việc miễn học phí và hỗ trợ sinh hoạt chỉ là yếu tố đồng hành cùng người học trong thời gian ngắn.

Để đảm bảo nguồn kinh phí cho chương trình, nhà trường đã huy động từ ba nguồn chính: doanh nghiệp đồng hành, các kinh phí nghiên cứu khoa học do cán bộ nhà trường đấu thầu và kinh phí đào tạo.

“Hiện tại, nhà trường đặt mục tiêu duy trì quy mô chương trình ổn định với khoảng 100 - 200 học viên cao học và 25 - 50 nghiên cứu sinh, tùy vào từng năm học. Nếu số lượng học viên tăng lên hơn nữa thì quá tuyệt vời, nhà trường có thể thu hút thêm nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp để đảm bảo điều kiện nghiên cứu và đào tạo tốt nhất.

Tuy nhiên, chúng tôi không quá kì vọng số lượng học viên sẽ tăng nhanh đột biến, vì yêu cầu đầu vào của học viên cao học và nghiên cứu sinh rất cao. Nhà trường cũng phải cạnh tranh với các trường đại học ở nước ngoài trong thu hút học viên cao học, nghiên cứu sinh” – thầy Trình cho biết.

Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ chia sẻ, trước mắt, nhà trường đặt kỳ vọng lớn vào chương trình này với mong muốn tạo ra sự chuyển biến tích cực trong văn hóa nghiên cứu và học tập tại Trường Đại học Công nghệ.

Nếu mô hình đào tạo này đạt được thành công như mong đợi, trường hy vọng mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng ra các cơ sở giáo dục khác trên cả nước, qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng hướng đến mục tiêu xây dựng một đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu thực tiễn của các ngành công nghiệp mũi nhọn, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Thông qua các chương trình đào tạo tiên tiến, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức chuyên sâu mà còn có cơ hội tiếp cận với môi trường nghiên cứu hiện đại, làm việc với các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Điều này không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực Việt Nam mà còn đóng góp trực tiếp vào sự phát triển chung của nền khoa học – công nghệ nước nhà.

Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu được nêu trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, do Bộ Chính trị ban hành ngày 22 tháng 12 năm 2024. Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, nằm trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến năm 2045, Việt Nam phấn đấu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới, với quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP.

"Để hiện thực hóa mục tiêu này, yếu tố cốt lõi là phải có đội ngũ các nhà khoa học chất lượng cao, được đào tạo từ những chương trình tiên tiến và bài bản. Khi có nguồn nhân lực vững mạnh cùng với những chính sách hỗ trợ phù hợp, không có lý do gì mà các cơ sở giáo dục đại học không thể phát triển, và cũng không có lý do gì để Việt Nam không thể bứt phá trong tương lai gần" - Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-119241224180048642.htm

Trần Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-cong-nghe-lay-kinh-phi-tu-nguon-nao-de-mien-hoc-phi-cho-hoc-vien-ncs-post249306.gd
Zalo