Trường có 70% giáo viên hạng II, bao giờ thầy cô đủ điều kiện được thăng hạng?
Một giáo viên giỏi có thể không có cơ hội thăng hạng vì chỉ tiêu đã đủ, trong khi nơi khác chỉ cần đủ điều kiện tối thiểu là được thăng hạng.
Câu chuyện về thăng hạng với giáo viên chưa bao giờ hết "nóng". Bởi thăng hạng, không chỉ là tăng thu nhập và đó còn là sự ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của giáo viên trong nhiều năm. Tuy nhiên, với quy định khống chế tỷ lệ giáo viên từng hạng ở các trường hiện nay, nhiều giáo viên dù có nỗ lực đến đâu cũng khó được thăng hạng vì đã đủ chỉ tiêu.
Ảnh minh họa: Phạm Thi
Lời tâm sự của một số giáo viên
Một đồng nghiệp của người viết tâm sự rằng: “Là một giáo viên tận tâm, tôi luôn cố gắng nâng cao chuyên môn, đáp ứng đầy đủ điều kiện để được thăng hạng. Tuy nhiên, tôi và nhiều đồng nghiệp lại không được xét duyệt chỉ vì trường đã đủ 50% giáo viên hạng II.
Điều bất hợp lý là ở trường khác, giáo viên ít có thành tích nổi bật vẫn được thăng hạng chỉ vì tỷ lệ còn thiếu. Điều này không chỉ tạo ra sự bất công mà còn làm giảm động lực của những người thực sự tâm huyết với nghề.
Việc xét thăng hạng theo tỷ lệ vô tình thành một “cuộc chơi may rủi” hơn là đánh giá năng lực thực chất. Một giáo viên giỏi có thể không có cơ hội thăng hạng vì chỉ tiêu đã đủ, trong khi nơi khác chỉ cần đủ điều kiện tối thiểu là được thăng hạng. Cần có sự điều chỉnh công bằng hơn, xét theo năng lực thay vì tỷ lệ cứng nhắc”.
Một đồng nghiệp khác cũng cho biết: “Tôi có 13 năm ở hạng III. Tôi là chiến sĩ thi đua cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng trường tôi có tới 70% giáo viên đang ở hạng II thì còn cơ hội đâu cho mình nữa?
Dù có nỗ lực, có phấn đấu đến mấy, có khi đến khi về hưu tôi cũng không có cơ hội thăng hạng. Quy định chỉ tiêu khống chế nên giáo viên hạng III thiệt thòi vô cùng”.
Công văn số 64/BNV-CCVC ngày 05/01/2024 của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, theo đó, quy định giới hạn chỉ tiêu thăng hạng viên chức khiến quá trình xét duyệt trở nên khó khăn hơn.
Cụ thể, đối với đơn vị tự chủ nhóm 1 & 2: Hạng I: Tối đa 20%; Hạng II: Tối đa 50%; Hạng III trở xuống: Tối đa 30%
Đối với đơn vị tự chủ nhóm 3 & 4: Hạng I: Tối đa 10%; Hạng II: Tối đa 50%; Hạng III trở xuống: Tối đa 40%
Việc khống chế tỷ lệ này ảnh hưởng lớn đến cơ hội thăng hạng của giáo viên, dù họ có đủ năng lực và thành tích. Điều này không chỉ tạo ra sự thiệt thòi mà còn làm giảm động lực phấn đấu, bởi dù cố gắng đến đâu, họ vẫn có thể bị “chặn” lại chỉ vì tỷ lệ đã đủ.
Một đồng nghiệp của người viết có 25 năm kinh nghiệm, đạt nhiều danh hiệu giáo viên dạy các cấp, là tổ trưởng chuyên môn, là chiến sĩ thi đua cơ sở, đã hoàn thành các chứng chỉ bồi dưỡng theo quy định nhưng vẫn không thể thăng hạng vì trường đã đạt 70% giáo viên hạng II trước đó.
Trong khi đó, ở một trường khác trong cùng địa bàn, một số giáo viên có thành tích kém hơn vẫn được thăng hạng chỉ vì tỷ lệ hạng II của trường còn thiếu.
Làm gì để đảm bảo công bằng trong thăng hạng với giáo viên?
Việc khống chế chỉ tiêu thăng hạng đã khiến nhiều giáo viên dù có năng lực vẫn không thể được công nhận.
Để khắc phục những bất cập do việc khống chế chỉ tiêu thăng hạng, cần có những điều chỉnh phù hợp nhằm đảm bảo công bằng và khuyến khích giáo viên phát triển. Người viết xin có một số đề xuất.
Thứ nhất, xét thăng hạng dựa trên năng lực, không chỉ tiêu cứng nhắc. Thay vì áp dụng tỷ lệ cố định, việc xét thăng hạng nên dựa vào năng lực thực tế của giáo viên. Những người có thành tích xuất sắc, đáp ứng đầy đủ tiêu chí không nên bị “chặn” chỉ vì trường đã đủ chỉ tiêu.
Thứ hai, xây dựng cơ chế thăng hạng linh hoạt theo khu vực. Có thể áp dụng cơ chế thăng hạng theo từng địa phương hoặc cấp cụm trường, đảm bảo giáo viên giỏi ở những trường có chỉ tiêu đã đủ vẫn có cơ hội thăng hạng ở khu vực khác.
Thứ ba, tạo cơ hội thăng hạng mở cho giáo viên xuất sắc. Đề xuất một danh sách xét duyệt riêng cho giáo viên có thành tích nổi bật, cho phép họ được xét thăng hạng dù tỷ lệ trường đã đủ. Điều này khuyến khích giáo viên phấn đấu và cống hiến nhiều hơn.
Thứ tư, cải tiến chính sách tiền lương và đãi ngộ. Thay vì chỉ tập trung vào thăng hạng, có thể điều chỉnh chế độ lương và phúc lợi theo năng lực, đóng góp thực tế, giúp giáo viên yên tâm công tác mà không bị ảnh hưởng bởi rào cản thăng hạng.
Thứ năm, rà soát, điều chỉnh quy định xét thăng hạng định kỳ. Nếu có một cơ chế xét duyệt công bằng và linh hoạt hơn, giáo viên sẽ có động lực phấn đấu, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững.