Trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao - Bài cuối: Thúc đẩy nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ

Nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục đại học có vai trò quan trọng cả trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy cũng như tạo ra các tri thức mới đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước. Từ các chính sách đầu tư cả về con người và cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, hoạt động nghiên cứu ở các trường đại học những năm gần đây phát triển mạnh.

Giảng viên Khoa công nghệ điện tử Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn sinh viên học tập, nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm IoT and AI. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Giảng viên Khoa công nghệ điện tử Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh hướng dẫn sinh viên học tập, nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm IoT and AI. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Thúc đẩy nghiên cứu

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác nghiên cứu, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những chính sách đột phá trong xây dựng đội ngũ cũng như đầu tư cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, tập trung phát triển các nghiên cứu đầu ngành. Cùng với những chính sách hiện có, các nhà khoa học kỳ vọng Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về "đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" sẽ tạo không khí mới trong hoạt động nghiên cứu với những thành công lớn.

Triển khai từ tháng 2/2024, đến nay, Chương trình thu hút, giữ chân và phát triển các nhà khoa học trẻ xuất sắc, các nhà khoa học đầu ngành của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU350) đã thu hút được 23 nhà khoa học về làm việc tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu trong hệ thống. Đặc biệt, trong đó có 7 tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường thuộc top 100 đại học hàng đầu thế giới.

Từ kết quả đó, tháng 2/2025, nhà trưởng tiếp tục công bố Chương trình Giáo sư thỉnh giảng với mục tiêu đến năm 2030 mời và bổ nhiệm được 100 giáo sư thỉnh giảng (là các chuyên gia, nhà khoa học xuất sắc trên thế giới). Chương trình kỳ vọng các giáo sư thỉnh giảng sẽ có những đóng góp quan trọng trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo và thúc đẩy hợp tác trong nước và quốc tế, phục vụ cộng đồng. Trong đó, các lĩnh vực ưu tiên của chương trình là công nghệ sinh học, y sinh học, chip - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, logistics mới...

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, con người là yếu tố quan trọng quyết định cho sự phát triển của một đơn vị. Nếu một đại học không có các nhà khoa học xuất sắc thì không đúng tính chất của một đại học. Vì thế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các chính sách thu hút nhân tài về làm việc, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu tại đơn vị.

Đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, hệ thống phòng thí nghiệm ở các trường được đại học được chú trọng đầu tư với trang thiết bị hiện đại. Từ khi thành lập năm 2013 cho đến nay, Phòng thí nghiệm Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được đầu tư tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. Phòng thí nghiệm đang thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu, kỹ thuật nguồn của thế giới về tái biệt hóa tế bào, bảo tồn nguồn gen động vật quý hiếm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, phòng thí nghiệm hiện đang có 4 tiến sĩ, 12 học viên cao học và thường xuyên có từ 40 - 60 sinh viên đại học thực hiện đề tài luận văn tốt nghiệp. Các mảng nghiên cứu tập trung như: hỗ trợ sinh sản, tế bào gốc, gen động vật, phát triển công nghệ mới như chẩn đoán di truyền sớm... “Xây dựng phòng thí nghiệm thì chỉ cần có kinh phí, nhưng việc duy trì, phát triển và để phòng thí nghiệm luôn hoạt động là điều không dễ, bởi cần có cả nhân lực, đề tài, kinh phí… Chúng tôi rất mừng trước những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết 57. Những đột phá này sẽ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường phát triển mạnh mẽ” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận bày tỏ.

Trước khi chính thức trở thành một mã ngành đào tạo mới (năm 2024), việc đào tạo về vi mạch đã được Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh triển khai từ hơn 20 năm trước thông qua việc tích hợp trong một số ngành đào tạo của Khoa Điện - Điện tử. Phòng Thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần thuộc trường đã được đầu tư xây dựng từ năm 2013 để thực hiện thiết kế các vi mạch tần số cao. Thông qua các đề tài nghiên cứu và hợp tác, Phòng Thí nghiệm này đã thiết kế hàng chục con chip chuyển giao cho đối tác lớn trong, ngoài nước.

Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, Phó trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, Phòng Thí nghiệm hiện có khoảng 15 nhân sự tham gia nghiên cứu. Trước đây, nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Viettel để thiết kế chip 5G và kế hoạch sắp tới sẽ nghiên cứu các vi mạch cho hệ thống thông tin thế hệ mới như 6G, hệ thống thông tin quang với tốc độ cao.

Theo Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường, vi mạch bán dẫn là lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi nhân lực chất lượng cao và chi phí lớn trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh lực lượng nghiên cứu từ các trường là những học viên cao học, nghiên cứu sinh, thực hiện các dự án nghiên cứu còn cần những kỹ sư có kinh nghiệm, chuyên gia trong và ngoài nước. Ngoài ra, công cụ phần mềm để thiết kế có giá thành cao; dự án thường dài hạn; sau giai đoạn thiết kế còn phải chế tạo thử nghiệm…

“Thiết kế vi mạch, đặc biệt là thiết kế những chip tiên tiến dùng trong hệ thống thông tin thế hệ mới, hệ thống thông tin quang, hệ thống thông tin vệ tinh… mang tính rủi ro cao, có thể không thành công. Đây là vấn đề các nhà khoa học rất “đau đầu” và ngại thực hiện những dự án lớn. Chúng tôi rất phấn khởi khi Nghị quyết 57 đã gỡ nhiều nút thắt, từ trao quyền tự chủ cho nhóm nghiên cứu trong sử dụng nguồn kinh phí phù hợp đến chấp nhận tính rủi ro của các dự án nghiên cứu lớn… Đây là yếu tố giúp các nhà khoa học mạnh dạn hơn, đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy khoa học công nghệ đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. Thực tế, chấp nhận rủi ro thì mới có thể có được thành công lớn” - Tiến sĩ Huỳnh Phú Minh Cường nhận định.

Từ nhiều năm nay, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực công nghệ cao. Trường đã triển khai nhiều phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu với những công nghệ hiện đại về robotics, IoT, điều khiển hệ thống điện thông minh… Trường cũng đầu tư phòng thí nghiệm thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn để đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường chia sẻ, kỹ thuật thiết kế vi mạch bán dẫn là một trong những chuyên ngành đào tạo mới của trường những năm gần đây. Dù chú trọng dành nguồn lực đầu tư phòng thí nghiệm cho ngành này, nhưng chí phí đầu tư máy móc, thiết bị khá lớn, ngân sách nhà trường khó đáp ứng được.

Lan tỏa tinh thần khởi nghiệp

Tại Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng diễn ra sôi nổi, góp phần hình thành cộng đồng khởi nghiệp trong nhà trường. Các môn học về khởi nghiệp được giảng dạy tại một số khoa, bộ môn mang lại kết quả tích cực, lồng ghép được kiến thức và nâng cao tư duy đổi mới sáng tạo cho sinh viên. Các chương trình tập huấn nâng cao kỹ năng cũng được chú trọng. Năm 2024, hơn 20 chương trình về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và giáo dục phát triển bền vững được tổ chức trong trường. Thông qua các hoạt động này đã kết nối được mạng lưới các chuyên gia và thu hút được sự quan tâm của học sinh, sinh viên, cựu sinh viên và các đối tác. Các dự án tham gia chương trình về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các cấp cũng ghi nhận nhiều thành tích.

Cùng với chuyên môn, trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn chú trọng phát triển năng lực cá nhân sinh viên thông qua các nội dung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp. Trong đó, các hoạt động đào tạo về tư duy, quy trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được tổ chức kết hợp với các hoạt động hỗ trợ ngoại khóa, cuộc thi về khởi nghiệp… Qua đó, góp phần giúp sinh viên và giảng viên nhà trường giành giải cao tại các chương trình, cuộc thi trong nước và quốc tế về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Trong giai đoạn 2021 - 2023, trường đã hỗ trợ 182 dự án khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, công tác hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đáp ứng được mục tiêu chính là thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên; cùng với đó là tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Hiện có khoảng 58% cơ sở giáo dục đại học trong cả nước đã đưa nội dung khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn. Các trường đều tổ chức hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên; 60% trường đã thành lập được các câu lạc bộ khởi nghiệp. Một số cơ sở đã thành lập được các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; trong đó đa phần là để hỗ trợ các hoạt động ươm tạo, sản xuất thử nghiệm.

Giai đoạn 2020 - 2024, cả nước có hơn 33.800 dự án khởi nghiệp của sinh viên; số doanh nghiệp khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục đại học ươm tạo là gần 300. Tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp có thời điểm cao nhất đạt mức 8%.

Dù vậy, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên vẫn còn những hạn chế, như: thiếu chính sách đột phá về đầu tư, nguồn vốn, sử dụng tài sản công trong hoạt động khởi nghiệp. Đội ngũ tư vấn, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và sinh viên còn thiếu kinh nghiệm thực tế; các ý tưởng khởi nghiệp còn hạn chế về tính mới, sáng tạo…

Theo các chuyên gia, cùng với chương trình giáo dục về khởi nghiệp trong nhà trường, việc các trường và doanh nghiệp “bắt tay” hỗ trợ sinh viên phát triển ý tưởng thành dự khởi nghiệp rất quan trọng. Sự hợp tác giữa các trường, trung tâm khởi nghiệp, vườn ươm và doanh nghiệp không chỉ tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp bền vững.

Thu Hoài (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/trung-tam-dao-tao-nhan-luc-chat-luong-cao-bai-cuoi-thuc-day-nghien-cuu-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-20250501084717162.htm
Zalo