Trung Quốc muốn phát triển một loạt trung tâm hàng không đẳng cấp thế giới vào năm 2050

Trung Quốc có kế hoạch thành lập một nhóm các doanh nghiệp và trung tâm hàng không đẳng cấp thế giới vào năm 2050.

Hướng đến cường quốc hàng không toàn cầu hàng đầu

Ngày 26/8, báo China Daily đưa tin, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc và Ủy ban Cải cách, Phát triển Quốc gia vừa công bố hướng dẫn mới trong đó vạch ra chiến lược ba giai đoạn để phát triển các trung tâm hàng không quốc tế theo mốc thời gian là năm 2025, 2035 và 2050.

Theo đó, đến năm 2025, phần lớn hệ thống các trung tâm hàng không quốc tế dự kiến sẽ được thiết lập và sản lượng vận tải hàng không và phạm vi dịch vụ được khôi phục hoàn toàn.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Trọng tâm là tăng cường kết nối và hiệu quả trung chuyển, đồng thời đẩy nhanh quá trình phục hồi khả năng cạnh tranh quốc tế, ông Zhang Qing - Giám đốc phòng kế hoạch phát triển của CAAC cho biết.

Đến năm 2035, các trung tâm này đạt được các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới về quy mô vận tải, phạm vi phủ sóng quốc tế, kết nối và hiệu quả trung chuyển.

Mục tiêu cuối cùng là vào năm 2050 sẽ thành lập một số doanh nghiệp và trung tâm hàng không hàng đầu, tiếp tục tinh chỉnh hệ thống trung tâm hàng không quốc tế và củng cố vị thế của Trung Quốc thành một cường quốc hàng không toàn cầu hàng đầu với cơ sở hạ tầng vững chắc, có mức độ hài lòng công chúng cao và khả năng cạnh tranh mạnh.

Trong kế hoạch, Trung Quốc nhấn mạnh các lĩnh vực phát triển chính bao gồm tăng cường trung tâm lớn và mở rộng trung tâm ở khu vực. Các trung tâm lớn tại các thành phố như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu (tỉnh Quảng Đông) sẽ chứng kiến các tuyến kết nối liên lục địa được cải thiện và mở rộng phạm vi tiếp cận toàn cầu.

Theo ông Zhang, kế hoạch này được đưa ra nhằm tăng cường năng lực vận tải từ trong nước ra quốc tế và quốc tế sang quốc tế, tạo các liên kết cốt lõi trong cả mạng lưới vận tải hàng không quốc gia và toàn cầu.

Những trung tâm trong khu vực đang có tiềm năng kết nối quốc tế như trung tâm tại Trùng Khánh, Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên, Thâm Quyến ở Quảng Đông, Côn Minh ở tỉnh Vân Nam, Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, Cáp Nhĩ Tân ở tỉnh Hắc Long Giang và Urumqi ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ, Tân Cương sẽ chứng kiến sự phát triển nhanh chóng.

Phát triển Tân Cương thành cầu nối giữa châu Á và châu Âu

Trọng tâm của kế hoạch là sắp xếp các vai trò chức năng của từng trung tâm từ đó xây dựng mạng lưới tuyến bay quốc tế có lợi thế trong khu vực với các thành phố được thiết lập để trở thành các nút chính liên kết các vùng trong khu vực, kết nối các mạng lưới vận tải hàng không trong nước và tích hợp với các hành lang hàng không quốc tế.

Đơn cử, theo một tài liệu gần đây, Urumqi có kế hoạch phát triển thành một trung tâm quốc tế và tăng cường mạng lưới hàng không khu vực bao gồm thiết lập các tuyến bay quốc tế từ Urumqi đến Trung Á và châu Âu, cùng với các tuyến bay nội địa nối Tân Cương với các khu vực khác của Trung Quốc.

Theo ông Zhang, kế hoạch này sẽ củng cố vai trò của Tân Cương thành cửa ngõ vào Trung Á và là cầu nối giữa châu Á và châu Âu.

Ông Qi Qi, Phó hiệu trưởng Khoa Quản lý của trường hàng không dân dụng Quảng Châu cho biết, gần đây Urumqi đã phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Thành phố này gần đây đã lập kỷ lục về số lần cất và hạ cánh trên một đường băng tại Trung Quốc.

"Lợi thế địa lý của Urumqi khiến nơi đây trở thành trung tâm chiến lược cho chính sách mở cửa về phía tây của Trung Quốc và là thành phố trung tâm trong Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa", ông Qi chia sẻ.

Các chuyến bay xuất phát từ Urumqi có thể tiếp cận tới các thành phố lớn trên khắp năm quốc gia Trung Á trong vòng bốn giờ, phục vụ cho một khu vực rộng lớn với nhu cầu và tiềm năng hàng không rất lớn, ông nói thêm.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/trung-quoc-muon-phat-trien-mot-loat-trung-tam-hang-khong-dang-cap-the-gioi-vao-nam-2050-192240826172155687.htm
Zalo