Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, công ty Việt bị tác động ra sao?

Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với các công ty Việt.

Trung Quốc mới đây thực thi hàng loạt giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhiều thuận lợi...

Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank cho biết: Với việc Trung Quốc tung ra gói kích thích kinh tế quy mô lớn, tôi kỳ vọng các quốc gia trong khu vực bao gồm Việt Nam có thể mạnh tay nới lỏng chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngoài ra, gói kích thích của Trung Quốc có thể sẽ cải thiện tính hấp dẫn của thị trường chứng khoán. Đây có thể là nhân tố thúc đẩy quá trình đảo chiều dòng vốn ngoại từ trạng thái bán ròng sang mua ròng tại các thị trường châu Á, giai đoạn cuối năm.

"Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn, là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ hai của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 37,86 tỉ USD trong 8 tháng đầu năm, đồng thời là là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 99,29 tỉ USD.

Chính sách của PBoC có thể kích cầu tiêu dùng của Trung Quốc, qua đó tác động tích cực tới kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Trung Quốc phục hồi sẽ giúp chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu được tiết giảm, hỗ trợ chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam", ông nói.

Ông Nguyễn Anh Khoa cũng cho rằng, Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ thị trường nhà ở hướng đến thị trường bất động sản, ngành xây dựng. Nhu cầu vật liệu xây dựng như thép đang ở vùng đáy sẽ tăng lên, tác động đến giá thép toàn cầu.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc chiếm hơn 1/4 tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu. Nếu kinh tế nước này phục hồi thì nhu cầu tiêu thụ dầu có thể tăng, đẩy giá dầu thế giới lên cao.

Còn với nước ta, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm là 1,14 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng sẽ tác động tới ngành sản xuất ô tô, tức sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu cao su.

"Trung Quốc còn là thị trường xuất khẩu thủy sản quan trọng của Việt Nam, với giá trị thương mại 1,02 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, chiếm khoảng 16% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thì nhu cầu tiêu dùng thủy sản sẽ cải thiện", ông Khoa nhận định.

Không ít thách thức

Theo tiến sĩ Võ Đình Trí, Đại học Kinh tế TP.HCM, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã giảm các mức lãi suất chủ chốt. Điều này làm cho việc vay tiền trở nên rẻ hơn, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng vay mượn, từ đó tăng chi tiêu và đầu tư.

Bằng cách giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc, lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải giữ trong dự trữ được giảm xuống, giải phóng vốn để cho vay.

Cũng theo tiến sĩ Võ Đình Trí, đã có sự bơm vốn vào các ngân hàng nhà nước để khuyến khích cho vay, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng và bất động sản.

Các biện pháp kích thích khác bao gồm giảm lãi suất thế chấp hiện tại và nới lỏng yêu cầu mua nhà để phục hồi ngành bất động sản đang gặp khủng hoảng. Đồng thời cung cấp hỗ trợ thanh khoản, với kế hoạch sử dụng các quỹ lớn để mua lại cổ phiếu, nhằm ổn định hoặc thúc đẩy thị trường chứng khoán.

Theo giới phân tích, khi Trung Quốc nới lỏng tiền tệ, đồng Nhân dân tệ có thể giảm giá, làm cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn. Các công ty Việt nhập nguyên liệu Trung Quốc để làm thành phẩm sẽ có chi phí thấp hơn và dễ cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng dễ dẫn đến câu chuyện nhập siêu từ Trung Quốc.

Hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên rẻ hơn trên thị trường quốc tế, sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các công ty Việt sẽ vất vả hơn để kinh doanh chưa kể có khả năng phải giảm biên lợi vì phải giảm giá để cạnh tranh với hàng Trung Quốc.

Mặc dù Trung Quốc nới lỏng tiền tệ để kích thích tiêu dùng, giúp người dân và doanh nghiệp có nhiều tiền chi tiêu, qua đó mua nhiều hàng xuất khẩu Việt Nam. Nhưng chính sách nới lỏng tiền tệ của Trung Quốc có khả năng dẫn đến đồng Nhân dân tệ giảm giá, khiến hàng hóa xuất khẩu Việt đắt đỏ hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc có thể giảm chi tiêu cho sản phẩm Việt.

Điều này đòi hỏi công ty Việt phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm lợi thế cạnh tranh khác để duy trì và mở rộng thị trường.

Theo các chuyên gia, để vượt qua các khó khăn trên, công ty Việt tiếp tục cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc. Đầu tư vào xây dựng thương hiệu để tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng Trung Quốc.

Ngoài ra, công ty Việt cần tìm kiếm các đối tác địa phương để hiểu rõ hơn về thị trường và phân phối sản phẩm, cũng như áp dụng các công cụ tài chính để quản lý rủi ro liên quan đến biến động tỉ giá.

PHƯƠNG MINH-N.D

Nguồn PLO: https://plo.vn/trung-quoc-noi-long-chinh-sach-tien-te-cong-ty-viet-bi-tac-dong-ra-sao-post812900.html
Zalo