Sầu riêng Việt Nam 'một mình một chợ' ở Trung Quốc
Thái Lan, Philippines đã hết sầu riêng chính vụ, trong khi Việt Nam vẫn luôn có sầu riêng tươi trái vụ. Vì thế Việt Nam sẽ trở thành nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất cho thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Dự báo xuất khẩu sầu riêng sẽ mang lại con số kỷ lục trong năm nay.
Xuất khẩu sầu riêng tăng vượt Thái Lan
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt 2,82 tỷ USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ năm trước và chiếm hơn 50% tổng trị giá xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Với thị trường Trung Quốc, trong tháng 9, Việt Nam vượt qua Thái Lan, trở thành nước cung sầu riêng lớn nhất cho quốc gia tỷ dân này. Tháng 9, Việt Nam xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đạt xấp xỉ 177.000 tấn, trị giá hơn 640,7 triệu USD. Trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu sầu riêng từ Thái Lan trong tháng 9, chỉ đạt 58.000 tấn, trị giá hơn 243 triệu USD.
Tính chung 9 tháng, Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam đạt gần 618.000 tấn, trị giá 2,45 tỷ USD. Như vậy, sầu riêng Việt Nam chiếm hơn 44% lượng nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Thái Lan vẫn là nguồn cung sầu riêng lớn nhất cho Trung Quốc trong 9 tháng qua với số lượng đạt gần 755.000 tấn, trị giá 3,73 tỷ USD.
Ước tính 10 tháng xuất khẩu sầu riêng đạt 3,1 tỷ USD
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 10, sản lượng sầu riêng đã thu hoạch của cả nước ước khoảng 1,1 triệu tấn, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 10, sản lượng thu hoạch đạt 154.200 tấn, giảm 15% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm nay, sản lượng sầu riêng cả nước ước đạt 1,13 triệu tấn, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu sầu riêng trong tháng 10 vẫn tăng trưởng mạnh. Ước tính 10 tháng, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,1 tỷ USD.
Ông Nguyên cho biết, trong những tháng cuối năm, Thái Lan, Philippines đã hết sầu riêng chính vụ, trong khi Việt Nam vẫn luôn có sầu riêng tươi trái vụ. Vì thế Việt Nam sẽ trở thành nhà xuất khẩu sầu riêng lớn nhất cho thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc. Nguồn cung sầu riêng thu hẹp khiến giá sầu riêng tăng mạnh.
“Hiện nay mùa thu hoạch chính sầu riêng ở Tây Nguyên gần như đã kết thúc, nhưng miền Tây lại bước vào mùa thu hoạch sầu riêng nghịch vụ. Vì thế sản lượng sầu riêng những tháng cuối năm có thể không cao bằng những tháng giữa năm. Tuy nhiên, giá xuất khẩu có thể sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm vì hiện, sầu riêng Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường, một mình một chợ. Theo đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD", ông Nguyên nói.
Cập nhật ngày 19/11, giá sầu riêng tươi tại thị trường trong nước vẫn đang neo ở mức cao so với thời điểm chính vụ. Dự báo giá vẫn sẽ tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm. Nhằm thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp đang xin cấp mã số vùng trồng.
Năm nay, ngành xuất khẩu sầu riêng được kỳ vọng không chỉ lập kỷ lục mới về kim ngạch mà còn khẳng định chỗ đứng vững chắc trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.