Trung Quốc ngừng nhập khẩu LNG Mỹ

Việc Trung Quốc ngừng mua LNG Mỹ diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa nước này và Nga ngày càng khăng khít...

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Theo dữ liệu thu thập được của tờ báo Financial Times, trong hơn 10 tuần qua, Trung Quốc đã dừng nhập khẩu hoàn toàn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Kể từ khi một tàu chở LNG tải trọng 69.000 tấn từ Corpus Christi, bang Texas cập cảng tại tỉnh Phúc Kiến hôm 6/2/2025 đến nay, chưa có thêm chuyến hàng LNG nào từ Mỹ tới Trung Quốc.

Một tàu chở LNG khác đã được chuyển hướng sang Bangladesh sau khi không kịp đến Trung Quốc trước thời điểm Bắc Kinh áp thuế quan 15% với LNG Mỹ hôm 10/2. Đến nay, thuế quan này đã tăng lên 49%, khiến LNG Mỹ trở nên đắt đỏ hơn với các nhà nhập khẩu Trung Quốc.

Trước đây, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc cũng từng dừng nhập khẩu LNG Mỹ trong hơn một năm sau khi căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang. Lần này, việc Trung Quốc ngừng mua LNG Mỹ diễn ra trong bối cảnh hai chiến tranh thương mại giữa hai nước trở lại sau khi ông Trump liên tiếp tăng thuế quan với hàng Trung Quốc và Bắc Kinh đáp trả.

Việc dừng nhập khẩu cũng diễn ra giữa lúc mối quan hệ hợp tác năng lượng giữa Trung Quốc và Nga ngày càng khăng khít, làm dấy lên mối lo ngại cho các trạm đầu mối LNG lớn đang được xây dựng và mở rộng tại Mỹ và Mexico.

“Việc này sẽ gây ra hậu quả trong dài hạn”, bà Anne-Sophie Corbeau, chuyên gia về khí tự nhiên hóa lỏng tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia nhận xét. “Tôi cho rằng các nhà nhập khẩu LNG Trung Quốc sẽ không ký hợp đồng mới để mua LNG Mỹ nữa”.

Kể từ khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào đầu năm 2022, Trung Quốc đã giảm nhập khẩu LNG từ Mỹ. Năm ngoái, chỉ 6% LNG nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Mỹ, giảm từ mức đỉnh 11% vào năm 2021.

Tuy nhiên, theo dữ liệu từ công ty Kpler, các công ty Trung Quốc, bao gồm các “đại gia” dầu khí PetroChina và Sinopec, đã ký 13 hợp đồng dài hạn để mua LNG từ các trạm đầu mối LNG Mỹ. Trong đó, một số hợp đồng trong số đó có thời hạn tới năm 2049.

Những hợp đồng dài hạn như thế này đóng vai trò quan trọng để phía Mỹ khởi động các dự án LNG lớn, dù gần đây một số chủ dự án cố gắng đàm phán lại các điều khoản để xét tới yếu tố lạm phát và chi phí tăng do thuế quan.

Theo nhà phân tích Gillian Boccara của Kpler, không có lý do gì để Mỹ và Trung Quốc khởi động lại hoạt động mua bán LNG trong tương lai gần.

“Lần trước, khi tình trạng tương tự xảy ra, hoạt động này bị gián đoạn hoàn toàn cho tới khi nhà chức trách Trung Quốc có hành động. Tuy nhiên, đó là thời điểm như cầu khí đốt đang bùng nổ”, vị chuyên gia nhận xét. “Ở thời điểm hiện tại, với nền kinh tế tăng trưởng suy yếu, tôi cho rằng Trung Quốc có thể không bị ảnh hưởng bởi việc dừng nhập khẩu LNG Mỹ trong một thời gian dài”.

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui cho biết Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh nhập khẩu LNG Nga.

“Một điều tôi biết chắc chắn là có rất nhiều công ty muốn nhập khẩu. Rất nhiều công ty đang yêu cầu đại sứ quán hỗ trợ ký hợp đồng với các nhà cung cấp Nga”, ông Zhang cho biết.

Nga hiện là nhà cung cấp LNG lớn thứ ba của Trung Quốc, sau Autralia và Qatar. Nga và Trung Quốc đang đàm phán về việc xây dựng đường ống khí đốt tự nhiên mới có tên Power of Siberia 2, dẫn từ phía Tây Siberia (Nga) đến Trung Quốc.

“Trong bối cảnh thuế quan tăng lên mức tương đương như một lệnh cấm vận, thế giới sẽ chứng kiến sự sắp xếp lại trong dòng chảy thương mại”, ông Richard Bronze, công ty tư vấn năng lượng Energy Aspects, nhận định. “Chúng tôi dự báo nhu cầu khí đốt của châu Á sẽ giảm khoảng 5-10 triệu tấn. Điều này có thể giúp giá khí đốt ở châu Âu giảm nhẹ".

Đức Anh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/trung-quoc-ngung-nhap-khau-lng-my.htm
Zalo