Trước 'ma trận' thông tin tuyển sinh đại học: Đến tận trường để nghe tư vấn
Những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh cộng với 'thập diện mai phục' thông tin trên mạng xã hội khiến thí sinh rơi vào mê hồn trận. Để có thông tin chính xác, nhiều thí sinh đã chọn cách trực tiếp đến tận các trường ĐH để được nghe chuyên gia của trường tư vấn chuyên sâu.
Đừng nghe tiktoker nói
Tại Ngày hội tuyển sinh năm 2025 tại Đại học Kinh tế Quốc dân, có đến hơn 30% số người đến tìm hiểu thông tin là các bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Hằng (Bắc Ninh) chia sẻ, những ngày qua, ngoài tìm hiểu trên các hội nhóm, chị không ngại vượt đường xa để có được những thông tin chính thống cho con.

Đông đảo học sinh đến gian hàng của các trường đại học để nghe tư vấn trong ngày hội tuyển sinh. Ảnh: Đăng Khoa
Theo chị Hằng, nhiều thông tin chị quan tâm liên quan đến một số ngành con muốn đăng kí xét tuyển không có trên website của trường. Chị Hằng đến ngày hội, gặp trực tiếp các thầy cô ở ngành Kiểm toán để được giải đáp thắc mắc.
Em Hà Ngân, học sinh lớp 12, Trường THPT Xuân Đỉnh (Hà Nội), cho hay, năm nay em muốn được xét tuyển vào ngành Quản trị Kinh doanh và một ngành nữa của ĐH Kinh tế Quốc dân. Em đến ngày hội tìm hiểu mới biết có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội nói về ngành học không chính xác. Ví dụ, các tiktoker nói học ngành Quản trị Kinh doanh sau tốt nghiệp chỉ có thể làm lãnh đạo, nhưng khi được thầy cô trong khoa giải đáp, Ngân nhận thấy không phải như vậy. Đây là ngành học linh hoạt, em có thể tham gia ở nhiều vị trí công việc.
Với “tài sản” 7.0 IELTS, 90 điểm thi HSA (đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội), Hà Ngân cố gắng thi tại kì thi tốt nghiệp THPT đạt điểm cao môn Toán và Ngữ văn để tăng cơ hội trúng tuyển, vì ngành Ngân mong muốn học ở ĐH Kinh tế Quốc dân năm trước điểm khá cao. Ngân cũng đặt nguyện vọng ở Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Trường ĐH Thương mại.
Sau khi tham gia trải nghiệm một ngày làm sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội, Nguyễn Ngọc Hưng, học sinh lớp chuyên Sinh tại một trường THPT chuyên của Hà Nội, quyết định thay đổi. Ban đầu, Hưng dự định đăng kí nguyện vọng học ngành Y khoa, nhưng nhận thấy chặng đường học tập để hành nghề sau đó rất dài, Hưng quyết định sẽ đăng kí học ngành Kĩ thuật phục hình răng, một ngành học mở của Trường ĐH Y Hà Nội. Theo Hưng, cơ hội việc làm của ngành này không thiếu.
Trước những thông tin như AI thay thế nghề biên dịch, học ngoại ngữ trở thành nhóm yếu thế khó tìm việc sau này, Trần Trang Anh (Hà Nội) rất hoang mang. Khi Trường ĐH Hà Nội tổ chức ngày hội tuyển sinh đầu học kì II, Trang Anh đã đến trường để nghe các thầy cô tư vấn. Sau buổi đó, em nhận thấy, ngoại ngữ vẫn là công cụ hữu ích trong công việc sau này nên quyết định đăng kí nguyện vọng vào ngành Ngôn ngữ tiếng Trung và dự kiến học song bằng về Quản trị kinh doanh tại trường.
PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho hay, hằng năm, nhà trường luôn tổ chức ngày hội tuyển sinh dành cho học sinh phổ thông, diễn ra đầu học kì II. Tham gia ngày hội, phụ huynh, học sinh được quan sát tận mắt cơ sở vật chất của nhà trường; được tư vấn chuyên sâu vì có đầy đủ đại diện các khoa đào tạo, gặp gỡ các câu lạc bộ sinh viên. Trong đó, giá trị nhất là tư vấn chuyên sâu vì có không gian riêng để gặp gỡ phụ huynh và thí sinh.
Nhà trường biết rõ được các nội dung mà phụ huynh và thí sinh quan tâm. Bản thân nhà trường có cơ hội được tư vấn kĩ cho thí sinh, giúp lựa chọn được đúng hơn với định hướng nghề nghiệp và năng lực của bản thân. Thông qua các câu hỏi của phụ huynh và thí sinh, nhà trường điều chỉnh các thông báo, thông tin chi tiết hơn để mọi người hiểu rõ thông tin tuyển sinh, tránh nhầm lẫn, tăng cơ hội trúng tuyển.
Theo TS. Lê Anh Đức, thí sinh không cần thiết phải quan tâm đến công thức quy đổi như thế nào, bởi quy định hiện nay thí sinh chỉ cần đăng kí ngành trong trường ĐH muốn học. Từ dữ liệu của thí sinh, Bộ GD&ĐT lọc ảo và lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển có lợi nhất cho các em.
Dễ mất cơ hội
Rất nhiều phụ huynh và thí sinh băn khoăn vì sao không xét tuyển sớm nhưng vẫn phải đăng kí thông tin lên cổng tuyển sinh của các trường từ bây giờ? Theo TS. Lê Anh Đức, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, thí sinh xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân bắt buộc phải đăng kí dữ liệu trên hệ thống tuyển sinh của trường từ ngày 1/6. Với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp, thí sinh vẫn phải đăng kí thông tin dù hạn đăng kí kết thúc trước khi các địa phương công bố điểm thi. Khi có kết quả thi, trường sẽ lấy dữ liệu từ Bộ GD&ĐT để quy đổi thang điểm. Do đó, nếu thí sinh không đăng kí nguyện vọng, sẽ không có cơ hội xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân. Đây là điểm khác biệt so với năm 2024 do quy chế tuyển sinh thay đổi. Thí sinh đăng kí để nhà trường có dữ liệu quy đổi thang điểm, không phải là xét tuyển sớm.
Ông Đức cũng cho hay, thời gian qua, ĐH Kinh tế Quốc dân khảo sát kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển trong 3 năm gần đây và nhận thấy, ở cùng một mức tương đương, những thí sinh xét tuyển theo phương thức kết hợp kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và chứng chỉ tiếng Anh có kết quả học tập cao hơn so với các sinh viên trúng tuyển theo phương thức xét tuyển khác. Theo ông Đức, thí sinh không cần thiết phải quan tâm đến công thức quy đổi như thế nào, bởi quy định hiện nay, thí sinh chỉ cần đăng kí ngành trong trường ĐH muốn học, từ dữ liệu chuyển về, Bộ GD&ĐT lọc ảo và lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển có lợi nhất cho các em.
Ông Đức lưu ý thí sinh 2 nội dung. Thứ nhất, khi trường ĐH yêu cầu thí sinh phải cập nhật dữ liệu lên hệ thống, thí sinh bắt buộc phải thực hiện, nếu không sẽ mất quyền lợi. Thứ hai, thí sinh cần đăng kí tất cả các dữ liệu xét tuyển mình có lên hệ thống để có nhiều cơ hội trúng tuyển.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), khung quy đổi do Bộ đưa ra là để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi một cách thuận tiện, phù hợp với đặc điểm của ngành đào tạo, đồng thời bảo đảm cách tiếp cận thống nhất trong hệ thống, chứ không phải để hướng dẫn thí sinh tự quy đổi điểm của mình. Quy chế tuyển sinh năm nay yêu cầu các cơ sở đào tạo phải xây dựng quy tắc quy đổi tương đương để xác định điểm trúng tuyển hợp lí theo từng phương thức, tổ hợp xét tuyển, thay vì để điểm trúng tuyển phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ tiêu phân bổ cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển như các năm trước.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở tổ chức kì thi riêng phải tham gia để cụ thể hóa các khung quy đổi này, phù hợp với đặc điểm của từng bài thi và kết quả thi năm 2025. Do đặc điểm, tính chất của các bài thi khác nhau, việc đưa ra khung quy đổi chung cần phải xem xét rất nhiều yếu tố cả về khoa học và thực tiễn, khả năng áp dụng.