Các doanh nghiệp cần tranh thủ xuất hàng trước thời điểm Mỹ áp thuế đối ứng

Ông Đỗ Ngọc Hưng, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, lưu ý các doanh nghiệp tranh thủ thời gian hoàn tất việc xuất cảng các lô hàng trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực vào ngày 9-4, nhằm tránh các mức thuế có thể áp dụng.

Sáng 4-4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3-2025 về chủ đề "Xúc tiến thương mại tăng cường khai thác thị trường sản phẩm Halal toàn cầu".

Các doanh nghiệp cần tranh thủ xuất hàng

Thông tin mới nhất về chính sách thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Donal Trump, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, cho biết trên cơ sở Đạo luật Thẩm quyền kinh tế quốc tế khẩn cấp 1977 (IEEPA), Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả các đối tác thương mại, hiệu lực từ ngày 5-4.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng áp dụng các mức thuế đối ứng riêng lẻ với hơn 50 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ từ ngày 9-4.

Trong đó, Trung Quốc 34%, EU 20%, Hàn Quốc 25%, Nhật Bản 24%, Ấn Độ 26%, Việt Nam 46%. Mức thuế áp dụng với một số nước ASEAN khác: Thái Lan 36%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Philippines 17%.

“Các mức thuế này không áp dụng đối với các lô hàng đã được bốc xếp lên tàu tại cảng xuất hàng và trong quá trình vận chuyển đến Mỹ trước hai mốc thời gian trên” - ông Hưng lưu ý.

 Ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý các doanh nghiệp tranh thủ thời gian từ nay cho đến ngày 9-4, trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực để hoàn tất việc xuất cảng các lô hàng, nhằm tránh các mức thuế có thể áp dụng. Ảnh: AH

Ông Đỗ Ngọc Hưng lưu ý các doanh nghiệp tranh thủ thời gian từ nay cho đến ngày 9-4, trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực để hoàn tất việc xuất cảng các lô hàng, nhằm tránh các mức thuế có thể áp dụng. Ảnh: AH

Theo số liệu của Mỹ, trong năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Mỹ và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Thặng dư thương mại giữa hai nước đạt khoảng 123 tỉ USD, đứng thứ ba chỉ sau Mexico và Trung Quốc.

Ngay trong tháng 1-2025, theo thống kê của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 36% so với cùng kỳ và dự kiến sẽ tăng cao trong những tháng tới.

'Tuyên bố ngày hôm qua của Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ cho rằng việc áp thuế đối ứng sẽ thúc đẩy các quốc gia xem xét lại chính sách thương mại và mở rộng quyền tiếp cận thị trường lớn hơn cho các sản phẩm của Mỹ” - ông Hưng nói.

Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cho biết theo sắc lệnh thuế, một số mặt hàng sẽ không phải chịu thuế đối ứng. Đó là các mặt hàng chịu thuế theo mục 50 USC 1702(b); (2) các mặt hàng thép/nhôm và ô tô/phụ tùng ô tô đã chịu thuế theo Mục 232; (3) các mặt hàng đồng, dược phẩm, chất bán dẫn và gỗ, các sản phẩm từ gỗ; (4) tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo Mục 232 trong tương lai; (5) vàng thỏi; và (6) năng lượng và một số khoáng sản không có sẵn tại Mỹ.

Ngoài ra, theo sắc lệnh hành pháp, Phụ lục 2 chia các nhóm hàng không phải chịu thuế đối ứng, đơn cử như nhựa và các sản phẩm nhựa; hóa chất; gỗ, các mặt hàng gỗ; đồng, các sản phẩm đồng; thiếc; máy điện và thiết bị điện. Các doanh nghiệp trong ngành hàng cần nghiên cứu cụ thể, chi tiết nội dung phụ lục để nắm và có kế hoạch ứng phó.

Có một điểm đáng chú ý được ông Hưng thông tin, các mặt hàng Việt Nam nếu chứng minh được rằng có nguồn gốc nguyên liệu hoặc có các yếu tố khác từ Mỹ, tối thiểu là trên 20% thì chỉ chịu thuế đối ứng 46% đối với những phần không phải có yếu tố từ Mỹ. Quy định này nhằm khuyến khích nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ Mỹ. Tuy nhiên, công thức này được cho là rất khó tính toán khi bao gồm nhiều chỉ số và thông số kỹ thuật phức tạp.

Áp thuế đối ứng gây khó khăn trong duy trì hợp đồng dài hạn

Tại hội nghị, ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết với ngành điều, thị trường Mỹ chiếm đến 30% toàn sản lượng xuất khẩu. Trước thông tin Mỹ áp thuế đối ứng 46% với Việt Nam, các khách hàng đang có động thái ngần ngại khi nhập hàng.

“Những hợp đồng hiện tại chỉ giao nhanh, số lượng nhỏ. Trong khi bình thường hàng năm, thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã ký được hợp đồng dài hạn ít nhất là 6 tháng đến 1 năm với số lượng lớn” - ông Hiệp cho biết.

Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng cũng cho biết việc áp thuế đối ứng có thể gây ra khó khăn cho việc duy trì các hợp đồng dài hạn và chuỗi cung ứng toàn cầu ổn định. Các nhà nhập khẩu Mỹ có thể chuyển hướng sang tìm các nhà cung ứng từ các quốc gia không có hoặc có mức thuế đối ứng thấp hơn, dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng khối lượng và kim ngạch xuất khẩu tại thị trường trọng điểm này.

“Thị trường Mỹ chiếm đến hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta cũng có thể phải đối mặt với các thủ tục hành chính phức tạp. Chi phí vận chuyển cao, thuế suất tăng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì sản xuất và xuất khẩu, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm và thu nhập của người lao động"- ông Hưng nói và cho rằng các doanh nghiệp cũng có thể tìm kiếm các thị trường thay thế.

"Tuy nhiên, họ sẽ phải đối mặt với những thách thức to lớn về công sức cũng như thời gian phát triển và xây dựng thị trường mới” - ông Hưng lo ngại.

Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đề nghị Việt Nam cần tiếp tục triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác, thỏa thuận song phương với Mỹ, xem xét nâng cấp một số cơ chế phù hợp, chuẩn bị xây dựng các phương án trên cơ sở diễn biến chính xác để chủ động xử lý các vấn đề phát sinh.

Đề xuất tiếp tục chuyển hóa việc tăng nhập khẩu một số sản phẩm thế mạnh của Mỹ phù hợp với nhu cầu của Việt Nam, qua đó truyền tải thông điệp tích cực, minh chứng cho việc Việt Nam đã sẵn sàng điều chỉnh cán cân thương mại theo hướng cân bằng, hài hòa và cùng có lợi.

Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cần xem xét khả năng đàm phán với các nhà nhập khẩu để chia sẻ gánh nặng thuế đối ứng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm duy trì thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bởi theo ghi nhận của Thương vụ, một số nhà nhập khẩu đã yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam chuyển giá từ giá FOB sang giá DDP, là giá giao hàng đã qua nhập khẩu và chuyển rủi ro này cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Tham tán Đỗ Ngọc Hưng cũng cho biết hiện Chính phủ và cơ quan chức năng của Việt Nam đang khẩn trương triển khai nhiều đối sách, giải pháp tích cực để tháo gỡ.

Ông đề nghị các cơ quan truyền thông hết sức lưu ý, đưa tin thận trọng, bám sát chủ trương, quan điểm, tránh việc gây hoang mang, lo lắng trong các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Hiện nhiều đối tác nước ngoài vẫn đang có kế hoạch tiếp tục sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-doanh-nghiep-can-tranh-thu-xuat-hang-truoc-thoi-diem-my-ap-thue-doi-ung-post842552.html
Zalo