Trường Đại học Trà Vinh với nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Sách và Văn hóa đọc

Hưởng ứng các hoạt động chào mừng ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4), Trung tâm Học liệu - Phát triển dạy và học thuộc Trường Đại học Trà Vinh tổ chức nhiều hoạt động như: khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 4 năm 2025, giới thiệu sách mới, trưng bày sách đọc tại chỗ, tặng sách cho bạn đọc…

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh tham quan các gian hàng sách tại Trung tâm Học liệu - Phát triển dạy và học. Ảnh: BÁ AN

Đặc biệt, Trung tâm phối hợp với Đoàn Trường tổ chức cuộc thi “Video Review Sách” để sinh viên thể hiện sự cảm nhận sâu sắc về sách, kỹ năng truyền đạt, tư duy phản biện và sáng tạo trong cách chia sẻ giá trị từ những trang sách đến cộng đồng; cuộc thi “Thiết kế chậu hoa bằng nguyên liệu tái chế” không chỉ rèn luyện sự khéo léo, tinh tế, mà còn truyền đi thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường, lối sống xanh và xây dựng không gian học tập thân thiện, gần gũi với thiên nhiên thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Ban Tổ chức đã trao 02 giải Nhất, 02 giải Nhì, 02 giải Ba và 04 giải Khuyến khích.

02 cuộc thi tuy khác hình thức nhưng đều cùng hướng đến mục tiêu cao đẹp là lan tỏa văn hóa đọc, nuôi dưỡng tâm hồn, và xây dựng cộng đồng học tập phát triển bền vững.

Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, sinh viên năm thứ 2 ngành Thương mại điện tử, Khoa Logistics chia sẻ: cuộc thi “Video Review Sách” là sân chơi bổ ích đối với sinh viên, em và 02 bạn Trương Thanh Lam, Lê Diệu Linh cùng tham gia thực hiện video giới thiệu về tập sách “Gánh hát lưu diễn muôn phương”. Với tác phẩm này, nhóm chúng em đã may mắn đoạt giải Nhất cuộc thi. Mỗi trang sách mở ra không chỉ một câu chuyện, mà còn là cả một thế giới - nơi tiếng hát không chỉ vang lên, mà còn kể về những phận người, những vui buồn, những khát vọng đã hòa vào từng câu hò, điệu lý. Sau khi đọc “Gánh hát lưu diễn muôn phương” em nhận ra rằng nghệ thuật dân gian không chỉ là một phần của quá khứ, mà còn có thể trở thành nguồn cảm hứng cho hiện tại. Những giai điệu xưa vẫn có thể sống động trong đời sống hôm nay, nếu chúng ta biết cách tiếp cận và ứng dụng chúng một cách sáng tạo. Từ cuốn sách, em học được rằng bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên trạng, mà là tìm cách để những giá trị truyền thống có thể hòa nhịp với thời đại.

Ngày nay, nhiều chương trình giáo dục đã đưa dân ca, hò hát vào giảng dạy, nhiều nghệ sĩ trẻ kết hợp các chất liệu dân gian vào âm nhạc hiện đại, tạo nên những sản phẩm vừa mới mẻ vừa mang đậm bản sắc. “Gánh hát lưu diễn muôn phương” đã mang lại động lực tích cực, như một lời nhắc nhở chân thành rằng giá trị truyền thống không bao giờ mất đi. Thông qua việc lồng ghép dân ca, hò hát vào giáo dục, nghệ thuật đương đại và cả trong các hoạt động cộng đồng, chúng ta có thể thổi hồn vào những giá trị ấy, biến chúng thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Cuốn sách đã mở ra viễn cảnh mới, nơi mà mỗi giai điệu xưa không chỉ là ký ức mà còn là nguồn cảm hứng để tự hào, để đổi mới và để khẳng định bản sắc văn hóa của chính mình trong thời đại tái kết nối lịch sử hôm nay.

Tiến sĩ Phan Quốc Nghĩa, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh nhấn mạnh: việc đọc sách không chỉ đơn thuần là hành động tiếp thu kiến thức mà còn là chiếc chìa khóa vàng mở ra cánh cửa của sự sáng tạo, hội nhập sâu rộng và sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ.

Hoàng Công Tấn, sinh viên năm thứ 3, ngành Răng - Hàm - Mặt là một trong những sinh viên có lượt sử dụng Thư viện nhiều nhất năm 2024, Công Tấn chia sẻ: là sinh viên ngành y, ngoài việc học kiến thức trên lớp, từ thầy cô giảng dạy em còn thường xuyên nâng cao kiến thức từ những quyển sách ở Trung tâm Học liệu - Phát triển dạy và học. Em thích đến đọc sách tại Trung tâm, không gian đọc sách yên tĩnh, thoáng mát có đầy đủ bàn ghế ngồi, tách biệt với những ồn ào bên ngoài. Đây là môi trường lý tưởng để em tập trung đọc sách, học bài và làm việc một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, thư viện trường có rất nhiều loại sách, từ sách giáo trình, tham khảo đến các tạp chí khoa học, luận văn. Nhờ vậy, em có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin chi tiết và chuyên sâu về các môn học, giúp hiểu bài giảng trên lớp một cách sâu sắc hơn.

Ngoài ra, thay vì phải mua rất nhiều sách, em có thể mượn miễn phí tại thư viện, giúp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể. Theo Tấn, việc đọc sách giúp bạn tiếp xúc với nhiều từ ngữ mới, cách diễn đạt phong phú và cấu trúc câu đa dạng. Nhờ đó, khả năng diễn đạt ngôn ngữ của mình trở nên lưu loát và chính xác hơn, cả trong văn nói và văn viết. Khi đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có nội dung phức tạp, mình cần phải suy nghĩ, phân tích và liên hệ các thông tin lại với nhau để hiểu rõ vấn đề. Quá trình này giúp rèn luyện tư duy logic, khả năng phân tích và giải quyết vấn đề. Việc đọc sách thường xuyên giúp cải thiện khả năng tập trung và tăng cường trí nhớ.

HỒNG NHUNG

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/truong-dai-hoc-tra-vinh-voi-nhieu-hoat-dong-huong-ung-ngay-sach-va-van-hoa-doc-45453.html
Zalo