Trung Quốc muốn đối đầu Phố Wall bằng công ty chứng khoán 230 tỷ USD
Trung Quốc sáp nhập 2 công ty chứng khoán hàng đầu để tạo thành công ty mới với khối tài sản lên đến 230 tỷ USD, hướng đến mục tiêu đối đầu sòng phẳng cùng Phố Wall.
Theo Bloomberg, hai công ty chứng khoán nhà nước hàng đầu Trung Quốc là Goutai Junan Securities và Haitong Securities đã thông báo kế hoạch sáp nhập.
Nước đi này của Trung Quốc nhằm tạo ra “thế lực khổng lồ” thâu tóm lĩnh vực chứng khoán trị giá gần 1,7 nghìn tỷ USD và xây dựng các ngân hàng đầu tư mạnh hơn, nhằm cạnh tranh với các công ty tài chính quốc tế.
Đối thủ đáng gờm của Phố Wall
Cả hai công ty trên đều nằm trong nhóm những công ty tài chính lớn nhất Trung Quốc, với vốn cổ phần do Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản công TP Thượng Hải nắm giữ.
Theo thông báo, Guotai Junan Securities sẽ sáp nhập với Haitong Securities thông qua hình thức hoán đổi cổ phiếu. Thương vụ này sẽ tạo ra một “gã khổng lồ” mới trong giới tài chính với tổng tài sản lên đến 1,6 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 230 tỷ USD), vượt mặt Citic Securities Co. để trở thành công ty môi giới chứng khoán lớn nhất Trung Quốc.
Hiện, kế hoạch sáp nhập đang chờ sự phê duyệt từ hội đồng quản trị và cổ đông công ty, cũng như cơ quan quản lý.
Thỏa thuận này diễn ra một năm sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu các cơ quan quản lý tài chính tập trung phát triển một số ngân hàng đầu tư nội địa hàng đầu nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường tài chính thế giới.
Chỉ đạo trên diễn ra trong bối cảnh các “ông lớn” từ Phố Wall đang ngày càng mở rộng quy mô và nâng tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc. Làn sóng doanh nghiệp tài chính nước ngoài bắt đầu thâm nhập vào Trung Quốc từ khi Bắc Kinh cho phép các công ty 100% vốn nước ngoài hoạt động hồi 2020.
Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch hợp nhất trên, nhằm hiện thực hóa mục tiêu có 2-3 ngân hàng đầu tư có khả năng cạnh tranh toàn cầu vào năm 2035. Tính đến cuối năm 2023, Trung Quốc có khoảng 145 công ty chứng khoán với tổng tài sản lên đến 11,8 nghìn tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD).
“Việc hợp nhất sẽ tạo nên một ngân hàng đầu tư đẳng cấp hàng đầu và thúc đẩy chất lượng phát triển của ngành”, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc nhận định.
Cơ hội thoát khỏi “bức tranh” tài chính ảm đạm
Trên thực tế, ngành tài chính Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng bởi sự giảm sút khối lượng giao dịch, thị trường vốn trì trệ và giá trị cổ phiếu gặp khó khăn do suy thoái kinh tế. Lợi nhuận đã giảm trong vài năm qua và triển vọng thu nhập vẫn ảm đạm sau khi các công ty hàng đầu như China International Capital và Citic Securities công bố kết quả kinh doanh tăng trưởng âm nửa đầu năm 2024.
Haitong, được định giá 106 tỷ HKD (13,6 tỷ USD) tại Hong Kong, Trung Quốc, đã báo cáo lợi nhuận giảm 75% trong nửa đầu năm, trong khi cổ phiếu của công ty giảm 12% trong năm nay.
Một báo cáo của công ty chứng khoán Hua Chuang đánh giá việc hợp nhất có thể giải quyết các vấn đề kinh doanh của Haitong. Song, đơn vị này cũng dự đoán việc sáp nhập có thể dẫn đến làn sóng cắt giảm nhân sự trong bối cảnh ngành tài chính bị ảnh hưởng bởi sự khan hiếm các công ty IPO.
Hiện, Guotai Junan có khoảng 15.000 nhân viên, trong khi Haitong Securities có hơn 13.600 nhân viên, bao gồm 1.645 người tại bộ phận ngân hàng đầu tư.
Cổ phiếu hai công ty đã tạm dừng giao dịch tại Thượng Hải và Hong Kong kể từ thứ Sáu. Với tổng tài sản chiếm 13% giá trị toàn ngành chứng khoán cả nước, công ty mới hình thành sau thương vụ sáp nhập hứa hẹn sẽ trở thành “lá cờ đầu” của Trung Quốc trong kế hoạch đối đầu trực tiếp với các ngân hàng từ Phố Wall.
Thương vụ này đồng thời làm dấy lên kỳ vọng về các màn hợp nhất lớn khác trong ngành thời gian tới. Tuần vừa rồi, Guosen Securities cho biết họ có kế hoạch mua lại gần như toàn bộ Vanho Securities, còn Guolian Securities tiết lộ trước đó rằng sẽ mua lại Minsheng Securities và Western Securities.
Trung Quốc từng xem xét việc kết hợp 2 trong số các ngân hàng đầu tư lớn nhất của mình 4 năm trước, nhưng tiến trình bị đình trệ.
Theo trang web chính thức của Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản Nhà nước Thượng Hải, đơn vị này đang gián tiếp nắm giữ khoảng 1/3 cổ phần của Guotai Junan và gần 20% cổ phần của Haitong.