Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình, gốm Gia Thủy có tiền thân là gốm Long Thịnh. Năm 1959, một số thợ gốm từ Thanh Hóa di cư đến đây, mở lò gốm sản xuất các vật dụng sinh hoạt như nồi, niêu, chum, vại. Từ đó, làng gốm Gia Thủy ra đời. Ảnh: Bảo Ân
Gia Thủy có nguồn đất sét quý màu nâu vàng, độ kết dính cao, mịn và chịu nhiệt tốt. Ảnh: Bảo Ân
Quy trình tạo ra sản phẩm gốm hoàn chỉnh đòi hỏi nhiều công đoạn, và mỗi công đoạn đều quan trọng. Ngay cả những khâu tưởng chừng đơn giản như làm đất, nung lò cũng yêu cầu sự tỉ mỉ, kỹ năng và khả năng quan sát của người thợ. Ảnh: Bảo Ân
Đất sau khi lấy về sẽ được phơi khô, đập nhỏ rồi ngâm trong bể. Tiếp theo, đất được quấy đều, lọc qua sàng, gạn bớt nước và phơi khô đến khi đạt độ dẻo để chế tác. Việc phơi đất đòi hỏi sự cẩn thận, vì đất quá khô hay quá ướt đều khó tạo hình. Sau đó, đất sẽ được làm nhuyễn thêm để tăng độ keo và mịn. Ảnh: Bảo Ân
Qua bàn tay lành nghề, đất sét được nặn theo mẫu tùy từng loại sản phẩm. Thợ thường nặn đất thành thớ dài, tròn để dễ ghép khi đưa lên bàn xoay làm chum, vại. Ảnh: Bảo Ân
Công đoạn tiếp củi vào lò nung quyết định chất lượng sản phẩm. Nếu thợ không điều chỉnh lửa và nhiệt độ phù hợp, sản phẩm dễ bị cong, vênh hoặc nứt. Ảnh: Bảo Ân
Các nghệ nhân Gia Thủy tạo ra sản phẩm gốm không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của địa phương. Ảnh: Bảo Ân
Trải qua nhiều thăng trầm, làng gốm Gia Thủy vẫn phát triển, sản phẩm được tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Năm 2007, làng gốm Gia Thủy được công nhận là làng nghề truyền thống. Ảnh: Bảo Ân
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Bình, TTXTDL tỉnh Ninh Bình
Đăng Huy Bảo Ân