Trung Quốc tạm dừng xuất khẩu đất hiếm và nam châm

Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu một số khoáng sản và nam châm đất hiếm – nguyên liệu quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô, chất bán dẫn và hàng không vũ trụ.

Ngày 4/4, Trung Quốc ra lệnh hạn chế xuất khẩu sáu kim loại đất hiếm nặng cũng như nam châm đất hiếm – sản xuất hoàn toàn hoặc 90% tại Trung Quốc. Các lô hàng chỉ có thể được xuất khẩu khi có giấy phép đặc biệt, nhưng hệ thống cấp phép này vẫn chưa đi vào hoạt động hoàn chỉnh.

Điều này khiến hoạt động xuất khẩu bị đình trệ tại nhiều cảng. Các quan chức tại một số cảng vẫn cho phép xuất khẩu nếu sản phẩm không chứa nhiều đất hiếm nặng hoặc không được chuyển đến Mỹ, trong khi một số cảng khác yêu cầu chứng minh sản phẩm “sạch” hoàn toàn, không có kim loại đất hiếm nặng mới cho phép thông quan.

Nếu quá trình kéo dài, nguồn cung khoáng sản và sản phẩm bên ngoài Trung Quốc có thể cạn kiệt. Trong trường hợp các nhà máy ở Detroit (Mỹ) và những nơi khác hết nam châm đất hiếm, họ không thể lắp ráp ô tô và các sản phẩm khác do động cơ điện cần những nam châm này.

Một nhà máy ở Changshu, Trung Quốc, nơi xử lý các hóa chất chứa kim loại đất hiếm nặng để dùng trong đi-ốt phát sáng. Ảnh: NYT

Một nhà máy ở Changshu, Trung Quốc, nơi xử lý các hóa chất chứa kim loại đất hiếm nặng để dùng trong đi-ốt phát sáng. Ảnh: NYT

Theo Michael Silver, CEO của American Elements, công ty ông được thông báo rằng sẽ mất khoảng 45 ngày để có giấy phép và trong thời gian đó, hoạt động xuất khẩu vẫn tạm dừng. Điều này tạo ra sự bất ổn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt khi nhiều doanh nghiệp giữ lượng tồn kho thấp do giá thành vật liệu cao. Một số công ty Nhật Bản, từng chịu ảnh hưởng bởi lệnh cấm năm 2010, hiện vẫn duy trì dự trữ đủ dùng hơn một năm. Ngược lại, phần lớn công ty Mỹ thì không.

Daniel Pickard – Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoáng sản quan trọng của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ – cảnh báo: “Việc kiểm soát hoặc cấm xuất khẩu có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Mỹ”.

Tình hình càng phức tạp khi Trung Quốc mở rộng lệnh cấm giao dịch đối với một số nhà thầu quốc phòng Mỹ. James Litinsky, CEO của MP Materials – đơn vị sở hữu mỏ đất hiếm duy nhất của Mỹ nằm ở sa mạc California gần biên giới Nevada - cho biết: “Máy bay không người lái và robot là tương lai của chiến tranh, trong khi đầu vào quan trọng cho chuỗi cung ứng này hiện đang bị đóng cửa”.

Các mỏ đất hiếm nặng lớn nhất thế giới nằm trong một thung lũng nhỏ ở ngoại ô Long Nam, tỉnh Giang Tây. Hầu hết các nhà máy lọc dầu và nam châm của Trung Quốc đều nằm trong hoặc gần Long Nam và Cam Châu, một thị trấn cách đó khoảng 80 dặm.

Quặng được vận chuyển từ các mỏ ở thung lũng đến nhà máy lọc dầu ở Long Nam, nơi loại bỏ các tạp chất và gửi đất hiếm đến các nhà máy nam châm ở Cam Châu.

Nhà máy nam châm nổi tiếng nhất được điều hành bởi JL Mag - nhà cung ứng cho hai hãng xe điện Tesla và BYD. Nam châm của họ mạnh gấp 15 lần so với loại nam châm sắt thông thường. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng đến thăm nhà máy JL Mag năm 2019.

Nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu

Đất hiếm nặng – thành phần quan trọng trong động cơ điện, chip AI, laser, bugi, tụ điện và động cơ phản lực – ngày càng đóng vai trò chiến lược trong bối cảnh công nghệ hiện đại phát triển. Hầu hết động cơ điện sử dụng nam châm đất hiếm nặng để duy trì hiệu suất trong điều kiện nhiệt độ và điện trường cao, cả ở xe điện lẫn thiết bị quốc phòng. Các xe chạy xăng cũng sử dụng các loại động cơ nhỏ tích hợp nam châm này trong các chức năng như hệ thống lái.

Một mỏ kim loại đất hiếm nặng ở ngoại ô Long Nam, Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: NYT

Một mỏ kim loại đất hiếm nặng ở ngoại ô Long Nam, Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: NYT

Tính đến năm 2023, Trung Quốc phụ trách 99% nguồn cung đất hiếm nặng và khoảng 90% trong gần 200.000 tấn nam châm đất hiếm toàn cầu. Phần còn lại đến từ Nhật Bản và số ít từ Đức – những quốc gia vẫn phụ thuộc vào nguyên liệu thô từ Trung Quốc.

MP Materials của Mỹ hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất thương mại nam châm ở Texas vào cuối năm nay cho General Motors và các khách hàng khác.

Giá các kim loại này đang tăng cao, đơn cử oxit dysprosium được giao dịch ở mức 204 USD/kg tại Thượng Hải. Giá các thị trường ngoài Trung Quốc còn đắt hơn. Tuy nhiên, về mặt kinh tế, kim ngạch xuất khẩu nam châm đất hiếm chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và các thị trường khác nên thiệt hại kinh tế không đáng kể. Ngược lại, tác động với các nước nhập khẩu – nơi các ngành công nghệ cao phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu này – lại rất lớn.

Trung Quốc từng tạm ngừng khai thác tại vùng Longnan do lo ngại về ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo quan sát tại hiện trường, một số hoạt động khai thác có thể đã được nối lại. Việc khai thác đất hiếm ở đây sử dụng phương pháp bơm hóa chất mạnh vào các hố trên đồi, hòa tan quặng và dẫn về nhà máy lọc để xử lý.

Dù Bộ Thương mại Trung Quốc chưa có phản hồi chính thức, giới quan sát nhận định động thái lần này là sự đáp trả trực tiếp đối với chính sách thuế quan mới từ Mỹ. Trong khi nhiều hàng hóa điện tử từ Trung Quốc được chính quyền Mỹ miễn thuế, nam châm đất hiếm vẫn nằm trong danh sách chịu thuế.

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/trung-quoc-tam-dung-xuat-khau-dat-hiem-va-nam-cham-2390888.html
Zalo