Trứng, thuế quan và… những cơ hội

Các cuộc đàm phán song phương Việt - Mỹ về mức thuế đối ứng 46% đang tiến hành như con thoi tại Washington. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng trứng ở Mỹ vẫn không hạ nhiệt và nước Mỹ đang ráo riết tìm kiếm các đối tác để thương lượng. Nhưng Việt Nam không nằm trong danh sách đối tác thảo luận này…

1. “Suốt thời gian tôi thăm Mỹ, trên bàn ăn hay ở mọi nơi, ai cũng đề cập đến tình trạng thiếu hụt trứng và câu chuyện thuế quan”, ông Cấn Văn Lực, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, chia sẻ tại hội thảo về thuế đối ứng của Mỹ do Kinh tế Sài Gòn tổ chức hôm 27-3 tại TPHCM.

Hơn 166 triệu gia cầm và chim hoang dã đã bị giới chức Mỹ tiêu hủy kể từ khi chủng cúm gia cầm H5N1 được phát hiện vào năm 2022. Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cuối tháng 3-2025 vừa qua nói hơn 30 triệu gà mái đã bị tiêu hủy từ đầu năm đến nay, gây tổn thất hơn 12% số gà nuôi nhốt và 8% số gà thả rong ở các trang trại khắp nước Mỹ.

Trang Deutsche Welle nói giá trứng tại các siêu thị tính đến cuối tháng 3-2025 đã tăng 159% trong năm qua, còn USDA dự báo giá có thể sẽ tăng thêm 41% trong năm nay. Tại các thành phố lớn, giá bán lẻ trứng có lúc vượt quá 10 đô la Mỹ mỗi vỉ 12 trứng loại A. Trứng khan hiếm đến nỗi “siêu thị phải hạn chế mỗi người chỉ được mua ba quả” như lời kể của ông Cấn Văn Lực.

Trứng đã trở thành một mặt hàng nhạy cảm của nước Mỹ ngay trong giai đoạn trước bầu cử từ tháng 10-2024. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cam kết với cử tri Mỹ về việc chặn đà leo thang của chi phí sinh hoạt, trong đó có giá trứng, tại nước này.

Khôi phục đàn gia cầm trong nước với kế hoạch tài trợ 1,87 tỉ đô la Mỹ, giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công trên khắp các trang trại (do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ ở biên giới với Mexico) là chuyện cần kíp và lâu dài. Nội các của ông Trump cũng thảo luận khẩn cấp để nhập trứng từ Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil và các nước Liên minh châu Âu (EU). Các hiệp hội gia cầm và ngành trứng Đức đã thẳng thừng từ chối đơn đặt hàng của Mỹ, với lý do ưu tiên cho nhu cầu trong nước.

2. Năm 2024, sản lượng trứng các loại của Việt Nam ước đạt 20,2 tỉ quả (18,5% sản lượng 109 tỉ trứng của Mỹ), tăng 5% so với năm 2023. Ngành trứng gia cầm Việt Nam xuất khoảng 1% sản lượng này, với thị trường chính là Hồng Kông (chiếm 70%), cùng Singapore, Brunei, Trung Đông, châu Phi và mới nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Nước Mỹ đang thiếu trứng, mà trứng gia cầm ở Việt Nam đang dồi dào và giá rẻ, chỉ khoảng 15.000-20.000 đồng/chục.

“Hãy quên đi chuyện xuất khẩu trứng gà tươi, vì liên quan đến nhiều giấy tờ chứng nhận quốc tế, chúng ta chỉ xuất được trứng gà đã chế biến”, Tổng giám đốc Trương Chí Thiện của Công ty Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) trao đổi với Kinh tế Sài Gòn. Quãng đường biển từ Việt Nam đến bờ Tây hoặc bờ Đông nước Mỹ mất đến 20-45 ngày. Trong khi đó, trứng xuất tươi thường chỉ bảo quản được trong bảy ngày.

Ông cũng cho biết V.Food đã đầu tư máy móc và công nghệ làm sản phẩm chế biến từ trứng, kéo dài thời gian bảo quản lên 4-6 tháng. Trứng lỏng bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C có thể kéo dài cả năm.

3. Cuộc khủng hoảng trứng của Mỹ giữa lúc dầu sôi lửa bỏng của thuế đối ứng thật ra lại có mối tương quan chặt chẽ, bởi trong nguy có cơ. Cơ hội thị trường và cơ hội thương lượng.

Tháng 1-2025, Mỹ nhập khẩu lượng trứng trị giá gần 12 triệu đô la Mỹ, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước, hầu hết là từ nước láng giềng Canada. Thuế đối ứng khiến hai nước không còn mối giao hảo như trước, nguồn trứng tươi càng thiếu trầm trọng… Nước Mỹ tính đến phương án vận chuyển bằng máy bay trứng tươi nhập từ nước ngoài, và cả các loại trứng lỏng.

Vẫn có khả năng trứng gia cầm từ các trang trại Việt Nam đến nhà bếp và bàn ăn của các gia đình người Mỹ, bằng cách này hay cách khác. Nhưng thiếu nguồn trứng an toàn, đạt chuẩn và phương tiện vận chuyển đã khiến con đường sang Mỹ lúc này và trong tương lai có thể nằm ngoài tầm với của rất nhiều doanh nghiệp trứng gia cầm Việt Nam.

Mà những cơ hội kinh doanh lớn toàn cầu như vậy bị bỏ lỡ cũng khá nhiều.

Đó là khi nhu cầu về thiết bị bảo hộ y tế ngăn ngừa Covid-19 tăng cao trong hai năm 2020-2021. Một số công ty đã nhanh chóng chuyển đổi sản xuất để đáp ứng nhu cầu khẩn cấp, phần lớn lại chậm chân.

Rồi cuộc khủng hoảng thiếu hụt chip toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021. Việt Nam có một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, nhưng hầu hết đều chỉ gia công, lắp ráp. Lý do cốt lõi là năng lực sản xuất chip của Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và nhu cầu quốc tế.

Tiếp đến là cuộc xung đột Nga - Ukraine từ năm 2022 đến nay khiến gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, đặc biệt là lúa mì và bắp. Việt Nam nằm trong top 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất trên thế giới, nhưng lại chưa tận dụng hết cơ hội xuất sang các thị trường đang thiếu hụt lương thực. Vấn đề đa dạng hóa canh tác vật nuôi và cây trồng một lần nữa được đặt ra. Và năng lực sản xuất sản phẩm chất lượng, đa dạng và đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cùng thủ tục nhanh gọn giữa lúc thị trường cần vẫn là câu chuyện khó dai dẳng với doanh nghiệp Việt?

Song Hảo

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/trung-thue-quan-va-nhung-co-hoi/
Zalo