Trung tướng Vương Thừa Vũ: Vị tướng tài ba, người con ưu tú của Thủ đô - Bài 1: Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

'Trung tướng Vương Thừa Vũ là một nhà lãnh đạo chỉ huy ưu tú… là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết thống nhất…, rất mực dân chủ và yêu thương chiến sĩ…'.

Nói về tài năng và đức độ của đồng chí Vương Thừa Vũ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Đối với quân đội ta, Trung tướng Vương Thừa Vũ là một nhà lãnh đạo chỉ huy ưu tú… là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết thống nhất…, rất mực dân chủ và yêu thương chiến sĩ…, trải qua các nhiệm vụ được giao, từ chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội năm 1946, Đại đoàn trưởng 308, cho đến cương vị chỉ huy lãnh đạo các quân khu, Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam, anh Vương Thừa Vũ luôn đem hết tinh thần và nghị lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”[1].

Bài 1: Người chiến sĩ cách mạng kiên trung

Trung tướng Vương Thừa Vũ (1910 - 1980), tên thật là Nguyễn Văn Đồi, quê làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Thành phố Hà Nội[2]. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm thợ nề cho một công ty của Pháp tại Hà Nội. Năm 1915, bố mẹ ông phải rời quê hương theo công ty sang Côn Minh (Trung Quốc) làm việc, để lại đứa con nhỏ cho ông ngoại chăm sóc. Mấy năm sau, khi cuộc sống dần đi vào ổn định, Nguyễn Văn Đồi được bố mẹ đưa sang Côn Minh sinh sống. Lớn lên, ông được người quen giới thiệu vào học việc tại Nhà máy xe lửa Vân Nam. Nhờ chăm chỉ và sáng dạ, sau 3 năm, ông được nhận vào làm thợ phụ. Với tình yêu quê hương, đất nước, ông vừa tích cực lao động, học tập, vừa say mê luyện tập võ nghệ với mong muốn có ngày trở về để cùng đồng bào đánh đuổi thực dân xâm lược.

 Trung tướng Vương Thừa Vũ.

Trung tướng Vương Thừa Vũ.

Một chiến sĩ cộng sản không khuất phục trước kẻ thù

Chứng kiến những thất bại của các phong trào yêu nước ở trong nước, người thanh niên Nguyễn Văn Đồi nhận thức sâu sắc rằng muốn đánh đuổi quân xâm lược không chỉ dùng võ nghệ, mà cần phải có cả những kiến thức về quân sự. Do đó ông ngày đêm miệt mài đèn sách, dự thi và trúng tuyển vào trường Quân sự Hoàng Phố. Sau gần 4 năm học tập, ra trường, ông tìm cách liên lạc với các tổ chức cách mạng và các nhà yêu nước Việt Nam để tìm đường về nước hoạt động.

Năm 1941, khi đang trên đường trở về nước, Nguyễn Văn Đồi bị thực dân Pháp bắt, giam tại căng Bá Vân (Thái Nguyên), sau đó đưa về Hỏa Lò (Hà Nội). Một thời gian sau, chúng lại đưa ông lên giam tại căng Nghĩa Lộ (Yên Bái). Với tinh thần của một chiến sĩ cộng sản, không khuất phục trước kẻ thù, trong tù, Nguyễn Văn Đồi cùng những đồng chí của mình vẫn tích cực hoạt động, vừa tiến hành công tác binh vận để xây dựng lực lượng, vừa bí mật tổ chức huấn luyện quân sự, chuẩn bị cho một cuộc khởi nghĩa khi có thời cơ.

Ông thường dùng võ nghệ để bảo vệ anh em tù nhân. Có lần, trên đường bị dẫn giải từ nhà tù Hỏa Lò lên nhà tù Nghĩa Lộ, một tên lính lấy báng súng thúc vào lưng anh em tù. Thấy vậy, mặc dù tay đang bị trói và bị lồng dây vào nhau, nhưng Nguyễn Văn Đồi đã gồng hai bàn tay chặt gãy báng súng của tên lính. Thấy vậy, những tên lính đó vô cùng khiếp sợ.

Ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp độc chiếm Đông Dương. Nhân thời cơ này, Nguyễn Văn Đồi cùng một số đồng chí lên kế hoạch tổ chức vượt ngục. Kế hoạch bị lộ, nhưng với sự nhanh nhẹn và mưu trí, ông vẫn thoát khỏi nhà tù. Ông cùng một số tù nhân chính trị tản vào rừng, nhưng do trời tối nên lạc đường và bị một tốp người dân tộc thiểu số bắt đưa về bản để nộp cho quân Pháp. Vốn nhanh trí, lại biết nói tiếng dân tộc, ông tự xưng mình mang họ Vương[3] (vì ông thấy họ gọi nhau như vậy). Thấy vậy, những người dân trong bản nhanh chóng cởi trói và tiếp đón ông như những người bạn. Họ còn cho người dẫn ông đi xuyên rừng để tránh bọn lĩnh dõng.

Luôn được cấp trên tin tưởng

Là một chiến sĩ cách mạng kiên trung, lại được đào tạo bài bản về quân sự, Nguyễn Văn Đồi luôn được cấp trên tin tưởng. Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được đồng chí Văn Tiến Dũng (lúc đó là Chính ủy Chiến khu 2)[4] giao nhiệm vụ mở lớp bồi dưỡng cán bộ cấp trung đội và đại đội tại Ba Thá - một điểm giáp ranh giữa ba huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa (nay thuộc Hà Nội). Đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn vì vấn đề lớn đặt ra là làm thế nào để bảo đảm chỗ ăn, ở, tài liệu học tập cho học viên.

Thực hiện lời căn dặn của Chính ủy Văn Tiến Dũng: “Phải dựa chắc vào địa phương”, đồng chí đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền địa phương, gặp gỡ các đồng chí trong ban lãnh đạo tỉnh Hà Đông để trình bày ý định của trên về việc mở lớp huấn luyện quân sự, mong nhận được sự giúp đỡ của nhân dân và chính quyền địa phương. Nhờ sự vận động đó, lớp học được ủy ban các địa phương Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa cùng các đoàn thể quần chúng nhiệt tình ủng hộ gạo, tiền và xây dựng lớp học. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông được điều sang Sơn Tây làm huấn luyện viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn.

Ngày 15-10-1946, ông được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ làm Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội)[5]. Trong buổi giao nhiệm vụ, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Ngay từ bây giờ phải nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng ở tư thế chiến đấu để nếu địch trở mặt gây hấn thì ta lập tức đánh trả lại ngay; phải kìm chân địch ở Hà Nội trong một thời gian để cả nước chuyển sang chiến tranh; phải huy động sức mạnh tiềm tàng của nhân dân thành phố vào cuộc chiến đấu, đồng thời phải biết bảo toàn, bồi dưỡng lực lượng ta để đánh lâu dài”[6].

Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp căn dặn: “Nghiên cứu âm mưu địch; nắm chắc lực lượng ta, đặc biệt chú ý lực lượng tự vệ thành; làm kế hoạch tác chiến, chỉ huy phải kiên quyết, linh hoạt… Công việc lớn đấy, nhiều khó khăn, phải tích cực khắc phục, nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt. Kiên quyết đánh thắng ngay từ đầu”[7].

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ dẫn đầu Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu

Thiếu nữ Hà Nội chào đón Thiếu tướng Vương Thừa Vũ dẫn đầu Đại đoàn Quân Tiên Phong về tiếp quản Thủ đô bên hồ Hoàn Kiếm. Ảnh tư liệu

Chỉ huy quân và dân Hà Nội chiến đấu thắng lợi

Với lực lượng sẵn có, quân Pháp huênh hoang tuyên bố đánh chiếm Hà Nội trong vòng 24 tiếng, sẽ bắt sống toàn bộ lãnh đạo và nhân viên Chính phủ. Chúng còn gửi tối hậu thư bắt ta hạ vũ khí đầu hàng. Để Chính phủ có thời gian rút lên chiến khu an toàn, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, cấp trên giao nhiệm vụ cho Khu 11 phải chiến đấu giam chân địch ít nhất trong hai tuần. Xác định rõ trách nhiệm nặng nề, ông bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng phương án tác chiến, đề nghị cấp trên phê chuẩn. Bằng chiến thuật “Trong đánh ngoài vây” (Trùng độc chiến), cả Hà Nội đã đứng lên với các vùng lân cận và cả nước chi viện cho Hà Nội.

Thực hiện ý đồ chiến thuật “Trong đánh ngoài vây”, Tiểu đoàn 101 tiến vào Liên khu 1, thực hiện đánh từ trong ra, buộc địch phải tập trung lực lượng đối phó. Các đơn vị khác ở Liên khu 2 và 3 thực hiện đánh từ ngoài vào, buộc địch phải phân tán, không thể tập trung lực lượng đánh ra vùng tự do. Ngoài ra, Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ còn chỉ đạo các đơn vị thực hiện tiến công địch bằng chiến thuật “cài then”, “xoáy trôn ốc”, chặn đầu đánh vòng phía sườn và sau lưng địch, gây cho chúng nhiều tổn thất. Phối hợp với lực lượng vũ trang, nhân dân Hà Nội đã tổ chức đào chiến hào, đục xuyên tường nối liền giữa các nhà để cơ động. Đồng thời, tiến hành đắp chiến lũy, đào các đường ngầm dưới lòng đất từ Hàng Bông ra Cửa Nam, từ Bắc Bộ Phủ sang khách sạn Metropol, từ trại Vệ quốc đoàn sang rạp chiếu bong Majetstic (nay là Rạp Tháng Tám), thực hiện chiến thuật từ trên đánh xuống, từ cống ngầm đánh lên. Nhiều tổ du kích, tự vệ liên tục tổ chức bắn tỉa quấy rối địch.

Dưới sự chỉ huy của Vương Thừa Vũ, quân và dân Hà Nội đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy đông với khoảng 6.500 binh sĩ Pháp trong thành phố suốt hai tháng, thực hiện xuất sắc chủ trương diệt địch đi đôi với bảo toàn lực lượng, tạo điều kiện cho Trung ương và Chính phủ rút lên chiến khu an toàn.

Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và rút khỏi Hà Nội, đồng chí Vương Thừa Vũ được cấp trên giao đảm nhiệm Khu phó Khu 4, trực tiếp phụ trách Phân khu trưởng Phân khu Bình - Trị - Thiên. Đầu năm 1948, Hội nghị cán bộ Trung ương lần thứ 6 họp. Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của việc xây dựng bộ đội chủ lực, coi đó là “Trung tâm công tác trong lúc này”. Đáp ứng yêu cầu đó, ngày 28-8-1949, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Quốc gia Việt Nam quyết định thành lập Đại đoàn chủ lực đầu tiên mang phiên hiệu Đại đoàn 308. Đồng chí Vương Thừa Vũ được giao đảm nhiệm Đại đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đại đoàn.

(còn nữa)

LÊ MẠNH TIẾN (Viện Lịch sử quân sự)

[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trung tướng Vương Thừa Vũ một người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội một vị tướng ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam”. Bài viết in trong sách: Trưởng thành trong chiến đấu, Nxb.Hà Nội, H.2006, tr.374, 377-378.

[2] Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự: Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội.2004, tr.1195.

[3] Sau này trở thành Khu trưởng khu 11, đồng chí Nguyễn Khang - Bí thư thành ủy Hà Nội đề nghị ông nên đổi tên khác để hoạt động công khai. Nhớ lại chuyện bị đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Bắc năm nào, ông quyết định đổi sang họ Vương và lấy tên là Thừa Vũ.

[4] Gồm 8 tỉnh: Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

[5] Trung tướng Vương Thừa Vũ: Trưởng thành trong chiến đấu, Nxb Hà Nội, 2006, trang 78.

[6] Trung tướng Vương Thừa Vũ: Trưởng thành trong chiến đấu, Nxb.Hà Nội, H.2006, tr.79

[7] Trung tướng Vương Thừa Vũ: Trưởng thành trong chiến đấu, Nxb.Hà Nội, H.2006, tr.80.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/trung-tuong-vuong-thua-vu-vi-tuong-tai-ba-nguoi-con-uu-tu-cua-thu-do-bai-1-nguoi-chien-si-cach-mang-kien-trung-795004
Zalo