Trung tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam: Bảo tồn, phát huy truyền thống dân tộc thông qua nghệ thuật trống
Vừa giành giải Nhất trong Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023, Trung tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam (Đội trưởng Đội Nhạc, Đoàn Văn công BĐBP) đã cùng Đoàn tham gia biểu diễn tại các vùng biên giới tỉnh Quảng Bình. Trong anh vẫn đầy niềm xúc động, tự hào khi nói về cuộc thi quan trọng này.
Chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng, Trung tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam cho rằng, Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023 quy tụ các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ hoạt động biểu diễn nhạc cụ dân tộc hàng đầu trong cả nước, gồm các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật truyền thống và các cơ sở đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp. Vì vậy, với mỗi nghệ sĩ được tham gia thử sức và may mắn giành được giải Nhất là niềm vinh dự, tự hào hết sức lớn lao.
“Để có được thành công này là nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện, là niềm tin, kỳ vọng, truyền cảm hứng hết sức của cấp ủy, Ban chỉ huy Đoàn Văn công BĐBP, của các thầy giáo, tác giả cũng như của toàn thể đồng chí, đồng đội trong toàn đơn vị, mà trực tiếp là đồng chí Đại tá, nhạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Tuấn Anh, Đoàn trưởng Đoàn Văn công BĐBP. Đó là sự nỗ lực phấn đấu, học hỏi, luyện tập của bản thân cũng như của các bộ phận liên quan khác như: Ban nhạc, Vocall (nhóm bè), âm thanh, ánh sáng...” - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam khẳng định.
Mỗi trái ngọt hôm nay đòi hỏi nghệ sĩ phải có quá trình luyện tập hết sức vất vả, kiên trì. Tại cuộc thi năm nay yêu cầu mỗi tiết mục độc tấu, người thi phải trình diễn 2 tác phẩm, trong khi các cuộc thi ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân, toàn quốc hay khu vực thì mỗi nghệ sĩ tham gia thi độc tấu chỉ phải trình diễn 1 tác phẩm. Đặc biệt, trong lần này, anh tham gia thi 2 tác phẩm viết mới, yêu cầu kĩ thuật cũng như kĩ năng biểu diễn cao nên khi có tác phẩm, anh phải tranh thủ thời gian luyện tập ngoài thời gian tập chung của ban nhạc. Vì khi ghép với ban nhạc, người thi độc tấu phải trình diễn được phần cá nhân để không mất thời gian luyện tập chung của ban nhạc. Do đó, anh đã phải tranh thủ những khoảng thời gian có thể (không liên quan đến ban nhạc) để luyện tập không kể giờ giấc.
Đến với cuộc thi năm nay, Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam đã thể hiện 2 tác phẩm: “Đẻ đất - Đẻ nước” và “Tả thanh thiên”. Điều đặc biệt, người sáng tác cũng như phối khí 2 tác phẩm này là anh trai của anh - Đại tá, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. “Là một trong 3 đơn vị nghệ thuật trong toàn quân được thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thủ trưởng Bộ Tư lệnh, thủ trưởng Cục Chính trị BĐBP chỉ đạo tham gia cuộc thi nên bản thân tôi phải thi đấu với tinh thần của những người lính. Với bề dày truyền thống, cũng như đặc thù của BĐBP, các tác phẩm tham gia cuộc thi mang tính chất âm nhạc cũng như nghệ thuật trình diễn đều gắn liền với quê hương, đất nước, biên giới và người lính” - Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc cho biết, “Đẻ đất - Đẻ nước” là truyền thuyết nổi tiếng của người Mường và cũng là một trong những truyền thuyết cổ xưa nhất của người Việt - Mường. Tôi lấy ý tưởng từ truyền thuyết này để sáng tác tác phẩm “Đẻ đất - Đẻ nước”, với tâm thế ngợi ca lịch sử của người Mường nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung, để biểu diễn trên bộ trống dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, tác phẩm này lại càng ý nghĩa hơn khi Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023 đợt 2 được tổ chức tại thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) là “xứ sở” của người Mường hiện nay. Nếu được cảm nhận tác phẩm này, người nghe/người xem sẽ thấy được sự sinh sôi, nảy nở của các dân tộc anh em và từ đó tỏa ra khắp vùng - miền của đất Việt, để kề vai, sát cánh cùng nhau xây dựng đất nước suốt mấy nghìn năm lịch sử”.
Cũng theo Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc, tác phẩm “Tả thanh thiên” có nghĩa là “viết lên trời xanh”. Xuất phát từ cảm xúc khi tham quan Tháp Bút ở Đền Ngọc Sơn (Hồ Gươm, Hà Nội), anh đã sáng tác tác phẩm này. Trong tác phẩm, không chỉ viết lên trời xanh những áng văn thơ ca ngợi truyền thống bút nghiên, đèn sách của dân tộc, mà hơn nữa là viết lên trời xanh chân lý và giá trị của cả dân tộc, là viết về thành tựu của lịch sử hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, về công trạng của các anh hùng đã làm rạng danh non sông, đất nước này. “Viết lên trời xanh” có ý nghĩa như bài thơ thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.
"Để có đất nước với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay, chúng ta đã có biết bao sự hy sinh xương máu của những người anh hùng dân tộc đã ngã xuống cho hồn thiêng sông núi vang vọng mãi mai sau. Nhìn về quá khứ với biết bao tự hào để chúng ta tự tin hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai” - Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Xuân Bắc cho hay.
Nếu có mặt tại Cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc - 2023, người xem sẽ thấy được ý nghĩa của tác phẩm đã được Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Hải Nam chuyển tải uyển chuyển, tinh tế qua tiếng trống của mình. Cuộc thi khép lại, nhưng đã mở ra biết bao dự định của người nghệ sĩ xứ Nghệ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc thông qua nghệ thuật trống.