Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ
Lượng xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ sau khi đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ hồi tháng 6.

Xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc phục hồi mạnh mẽ trong tháng 6. Ảnh: Reuters.
Trong tháng 6, Trung Quốc đã xuất khẩu tổng cộng 3.188 tấn nam châm vĩnh cửu từ đất hiếm ra toàn cầu, tăng gần 3 lần so với 1.238 tấn hồi tháng 5, Reuters dẫn số liệu của hải quan Trung Quốc công bố ngày 20/7.
Đây được xem là dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong dòng chảy của loại khoáng sản quan trọng, vốn được sử dụng trong ngành xe điện và tua-bin gió, sau các thỏa thuận thương mại đạt được giữa Bắc Kinh và Washington hồi tháng 6.
Tín hiệu tích cực sau đàm phán thương mại Mỹ - Trung
Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 38,1% so với cùng kỳ năm 2024, và kém xa so với mức trung bình hàng tháng là 4.800 tấn.
Hồi tháng 5, xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc từng giảm tới 74% so với cùng kỳ - mức giảm sâu nhất trong hơn một thập kỷ, khiến nhiều nhà sản xuất phương Tây phải đối mặt với nguy cơ gián đoạn hoạt động do thiếu nguyên liệu.
Việc xuất khẩu đất hiếm hồi phục trong tháng 6 phần nào xoa dịu lo ngại, song chưa đủ để giải quyết triệt để tình trạng bất ổn kéo dài.

Lượng xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc ra toàn cầu qua mỗi năm. Nguồn: Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Vị thế thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm, chiếm khoảng 2/3 sản lượng khai thác và 90% công đoạn chế biến toàn cầu, đã trở thành "lá bài" chiến lược trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ.
Căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn leo thang từ tháng 4, khi Bắc Kinh yêu cầu giấy phép xuất khẩu đối với một số kim loại đất hiếm quan trọng như dysprosium và terbium.
Tuy nhiên, sau thỏa thuận giữa 2 bên tại Geneva vào giữa tháng 5, Bắc Kinh cam kết nới lỏng các hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm.
Đổi lại, Washington cho phép các công ty công nghệ Mỹ như Nvidia hay AMD được bán trở lại chip AI cho thị trường Trung Quốc, kết thúc lệnh cấm có hiệu lực từ tháng 4.
Hôm 15/7, Bộ Thương mại Mỹ chính thức phê duyệt cho 2 ông lớn này nối lại hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thỏa thuận này giúp xuất khẩu nam châm đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ phục hồi ấn tượng. Riêng trong tháng 6, lượng xuất khẩu đạt 353 tấn - tương đương mức tăng 660% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn giảm 52%.
Doanh nghiệp vẫn lo sợ
Dù xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp phương Tây vẫn chưa thể an tâm. Theo Wall Street Journal, một số nhà sản xuất cho biết vẫn không nhận đủ lượng nam châm cần thiết cho hoạt động sản xuất.
Đặc biệt, việc cấp phép xuất khẩu các nguyên liệu đất hiếm thô hầu như không được phê duyệt.
Song song đó, Trung Quốc hiện cũng tăng cường giám sát nội địa nhằm xử lý tình trạng buôn lậu đất hiếm. Bộ Thương mại nước này đã yêu cầu các công ty liệt kê thông tin cá nhân và chuyên môn của nhân sự kỹ thuật để ngăn chặn việc chia sẻ bí mật thương mại.
Gần đây nhất, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc cũng cáo buộc các cơ quan tình báo nước ngoài đánh cắp vật liệu đất hiếm thuộc danh mục hạn chế.

Trung Quốc đứng đầu chuỗi cung ứng đất hiếm trên toàn cầu. Ảnh: Reuters.
Trước nguy cơ hạn chế xuất khẩu từ Trung Quốc có thể kéo dài, nhiều nhà sản xuất phương Tây đang chủ động chuẩn bị cho viễn cảnh thiếu hụt nguyên liệu.
Một số công ty chấp nhận chịu chi phí cao để vận chuyển hàng bằng đường hàng không để nhận được lô hàng ngay khi có giấy phép. Một số khác đang nghiên cứu phương án sản xuất sản phẩm sử dụng nam châm yếu hơn, không chứa các nguyên tố đất hiếm bị kiểm soát.
Đáng chú ý, đầu tháng này, MP Materials, công ty khai thác đất hiếm lớn nhất nước Mỹ, cho biết đã đạt thỏa thuận để Bộ Quốc phòng Mỹ nắm 15% cổ phần.
Theo thỏa thuận, chính phủ Mỹ sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào công ty có trụ sở tại Las Vegas, đồng thời cam kết thu mua sản phẩm. MP Materials dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất nam châm đất hiếm quy mô lớn tại Mỹ vào năm 2028 - vượt xa năng lực sản xuất hiện tại của quốc gia này.