Trước khi sáp nhập, quy mô kinh tế Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định có gì đặc biệt?

Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định sẽ về sáp nhập, dự kiến lấy tên là tỉnh Ninh Bình. Vậy, quy mô kinh tế 3 địa phương này ra sao trước khi về dưới một mái nhà?

Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố. Trong đó, dự kiến tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định về “chung một nhà”, lấy tên là tỉnh Ninh Bình. Trung tâm chính trị - hành chính sẽ đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay.

Cả 3 địa phương này đều thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, với thế mạnh về phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.

Theo số liệu sơ bộ của Cục Thống kê, quy mô GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành năm 2023 của ba địa phương này tương đối đồng đều. Nam Định đạt gần 98.738 tỷ đồng - mức cao nhất trong 3 địa phương. Quy mô GRDP của Ninh Bình đạt khoảng 87.464 tỷ đồng và Hà Nam là gần 85.439 tỷ đồng.

Trong cơ cấu GRDP của tỉnh Hà Nam và Nam Định, lĩnh vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng cao nhất, lần lượt là 64%, 42,61%; còn tại Ninh Bình, lĩnh vực dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, lên đến 40,5% trong cơ cấu GRDP của tỉnh.

Về thu ngân sách nội địa, thống kê sơ bộ năm 2023 cho thấy, Ninh Bình đạt hơn 13.990 tỷ đồng, là tỉnh có mức thu ngân sách cao nhất trong nhóm này. Tiếp đến là Hà Nam, đạt hơn 12.904 tỷ đồng và Nam Định đạt gần 9.715 tỷ đồng.

Tuy nhiên, so với tổng thu ngân sách nội địa cả nước năm 2023, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thì Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định cộng lại chỉ chiếm gần 2,49% (36.609 tỷ đồng).

Về GRDP bình quân đầu người, số liệu sơ bộ năm 2023 cho thấy, cả 3 địa phương này đều thấp hơn so với mức bình quân của cả nước (102,9 triệu đồng/người/năm).

Cụ thể, GRDP bình quân đầu người của Hà Nam đạt 97,6 triệu đồng/người/năm, Ninh Bình là 86,6 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, GRDP bình quân đầu người của Nam Định chỉ đạt 52,3 triệu đồng/người/năm, thấp hơn 78,7 triệu đồng so với mức bình quân của Đồng bằng sông Hồng (131 triệu đồng/người/năm). Nam Định cũng là tỉnh xếp cuối bảng ở khu vực này.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), số liệu sơ bộ năm 2023 cho thấy, Hà Nam có 35 dự án FDI được cấp phép, vốn đầu tư đăng ký là 549 triệu USD.

Tiếp đến, Nam Định có 23 dự án, vốn đăng ký là 336,3 triệu USD.

Trong khi đó, tỉnh Ninh Bình có con số khiêm tốn 7 dự án, với vốn đăng ký 111,3 triệu USD.

Theo thống kê sơ bộ từ Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng hóanăm 2023 của Hà Nam đạt 7,542 tỷ USD, Ninh Bình và Nam Định đạt lần lượt 2,585 tỷ USD và 2,522 tỷ USD.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của 3 địa phương này chỉ chiếm khoảng 3,56%.

(Bài viết sử dụng dữ liệu từ Tư liệu kinh tế - xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 2019-2023; số liệu trong Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê; Báo cáo thống kê sơ bộ xuất nhập khẩu của Cục Hải quan).

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quy-mo-kinh-te-cua-3-tinh-ha-nam-ninh-binh-nam-dinh-truoc-khi-sap-nhap-2391145.html
Zalo