Trung Quốc vận hành dự án điện mặt trời nổi đầu tiên tại Thanh Đảo
Hôm 2/7, Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) đã chính thức đưa vào vận hành dự án điện mặt trời nổi toàn bộ trên mặt nước biển đầu tiên tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc.
Dự án điện mặt trởi nổi toàn bộ trên mặt nước đầu tiên của Trung Quốc tọa lạc tại Nhà máy Lọc hóa dầu Thanh Đảo, với diện tích khoảng 60.000 m2, công suất lắp đặt khoảng 7,5 MW, cho sản lượng khoảng 16,7 triệu kWh điện xanh mỗi năm.

Dự án nhà máy điện mặt trời nổi hoàn toàn trên mặt nước biển đầu tiên của Trung Quốc được đặt tại Nhà máy Lọc hóa dầu Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Guancha.cn
Khác biệt so với các giải pháp cọc bê tông truyền thống, dự án ứng dụng cấu trúc nổi tiên tiến, trong đó các tấm pin mặt trời được gắn trên khung phao tự động nâng hạ theo thủy triều. Khoảng cách giữa tấm pin và mặt nước chỉ bằng 1/10 so với cấu trúc cọc truyền thống, giúp tận dụng hiệu ứng làm mát của nước biển để tăng hiệu suất phát điện thêm 5–8%.
Để giải quyết các vấn đề hệ thống pin mặt trời có thể gặp phải trong môi trường nước biển như nước mặn ăn mòn, sinh vật bám dính và dao động thủy triều…, nhóm nghiên cứu đã phát triển bộ phao và khung đỡ đặc chế chống ăn mòn muối biển và chống bám dính vẹm biển; đồng thời phát triển hệ thống neo giữ dưới nước chịu được gió cấp 13 và thích ứng với chênh lệch thủy triều tới 3,5 mét, giúp giảm khoảng 10% chi phí đầu tư so với giải pháp cọc truyền thống.
Những đổi mới kỹ thuật này sẽ cung cấp giải pháp chuẩn hóa cho phát triển điện mặt trời nổi ở khu vực ven biển và biển nông, thúc đẩy giảm chi phí dự án năng lượng mới.
Đại diện của Sinopec cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả vận hành, hoàn thiện quy trình bảo trì và nhân rộng công nghệ ra các khu vực biển sâu hơn, nhằm đặt nền móng cho một tương lai năng lượng biển xanh, thân thiện với môi trường.