Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thiệt hại từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với dầu Nga

Gói trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Nga có thể gây xáo trộn nghiêm trọng trong quan hệ năng lượng giữa Nga và các đối tác như Trung Quốc, Ấn Độ. Sự gián đoạn nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Nga khiến Ấn Độ tìm kiếm nguồn cung mới từ các khu vực khác.

Một cơ sở chứa dầu của Nga. Ảnh: TASS

Một cơ sở chứa dầu của Nga. Ảnh: TASS

Theo trang tin năng lượng Oilprice.com, Mỹ ngày 10/1 thông báo sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất từ trước đến nay đối với ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga. Hãng tin Reuters đưa tin, dựa trên một tài liệu được cho là của Bộ Tài chính Mỹ đang lưu hành trong giới thương nhân ở châu Âu và châu Á, các biện pháp trừng phạt sẽ nhắm vào khoảng 180 tàu chở dầu, một số giám đốc điều hành dầu mỏ cấp cao của Nga, hàng chục thương nhân và hai công ty dầu mỏ lớn.

Động thái này được dự báo sẽ gây ra những gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang hai khách hàng lớn nhất là Ấn Độ và Trung Quốc. Đặc biệt, các nhà máy lọc dầu Ấn Độ đang chuẩn bị đối phó với khả năng nguồn cung dầu thô giá rẻ từ Nga bị ảnh hưởng nặng nề. Các lệnh trừng phạt cũng có thể mang lại cho Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp tới nhiều đòn bẩy hơn trong các cuộc đàm phán trong tương lai khi ông cố gắng chấm dứt xung đột ở Ukraine.

Theo kế hoạch, chính quyền Biden sẽ nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu của Nga có giá vượt quá mức trần 60 USD/thùng mà các đồng minh phương Tây đã áp đặt. Phạm vi của các lệnh trừng phạt cũng sẽ bao gồm những đối tượng tham gia vào các mạng lưới buôn bán dầu của Nga vượt quá mức giá trần của G7. Ngoài ra, Mỹ còn dự kiến sẽ chỉ định các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng hải có trụ sở tại Nga là Ingosstrakh Insurance Company và Alfastrakhovanie Group vào danh sách đen.

Năm ngoái, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước mua dầu thô lớn nhất của Nga. Tuy nhiên, lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 11 đã giảm mạnh 55% so với cùng kỳ năm trước xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2022. Đây có thể là kết quả của việc nước này cố gắng đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu mỏ để tránh phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.

Cũng theo dữ liệu theo dõi tàu từ Reuters, lượng dầu thô nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 11/2024 đã giảm 13% so với tháng 10, xuống còn 1,52 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi đó, lượng hàng nhập khẩu từ Trung Đông vào Ấn Độ lại tăng vọt 10,8% trong cùng thời kỳ.

Để đảm bảo an ninh năng lượng, Ấn Độ đang tích cực tìm kiếm nguồn cung cấp dầu mỏ mới. Trong chuyến thăm Guyana vào tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Narendra Modi đã nhấn mạnh vai trò then chốt của quốc gia Nam Mỹ này đối với an ninh năng lượng của Ấn Độ. Về phía Guyana, Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Vickram Bharrat khẳng định sẵn sàng cung cấp cho Ấn Độ một lượng lớn dầu thô, với điều kiện Exxon Mobil - đơn vị khai thác dầu ngoài khơi chính của Guyana - đồng ý với thỏa thuận này.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bharrat, Exxon cần thực hiện một số điều chỉnh về mặt hậu cần do họ ưu tiên sử dụng các tàu có sức chứa lớn (khoảng 2 triệu thùng) để tối ưu chi phí vận chuyển. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaideep Mazumdar cho biết các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục và một thỏa thuận như vậy sẽ đảm bảo "khả năng dự đoán cao hơn" về nguồn cung.

Việc Mỹ tăng cường trừng phạt dầu mỏ Nga được cho là một phần trong nỗ lực của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn nguồn thu từ dầu mỏ của Moscow và tăng cường hỗ trợ cho Ukraine trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức. Ông Trump trước đây từng bày tỏ quan điểm rằng chi phí của Mỹ để hỗ trợ Ukraine là quá cao.

Mặc dù đã có những dấu hiệu giảm phụ thuộc, Nga vẫn tiếp tục là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho Ấn Độ trong tháng 11/2024, vượt qua cả Iraq và Saudi Arabia.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Oilprice.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/trung-quoc-va-an-do-se-thiet-hai-tu-lenh-trung-phat-moi-cua-my-doi-voi-dau-nga-20250111202225831.htm
Zalo