Trung Quốc tự tin đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% năm 2024

Theo một quan chức cấp cao của Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế năm nay của nước này chắc chắc sẽ đạt mục tiêu 'khoảng 5%' mà Chính phủ đề ra...

Những tháng gần đây, Bắc Kinh tung ra một loạt biện pháp kích thích nhằm vực dậy tăng trưởng - Ảnh: Rueters

Những tháng gần đây, Bắc Kinh tung ra một loạt biện pháp kích thích nhằm vực dậy tăng trưởng - Ảnh: Rueters

“Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt các mục tiêu lớn của năm 2024 và đóng góp gần 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu”, ông Han Wenxiu, phó chánh văn phòng Ủy ban Tài chính và Kinh tế Trung ương Trung Quốc, phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh được phát trên kênh truyền hình quốc gia CCTV vào cuối tuần trước.

Đánh giá tình hình việc làm và giá cả trong nước tiếp tục ổn định, ông Han cũng cho biết dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ vẫn duy trì ở mức trên 3,2 nghìn tỷ USD – lớn nhất thế giới.

Đầu năm nay, Bắc Kinh ấn định mức tăng trưởng kinh tế cả năm là “khoảng 5%” trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm và cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài. Vài tháng gần đây, nhà chức trách nước này tung ra hàng loạt chương trình kích thích nhằm vực dậy tăng trưởng để đạt mục tiêu trên.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), đây là phát ngôn đầu tiên về triển vọng kinh tế Trung Quốc của một quan chức cấp cao sau hội nghị kinh tế trung ương tuần trước. Hội nghị này là nơi các nhà hoạch định chính sách nhìn lại năm 2024 và định hướng chiến lược cho năm mới.

Tại đây, các nhà hoạch định chính sách kinh tế cam kết đạt mức tăng trưởng bền vững thông qua một loạt thay đổi về chính sách, như nâng trần thâm hụt tài khóa, phát hành thêm trái phiếu chính phủ, hạ lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

“Các đề xuất chính sách mới có sức nặng rất lớn và kế hoạch cụ thể sẽ được công bố tại kỳ họp Quốc hội thường kỳ vào tháng 3 tới”, ông Han cho biết.

Ông cũng cho biết các đề xuất này có “sự thay đổi lớn” so với các năm trước, với chính sách tài khóa chủ động hơn, còn chính sách tiền tệ sẽ chuyển từ “thận trọng” được áp dụng từ năm 2009 sang “nới lỏng vừa phải”.

Cũng theo ông Han, dù tăng trưởng quý 2 và 3 của kinh tế Trung Quốc suy yếu, vài tháng gần đây nền kinh tế đã chứng kiến những diễn biến tích cực, bao gồm các tín hiệu tốt trên thị trường bất động sản.

“Từ tháng 10, cả khối lượng giao dịch và giá bất động sản đều có tín hiệu tăng trưởng tích cực. Ngoài ra, nợ của chính quyền địa phương và rủi ro từ các tổ chức tài chính vừa và nhỏ đều giảm xuống và được quản lý hiệu quả”, ông Han cho biết. “Kết quả này có được là nhờ một loạt biện pháp kích thích được triển khai từ cuối tháng 9, giúp tăng niềm tin trong xã hội và mang lại sự phục hồi kinh tế rõ rệt”.

Vị quan chức nhấn mạnh rằng Trung Quốc cần tập trung vào thúc đẩy nhu cầu nội địa, đặc biệt là tiêu dùng, bởi đây sẽ là một động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế thời gian tới trong bối cảnh bất ổn từ bên ngoài gia tăng.

Tại diễn đàn mà ông Han đưa ra phát biểu trên, ông Wang Xin, Giám đốc cơ quan nghiên cứu thuộc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), cho biết PBOC vẫn còn dưa địa để giảm thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ này hiện tại là khoảng 6,6%.

Thứ Sáu tuần trước, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu của Trung Quốc, cũng đã họp để xây dựng chương trình nghị sự kinh tế cho năm tới.

Tại đây, các quan chức cam kết sẽ triển khai công việc cụ thể càng sớm càng tốt, trong đó có việc thúc đẩy vốn tư nhân vào các dự án lớn. Ủy ban cũng cam kết sẽ đề xuất bộ luật thúc đẩy phát triển nền kinh tế tư nhân “sớm nhất có thể”. Dự thảo luật này đã được công bố hồi tháng 10 và đang được lấy ý kiến từ công chúng.

Trang Linh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-tu-tin-dat-muc-tieu-tang-truong-khoang-5-nam-2024.htm
Zalo