Quan hệ Mỹ-Nga cải thiện: ông Zelensky bị dồn vào thế khó trên bàn cờ địa chính trị

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đối mặt với một tuần đầy thách thức khi các quan chức quốc tế tập trung tại châu Âu để thảo luận về tương lai đất nước ông.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo vào quân Nga đang tiến tới ở khu vực Pokrovsk ở miền Đông Ukraine vào tháng 11/2024. Động lực trên mặt trận chính của cuộc chiến đang có lợi cho Nga. Ảnh: NYTimes.

Binh sĩ Ukraine bắn pháo vào quân Nga đang tiến tới ở khu vực Pokrovsk ở miền Đông Ukraine vào tháng 11/2024. Động lực trên mặt trận chính của cuộc chiến đang có lợi cho Nga. Ảnh: NYTimes.

Tin dữ dồn dập với Ukraine

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu quyền khai thác khoáng sản trị giá 500 tỷ USD của Ukraine, hủy bỏ ưu đãi thuế đối với thép xuất khẩu của Kiev vào Mỹ, đồng thời cử Phó Tổng thống J.D. Vance – một nhân vật hoài nghi về viện trợ quân sự cho Ukraine – đến châu Âu để gặp ông Zelensky.

Nhưng đến ngày 12/2, tình hình trở nên tồi tệ hơn. Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump đưa ra đánh giá nghiệt ngã về triển vọng của Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Sau đó, ông Trump thông báo rằng ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và gọi đây là bước khởi đầu cho các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh – mà không có vai trò rõ ràng nào cho ông Zelensky.

Cuộc điện đàm này cũng đánh dấu sự chấm dứt của nỗ lực cô lập Nga về mặt ngoại giao sau khi chiến sự bùng nổ ở Ukraine gần 3 năm trước.

"Ông ấy đang bị dồn ép trên bàn cờ địa chính trị", ông Cliff Kupchan, Chủ tịch Eurasia Group – một tổ chức phân tích rủi ro có trụ sở tại Washington, nhận xét về tình thế của ông Zelensky.

Những động thái gần đây của ông Trump – bao gồm cả việc trao đổi tù nhân với Điện Kremlin để trả tự do cho một giáo viên người Mỹ – cho thấy quan hệ Mỹ - Nga đang ấm lên, điều có thể mang lại lợi thế cho ông Putin trong một thỏa thuận hòa bình, đồng thời đẩy Ukraine ra bên lề.

Ông Trump cũng gọi điện cho ông Zelensky vào 12/2, nhưng trong bài đăng trên mạng xã hội, ông không đề cập đến việc Tổng thống Ukraine có vai trò gì trong tiến trình đàm phán hay không.

Ông Zelensky đã gặp ông Vance và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Hội nghị An ninh Munich thường niên khai mạc vào ngày 14/2.

Các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến đẫm máu nhất châu Âu trong nhiều thập kỷ sẽ định hình tương lai của Ukraine, và những diễn biến mới đây cho thấy một phần lãnh thổ nước này có khả năng vẫn sẽ nằm dưới sự kiểm soát của Nga.

Chúng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến con đường chính trị của ông Zelensky. Ông gần như không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tham gia vào các cuộc đàm phán do Mỹ dẫn dắt, dù ông và phần lớn người dân Ukraine vẫn hoài nghi sâu sắc về việc ông Putin có thực sự sẵn sàng đàm phán mà không áp đặt các điều kiện ngặt nghèo hay không.

 Ông Zelensky gặp ông Donald J. Trump tại New York vào tháng 9/2024. Những hành động gần đây của ông Trump đã báo hiệu mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Mỹ và Nga. Ảnh: NYTimes.

Ông Zelensky gặp ông Donald J. Trump tại New York vào tháng 9/2024. Những hành động gần đây của ông Trump đã báo hiệu mối quan hệ nồng ấm hơn giữa Mỹ và Nga. Ảnh: NYTimes.

Bị dồn ép trên bàn cờ địa chính trị

Không chỉ ông Trump mang đến tin dữ cho Ukraine. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, ông Pete Hegseth, nói với các đồng minh châu Âu vào ngày 12/2 rằng việc Ukraine giành lại toàn bộ lãnh thổ như trước năm 2014 là điều "phi thực tế".

Ông cũng tuyên bố rằng Mỹ không ủng hộ mục tiêu gia nhập NATO của Ukraine như một phần trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào, gọi điều này là "không thực tế".

Ông Zelensky từng vượt qua nhiều tình thế hiểm nghèo. Giờ đây, ông lại đối diện với một bước ngoặt quan trọng, nhưng với vị thế suy yếu hơn: tỷ lệ ủng hộ trong nước sụt giảm, còn đồng minh quan trọng nhất thì lạnh nhạt.

Và dù Mỹ yêu cầu quyền khai thác khoáng sản của Ukraine để đổi lấy viện trợ, đây vẫn được một số quan chức Kiev coi là dấu hiệu đáng hy vọng. Các cuộc đàm phán về quyền khai thác, bắt đầu từ 12/2 với chuyến thăm Kiev của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent có thể mở đường để ông Trump tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, đồng thời tuyên bố rằng ông đã mang lại lợi ích cho nước Mỹ.

 Bên trong một mỏ titan ở vùng Zhytomyr của Ukraine. Tổng thống Trump nhiều lần thúc đẩy ý tưởng đổi viện trợ của Mỹ lấy khoáng sản quan trọng của Ukraine. Ảnh: NYTimes.

Bên trong một mỏ titan ở vùng Zhytomyr của Ukraine. Tổng thống Trump nhiều lần thúc đẩy ý tưởng đổi viện trợ của Mỹ lấy khoáng sản quan trọng của Ukraine. Ảnh: NYTimes.

“Họ về cơ bản đã đồng ý làm vậy, ít nhất thì chúng ta không cảm thấy mình ngu ngốc”, ông Trump nói về việc Ukraine chấp nhận nhượng bộ tài nguyên thiên nhiên của mình trong một cuộc phỏng vấn với Fox News phát sóng vào ngày 10/2. “Nếu không thì chúng ta mới là kẻ ngu ngốc. Tôi nói với họ, ‘Chúng tôi phải nhận được gì đó. Chúng tôi không thể tiếp tục chi tiền như thế này’”.

Trong những ngày gần đây, ông Zelensky đã hai lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán với ông Putin nếu các đồng minh phương Tây đưa ra đảm bảo an ninh trong thỏa thuận hòa bình.

Về phần mình, ông Putin đã phát tín hiệu rằng ông Zelensky cần phải tổ chức bầu cử trong nước trước khi Nga chấp nhận chữ ký của ông ấy trong một thỏa thuận hòa bình. Yêu cầu này cho thấy Nga có thể đang tính toán một tiến trình 3 bước để đàm phán chấm dứt chiến tranh, theo các quan chức Ukraine và chuyên gia an ninh. Tiến trình đó bao gồm một lệnh ngừng bắn tạm thời, tiếp theo là bầu cử ở Ukraine, và chỉ sau đó mới tiến đến một thỏa thuận ngừng bắn ràng buộc.

Ông Zelensky đã bác bỏ nhiều lần những tuyên bố của ông Putin rằng ông không phải là một lãnh đạo hợp pháp và rằng Ukraine cần dỡ bỏ thiết quân luật để tổ chức bầu cử.

Tuy nhiên, ở Ukraine, các đối thủ chính trị trong nước của ông Zelensky đang âm thầm chuẩn bị cho một chiến dịch tranh cử có thể xảy ra.

 Kateryna Zakharuk đến thăm mộ của chồng cô, Ivan Zakharuk, một người lính Ukraine, ở thành phố Sumy phía bắc vào tháng 1. Cuộc chiến cho đến nay ước tính đã giết chết và làm bị thương khoảng 1 triệu binh sĩ ở cả hai bên. Ảnh: NYTimes.

Kateryna Zakharuk đến thăm mộ của chồng cô, Ivan Zakharuk, một người lính Ukraine, ở thành phố Sumy phía bắc vào tháng 1. Cuộc chiến cho đến nay ước tính đã giết chết và làm bị thương khoảng 1 triệu binh sĩ ở cả hai bên. Ảnh: NYTimes.

Khả năng phản đòn của ông Zelensky

Mặc dù bước vào các cuộc đàm phán trong thế yếu, nhưng vẫn còn quá sớm để gạt bỏ ông Zelensky, một cựu diễn viên và là một nhà lãnh đạo có tài xử lý khủng hoảng, theo ông Cliff Kupchan, chuyên gia phân tích tại Eurasia Group. “Ông ấy đã chứng tỏ mình là một tay phản đòn khá giỏi”, ông Kupchan nhận xét. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đã bước vào hồi kết của bất kỳ vở kịch nào cả”.

Ông Zelensky đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán trong bối cảnh chiến sự ở mặt trận chính tại vùng Donbass, miền Đông Ukraine, đã nghiêng về phía Nga suốt hơn 1 năm qua.

Mặc dù vậy, Ukraine bước vào đàm phán với một lợi thế: nước này đang kiểm soát vài trăm dặm vuông lãnh thổ Nga ở vùng Kursk mà họ chiếm được vào mùa Hè năm ngoái. Ông Zelensky cho biết ông muốn trao đổi vùng đất này để lấy các khu vực do Nga chiếm đóng ở Ukraine, điều mà ông Putin gần như chắc chắn sẽ phản đối.

Nếu thế trận tiếp tục diễn ra theo hướng Nga giành được từng chục hay hàng trăm mét lãnh thổ mỗi ngày trong thời gian đàm phán, điều đó sẽ mang lại lợi thế cho Moscow. Khi đó, bất kỳ sự trì hoãn nào của Ukraine trong việc chấp nhận các điều khoản ngừng bắn cũng sẽ khiến Kiev mất thêm lãnh thổ.

Theo New York Times

Thu Quyên

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/quan-he-my-nga-cai-thien-ong-zelensky-bi-don-vao-the-kho-tren-ban-co-dia-chinh-tri-post182769.html
Zalo