Trung tâm trao quyền kinh tế cho phụ nữ đầu tiên của ASEAN sẽ được thành lập tại Malaysia
Việc thành lập Trung tâm trao quyền kinh tế cho phụ nữ đầu tiên của ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia nhằm đảm bảo tiềm năng và cơ hội của khối có thể tiếp cận tới tất cả mọi người.

Logo ASEAN Malaysia 2025 trước Tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur. (Nguồn: Bermana)
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao kinh tế dành cho phụ nữ ASEAN 2025 (AWES), trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 và các hội nghị liên quan đang được tổ chức tại Kuala Lumpur, Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) Datuk Seri Tengku Zafrul Aziz cho biết Malaysia sẽ thành lập Trung tâm trao quyền kinh tế cho phụ nữ đầu tiên của ASEAN tại Kuala Lumpur.
Trung tâm này sẽ giúp tiềm năng và cơ hội của khối có thể tiếp cận được với tất cả mọi người, bao gồm các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), thanh niên và phụ nữ. Điều này cũng phù hợp với chủ đề của năm ASEAN 2025 là “Bao trùm và Bền vững”.
Theo thống kê chính thức, ASEAN hiện có khoảng 334 triệu phụ nữ và việc sử dụng tài năng của cộng đồng này sẽ giúp khai phá khoảng 2.300 tỷ USD.
Ngoài AWES, ASEAN hỗ trợ phụ nữ và doanh nhân trẻ trên khắp khu vực thông qua các nền tảng như Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), Hội đồng doanh nhân trẻ ASEAN (AYEC), Chương trình phát triển doanh nghiệp xã hội (ASEAN SEDP) và Tổ chức thanh niên ASEAN (AYO).
Đơn cử như Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp (MITI) của Malaysia. Bộ này đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, bao gồm triển khai Chương trình Phát triển Doanh nghiệp xuất khẩu dành cho phụ nữ, giúp 500 doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo tiếp cận thị trường quốc tế, đưa ra các điều khoản có tính đến giới trong tất cả hiệp định thương mại mới và thành lập một quỹ trị giá 200 triệu Ringgit (47,2 triệu USD) dành riêng cho các nữ doanh nhân trong các lĩnh vực tăng trưởng cao.
Ngoài ra, có một biện pháp khác là triển khai Sáng kiến Phụ nữ trong Công nghiệp và Thương mại (WITI), hợp tác với Hiệp hội Phụ nữ và Gia đình Malaysia (HAWA Malaysia), nhằm thúc đẩy các kỹ năng và năng lực của phụ nữ trong các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu.
Chia sẻ về những thách thức từng quốc gia trong khối phải đối mặt, Bộ trưởng MITI cho biết mỗi quốc gia phải nỗ lực để đảm bảo các giải pháp cho toàn khu vực, mặc dù điều này sẽ mất thời gian và AWES có thể đóng vai trò mạnh mẽ hơn.
“Tất nhiên, những thách thức mà từng quốc gia trong khối phải đối mặt khác biệt, nhưng chúng ta phải nỗ lực để đảm bảo các giải pháp cho toàn khu vực, mặc dù điều này sẽ mất thời gian”, ông Tengku Zafrul cho biết.
Theo ông, chỉ một Hội nghị cấp cao sẽ không giải quyết được tất cả những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt. Tuy nhiên, AWES đóng góp cho một mục đích xứng đáng đã được ủng hộ trong nhiều thập kỷ qua, đồng thời lưu ý khả năng nâng cao kỹ năng số cho 1 triệu phụ nữ trên khắp khu vực vào năm 2027.