Mẹo chế biến nha đam giòn tan không nhớt

Với những mẹo chế giản dưới đây, bạn có thể dễ dàng biến lá nha đam thành nguyên liệu giòn ngon, không bị nhớt, sẵn sàng làm các món ăn và thức uống bổ dưỡng.

Nha đam (lô hội) là một loại thực phẩm và dược liệu tự nhiên chứa nhiều vitamin A, C, E, có tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do, được ứng dụng rộng rãi trong việc chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp. Tuy nhiên, nhiều người lại rất ngại sử dụng vì nó rất nhớt, và có vị đắng nếu không được sơ chế đúng cách.

Mẹo chế biến nha đam giòn tan không nhớt

Lớp vỏ xanh bên ngoài và phần gel bên trong lá nha đam chứa một loại nhựa gây cảm giác nhớt khó chịu khi ăn. Phần nhựa này cũng có thể gây kích ứng da và các phản ứng xấu khác đối với sức khỏe. Vì vậy, việc xử lý nha đam sao cho hết nhớt rất quan trọng.

Dưới đây là cách chế biến nha đam giòn tan, không nhớt:

- Chọn những lá nha đam to, dày, có màu xanh tươi. Tránh lấy những lá quá nhỏ hoặc quá già vì chúng có thể chứa nhiều nhựa và gây vị đắng.

- Nha đam sau khi mua về hoặc cắt từ trên cây xuống cần được rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn. Dùng dao sắc để gọt bỏ hết lớp vỏ xanh bên ngoài. Để làm điều này, bạn chỉ cần gọt hai bên cạnh lá nha đam, lột sạch lớp vỏ trước và sau của lá. Sau khi gọt sạch vỏ, bạn sẽ thấy phần gel trong suốt bên trong lá nha đam. Đây là phần có thể ăn được và chứa nhiều dưỡng chất.

Mẹo làm nha đam hết nhớt và giòn: Trụng nha đam qua nước sôi rồi nhanh chóng ngâm trong nước đá lạnh. (Ảnh: ELLE)

Mẹo làm nha đam hết nhớt và giòn: Trụng nha đam qua nước sôi rồi nhanh chóng ngâm trong nước đá lạnh. (Ảnh: ELLE)

- Ngâm nha đam đã lột vỏ vào bát nước muối pha nước cốt chanh (pha thật loãng để không ảnh hưởng đến vị của nha đam) trong 5-7 phút, sau đó dùng tay vuốt thật kỹ để loại bỏ màng nhớt. Nếu vẫn còn nhớt, bạn có thể ngâm thêm với nước chanh hoặc giấm pha loãng trong vài phút rồi rửa lại với nước sạch. Chanh và giấm sẽ giúp nha đam giòn và khử hoàn toàn mùi hăng.

- Ngay sau khi ngâm và rửa với muối chanh, nha đam rất dễ mất nước, mềm nhũn và mất độ giòn. Vì thế bạn có thể chần qua nha đam để giúp phần gel trở nên giòn hơn. Đun sôi một nồi nước, cho ít muối rồi chần nha đam trong khoảng 30 giây đến 1 phút, sau đó vớt ra, ngâm ngay vào nước đá lạnh. Cuối cùng, bạn vớt nha đam ra rổ cho ráo nước và sử dụng cho các món ăn.

Bạn có thể bảo quản nha đam trong hũ kín để dùng dần.

Một số món ăn chế biến với nha đam

Sau khi sơ chế sạch sẽ, bạn hãy dùng nha đam để chế biến các món ăn, đồ uống ngon lành, bổ dưỡng sau đây.

Nha đam đường phèn

- Nha đam: 500gr

- Đường phèn: 200gr

- Lá dứa: 1 bó

- Dầu chuối: 1 muỗng cà phê

- Muối: 1 muỗng cà phê.

Đun nước sôi, đổ 200gr đường phèn vào khuấy nhẹ cho tan rồi cho bó lá dứa vào nấu chung. Khi lá dứa chuyển màu đậm hơn, bạn vớt ra và thêm vào 1 muỗng cà phê dầu chuối. Cho hết phần nha đam đã sơ chế trước đó vào trộn đều và tắt bếp.

Đợi nồi nước này nguội dần, bạn đổ ra cốc hoặc bình, thêm một chút đá là đã có một cốc nước nha đam đường phèn thơm mát, thanh ngọt.

Sữa chua nha đam

Nha đam sau khi chế biến sạch sẽ có thể cho vào ăn chung với sữa chua. Vị chua ngọt của sữa chua kết hợp với những miếng nha đam giòn sần sật sẽ tạo nên món ăn tráng miệng khá ngon.

Một số lưu ý khi sử dụng nha đam

- Tránh ăn quá nhiều: Nha đam có thể gây tiêu chảy nếu ăn quá nhiều. Hãy dùng một lượng vừa phải để tận dụng tối đa lợi ích sức khỏe mà không gặp vấn đề tiêu hóa.

- Dùng nha đam tươi: Để đạt hiệu quả tốt nhất, hãy chọn nha đam tươi, tránh nha đam đã để lâu vì có thể làm giảm đi dưỡng chất và hương vị.

- Chú ý khi chế biến nha đam cho trẻ nhỏ: Với trẻ em, nha đam có thể khó tiêu hoặc gây kích ứng, nên hãy tham khảo ý kiến bác sỹ nếu bạn muốn cho trẻ sử dụng thường xuyên.

NGUYỆT ÁNH (Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/meo-che-bien-nha-dam-gion-tan-khong-nhot-ar906486.html
Zalo