Trung Quốc tăng tốc hỗ trợ nền kinh tế
Bắc Kinh đang đẩy nhanh các nỗ lực 'hà hơi tiếp sức' cho tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với thách thức gay go nhất trong nhiều thập niên qua từ thuế quan của Mỹ và những khó khăn nội tại.

Những cơn gió ngược từ thuế quan và áp lực nội địa
Cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington đã vượt khỏi những dự báo bi quan nhất. Phản ứng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở hàng rào thuế quan trả đũa 125%, mà còn cả các biện pháp cứng rắn như siết xuất khẩu nguyên liệu chiến lược, tăng kiểm soát với doanh nghiệp Mỹ, đẩy thương mại song phương giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào tình trạng đình trệ.
Tình hình trở nên phức tạp hơn khi hai bên liên tiếp đưa ra những tuyên bố “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” về việc liệu có đang diễn ra đàm phán hay không. Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định không có cuộc đàm phán thương mại nào đang diễn ra, trong khi Tổng thống Donald Trump lại khăng khăng rằng “chúng tôi đã thảo luận với Trung Quốc” và thậm chí tuyên bố ông Tập Cận Bình đã gọi điện cho ông - một thông tin sau đó đã bị phía Trung Quốc thẳng thừng bác bỏ.
Ở sâu bên trong, kinh tế Trung Quốc không chỉ đang oằn mình khi làn sóng áp thuế đè nặng lên động lực xuất khẩu, mà còn đang phải vật lộn với những vết thương âm ỉ. Thị trường bất động sản đang suy yếu, trong khi áp lực giảm phát vẫn dai dẳng. Người lao động tiếp tục có tâm lý bi quan và e ngại chi tiêu do triển vọng việc làm ảm đạm và tình trạng thất nghiệp gia tăng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống còn 4% cho cả năm nay và năm tới, giảm lần lượt 0,6 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 1.
Sự chênh lệch giữa các dự báo này và mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà Bắc Kinh đặt ra, càng làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với rủi ro lớn nhất trong nhiều thập niên từ làn sóng thuế quan của Mỹ.
Bắc Kinh tung ra các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã họp hôm thứ Sáu (26-4) và cho biết sẽ triển khai hàng loạt biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại.
Theo Tân Hoa Xã, các nhà hoạch định chính sách cam kết sẽ “điều phối công tác kinh tế nội địa với các hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế, kiên quyết tập trung giải quyết tốt các vấn đề nội tại, kiên định mở cửa ở mức độ cao, tập trung ổn định việc làm, hoạt động kinh doanh, thị trường và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp”.
Về biện pháp cụ thể, Bắc Kinh tái khẳng định sẽ thực hiện chính sách tài khóa chủ động hơn và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải. Các quan chức sẽ đẩy nhanh việc phát hành trái phiếu chính phủ, cắt giảm lãi suất chủ chốt và tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) “vào thời điểm thích hợp”. Các nhà hoạch định chính sách cũng sẽ triển khai các công cụ tiền tệ mới hỗ trợ đổi mới công nghệ, xuất khẩu và tiêu dùng, đồng thời thiết lập các chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng dịch vụ và chăm sóc người cao tuổi.
Đặc biệt, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng đáng kể bởi thuế quan có thể nhận được nhiều khoản hỗ trợ hơn từ bảo hiểm thất nghiệp của Trung Quốc để hỗ trợ giữ chân nhân viên. Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Chúng ta phải tập trung đảm bảo sinh kế của người dân”, trong đó, bao gồm cả việc tăng thu nhập của nhóm người lao động có mức thu nhập thấp và trung bình.
Những vấn đề gai góc như bất động sản cũng nhận được nhiều sự chú ý. Để hỗ trợ lĩnh vực đang gặp khó khăn này, chính quyền sẽ tiến hành cải tạo các khu ổ chuột một cách có trật tự và hoàn thiện các chính sách mua lại hàng tồn kho nhà ở thương mại. Bắc Kinh cũng cam kết duy trì một thị trường vốn ổn định và tích cực, được coi là yếu tố then chốt để củng cố niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nỗ lực thoát khỏi sự dồn ép của Mỹ
Chủ tịch Tập Cận Bình mới đây đã có chuyến công du Đông Nam Á, trong khi các quan chức khác cũng tăng cường tiếp cận ngoại giao để thuyết phục các quốc gia chống lại “cuộc tấn công thuế quan” của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Trung Quốc cũng cảnh báo sẵn sàng trả đũa các quốc gia đứng về phía Mỹ.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định Mỹ phải “hoàn toàn bãi bỏ tất cả thuế quan đơn phương đối với Trung Quốc” nếu thực sự muốn giải quyết vấn đề để tạo không gian cho các cuộc đàm phán.
Dĩ nhiên, trên bàn cờ này, không bên nào muốn đẩy mọi thứ tới bờ vực, dù thiện chí xuống thang vẫn rất mong manh. Một số nguồn tin cho biết, Trung Quốc đang xem xét danh sách các sản phẩm của Mỹ để miễn thuế quan trả đũa 125%, trong đó bao gồm thiết bị y tế, chất bán dẫn và một số hóa chất công nghiệp như ethane.
Ông Michael Hart, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, tiết lộ rằng các cơ quan chức năng Trung Quốc đã trao đổi với một số doanh nghiệp về những sản phẩm họ chỉ có thể nhập khẩu từ Mỹ, và không thể tìm kiếm nguồn cung cấp thay thế ở các nước khác.
Về phía mình, chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng đã có giọng điệu hòa hoãn hơn về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, khi nói rằng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc “sẽ không cao tới 145%” và “sẽ giảm đáng kể, nhưng không phải là bằng không”. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng cho rằng cuộc chiến thuế quan hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc là không bền vững, đồng thời bày tỏ kỳ vọng sẽ có “sự xuống thang” trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cân bằng giữa quyết liệt và thận trọng - bài toán khó của Trung Quốc
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng cuộc họp của Bộ Chính trị không kèm theo bất kỳ biện pháp kích thích mới nào ngoài ngân sách đã được phê duyệt tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vào tháng 3. Điều này cho thấy Bắc Kinh có thể vẫn đang thận trọng, chưa vội vã tung ra các gói kích thích quy mô lớn.
Ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, nhận xét: “Các thông báo mới cho thấy Chính phủ Trung Quốc sẵn sàng triển khai các chính sách mới khi nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi cú sốc bên ngoài. Tuy nhiên, có vẻ như Bắc Kinh sẽ không vội vàng đưa ra gói kích thích lớn ở giai đoạn này”, ông Zhang nói thêm. “Cần thời gian để theo dõi và đánh giá thời điểm cũng như quy mô của cú sốc thương mại”.
Ông Krishna Srinivasan, Giám đốc Bộ phận châu Á Thái Bình Dương của IMF, đánh giá các biện pháp mà Bắc Kinh đã thực hiện cho đến nay để vực dậy ngành bất động sản là “những bước đi đúng hướng” nhưng “chưa đủ”. Ông lưu ý rằng các biện pháp này hiện vẫn chưa đạt đến gần mức khuyến nghị của IMF là cung cấp cho các nhà phát triển bất động sản đang mắc nợ, một khoản hỗ trợ lên tới 5% GDP của Trung Quốc trong vòng từ 3-5 năm, để họ có thể hoàn thành các căn hộ và bảo vệ người mua nhà.
Ông Larry Hu, Kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquarie Capital, dự đoán rằng vẫn còn quá sớm để Chính phủ Trung Quốc “dốc toàn lực” cho các biện pháp kích thích. “Rốt cuộc, việc Tổng thống Donald Trump rút lại các biện pháp thuế quan sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc Bắc Kinh rút lại các biện pháp kích thích của mình”.
Với việc mục tiêu thâm hụt ngân sách của Trung Quốc đã tăng lên mức hiếm thấy là 4% GDP hồi tháng 3, các nhà quan sát cho rằng Trung Quốc vẫn còn dư địa để hành động về chính sách tài khóa, đặc biệt là khi nền kinh tế đối mặt với những thách thức ngày càng gia tăng từ môi trường thương mại căng thẳng.
Nhìn chung, Bắc Kinh đang lựa chọn một chiến lược “quyết liệt có kiểm soát” - sẵn sàng hành động nhưng không nóng vội - để điều hướng nền kinh tế trong bối cảnh thương mại quốc tế có nhiều xáo trộn.
Nguồn: WSJ, Reuters, Al Jazeera, SCMP, The Guardian, Channel News Asia, CNBC