'Trước Nhân dân cả nước, chúng ta cam kết…'
'Trước Nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo', Tổng Bí thư Tô Lâm nói như vậy trong Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW. Đây cũng là lời nhắc nhở với từng tổ chức, cá nhân, từng người dân, doanh nghiệp: không ai đứng ngoài công cuộc đổi mới này; không ai đứng bên lề hành trình dựng xây Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Sáng qua, nhiều doanh nhân, doanh nghiệp có mặt tại Hội trường Diên Hồng, trực tiếp tham dự Hội nghị toàn quốc do Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức để quán triệt, triển khai thực hiện hai nghị quyết chiến lược: Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham quan Triển lãm "Những thành tựu trong phát triển kinh tế tư nhân". Ảnh: Quang Khánh
Những tràng pháo tay đã vang lên giòn giã khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nói về việc phát động phong trào toàn dân thi đua làm giàu; về nguyên tắc “suy đoán vô tội trong điều tra, xét xử”; về chủ trương “ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính khi xử lý sai phạm”... Nhiều cánh tay giơ lên khi Thủ tướng dành thời gian để trao đổi sau phần trình bày về nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 68-NQ/TW và kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW. Các doanh nhân đã chia sẻ niềm vui đón nhận các quyết sách đột phá của Trung ương như nắng hạn gặp mưa rào; họ cũng gửi gắm thêm kiến nghị và đề xuất giải pháp đưa các quyết sách vào cuộc sống.
Trên Hội trường Diên Hồng sáng qua, những tràng pháo tay không chỉ thể hiện sự đồng thuận. Hơn hết, đó là tín hiệu của niềm tin, của sự kỳ vọng bùng nổ từ phía cộng đồng doanh nghiệp, những người lâu nay vẫn trăn trở tìm lời đáp cho bài toán: làm sao để yên tâm đầu tư, yên lòng sáng tạo và tự tin làm giàu chính đáng? Và những cánh tay giơ lên cho thấy cộng đồng doanh nghiệp muốn được chia sẻ, đối thoại và hành động; cho thấy họ đã sẵn sàng chứng tỏ vai trò là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững và trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Chia sẻ bên lề Hội nghị, nhiều doanh nhân nói rằng họ đã hiểu rõ hơn về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Nghị quyết số 57-NQ/TW xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là trụ cột tăng trưởng mới. Nghị quyết số 59-NQ/TW mở rộng không gian phát triển thông qua hội nhập quốc tế chủ động, tích cực. Nghị quyết số 66-NQ/TW yêu cầu hoàn thiện thể chế pháp luật minh bạch, hiện đại, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Nghị quyết số 68-NQ/TW thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực trung tâm cho nền kinh tế. Với điểm đột phá chung là tư duy phát triển mới: từ “quản lý” sang “phục vụ”; từ “bảo hộ” sang “cạnh tranh sáng tạo”; từ “hội nhập bị động” sang “hội nhập chủ động”; từ “cải cách phân tán” sang “đột phá toàn diện, đồng bộ và sâu sắc”, bốn Nghị quyết này là “bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
Cũng từ Hội nghị này, cộng đồng doanh nghiệp nhận thức sâu sắc hơn vai trò và trọng trách của mình với đất nước, nhất là khi Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu về mặt kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị, nhằm củng cố nền tảng tự chủ kinh tế quốc gia, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng trong một thế giới đầy biến động”.
“Nhìn về tương lai, chúng ta xác định rõ: muốn phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam không thể đi theo lối mòn cũ. Chúng ta phải dám nghĩ lớn, hành động lớn, thực hiện những cải cách lớn với quyết tâm chính trị cao nhất và nỗ lực bền bỉ nhất”. Đó là lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta, đồng thời là chỉ dẫn hành động. Bởi không có thành công nào đến nếu thiếu sự kiên định và bền bỉ. Không có cải cách nào đi đến tận cùng nếu thiếu sức ép đổi mới từ thực tiễn và sự đồng lòng của toàn xã hội. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục giữ vai trò trung tâm, gương mẫu trong đổi mới tư duy lãnh đạo, tổ chức thực hiện và bảo vệ thành quả. Doanh nghiệp phải chủ động thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh, gắn với chuẩn mực quốc tế. Người dân phải là người tiêu dùng thông minh, người lao động chuyên nghiệp, người công dân tích cực. Giới trí thức phải là người dẫn đường về tri thức, cung cấp luận cứ và phản biện để chính sách không rơi vào cảm tính hay ngắn hạn.
“Trước Nhân dân cả nước, chúng ta cam kết thực hiện mạnh mẽ các mục tiêu đã đề ra, bằng tinh thần đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, kiên trì và sáng tạo”. Cam kết chính trị ấy là lời hứa với Tổ quốc; là “mệnh lệnh từ tương lai dân tộc”; là lời nhắc nhở mỗi cấp ủy, chính quyền, tổ chức, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân về trách nhiệm của mình: không ai đứng ngoài công cuộc đổi mới này, không ai đứng bên lề hành trình dựng xây Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động nhưng chính trong biến động ấy, những quốc gia biết tự đổi mới, dám đi trước, dám dẫn dắt sẽ là những quốc gia trụ vững và vươn xa. Hội nghị toàn quốc hôm nay là lời hiệu triệu, và ngày mai sẽ là lời đáp bằng hành động thiết thực của cả dân tộc Việt Nam.