Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền với Google để đáp trả thuế quan từ ông Trump

Hôm 4.2, Cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra với Google, chỉ vài phút sau khi mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt có hiệu lực.

Cuộc điều tra do Cục Quản lý Giám sát Thị trường Nhà nước Trung Quốc thực hiện được công bố cùng lúc nước này áp thuế với một số sản phẩm của Mỹ như than đá và dầu mỏ. Động thái này nhằm đáp trả mức thuế mới 10% của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc.

Cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết Google bị nghi ngờ vi phạm luật chống độc quyền của nước này và đã bắt đầu một cuộc điều tra công ty Mỹ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Cơ quan quản lý chống độc quyền Trung Quốc không cung cấp thêm chi tiết về cuộc điều tra hoặc những cáo buộc cụ thể liên quan đến hành vi vi phạm của Google.

Các sản phẩm của Google từ lâu đã bị chặn tại Trung Quốc, gồm cả công cụ tìm kiếm, nhưng công ty Mỹ vẫn hợp tác với những đối tác địa phương, chẳng hạn nhà quảng cáo trong nước.

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc mở cuộc điều tra với Google ngay sau khi mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump áp đặt có hiệu lực - Ảnh: Internet

Cơ quan quản lý chống độc quyền của Trung Quốc mở cuộc điều tra với Google ngay sau khi mức thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump áp đặt có hiệu lực - Ảnh: Internet

Để đáp trả ông Trumnp, Bộ Tài chính Trung Quốc vừa thông báo áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Mỹ từ ngày 10.2. Theo đó, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ bị áp thuế 15%. Dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ô tô từ Mỹ đến Trung Quốc phải chịu mức thuế 10%.

Bộ Thương mại và Hải quan Trung Quốc cho biết sẽ thắt chặt xuất khẩu hàng loạt nguyên tố quan trọng như tungsten, tellurium, ruthenium, molybdenum "để bảo vệ an ninh quốc gia".

Theo lệnh mà ông Trump ký cuối tuần trước, Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc từ ngày 4.2. Lý do vì Trung Quốc không chặn được hoạt động buôn lậu fentanyl sang Mỹ.

Fentanyl là một loại thuốc giảm đau opioid tổng hợp cực mạnh, mạnh hơn morphine khoảng 50–100 lần. Ban đầu, fentanyl được sử dụng trong y học để điều trị đau nặng, đặc biệt là cho bệnh nhân ung thư hoặc sau phẫu thuật. Tuy nhiên, do tác dụng mạnh và nguy cơ gây nghiện cao, fentanyl đã trở thành một trong những nguyên nhân chính gây ra khủng hoảng ma túy và sốc thuốc quá liều trên toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ.

Opioid là một nhóm chất tác động lên hệ thần kinh trung ương, có tác dụng giảm đau mạnh, nhưng cũng có nguy cơ gây nghiện cao. Opioid bao gồm cả chất tự nhiên, bán tổng hợp và tổng hợp.

Hôm 3.2, ông Trump cảnh báo có thể nâng mức thuế với Trung Quốc lên trên 10% và sẽ thảo luận với giới chức nước này trong ngày 4.2 hoặc sau đó. "Hy vọng Trung Quốc sẽ chặn được dòng chảy fentanyl vào Mỹ. Nếu không, thuế nhập khẩu sẽ tăng đáng kể", Tổng thống Trump tuyên bố.

Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ. Theo số liệu Hải quan Trung Quốc công bố tháng 12.2024, kim ngạch thương mại song phương đạt 4.898 tỉ nhân dân tệ (668 tỉ USD) năm 2024. Tuy nhiên, thâm hụt thương mại với Trung Quốc rất lớn khiến Mỹ không hài lòng nhiều năm qua. Năm 2024, mức thâm hụt lên tới 361 tỉ USD.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp thuế 25% lên khoảng 300 tỉ USD hàng hóa nước này. Trung Quốc cũng trả đũa bằng chính sách tương tự, đồng thời dừng mua nhiều nông sản Mỹ. Việc này gây xáo trộn chuỗi cung ứng toàn cầu và gây thiệt hại cho kinh tế thế giới.

Để chấm dứt chiến tranh thương mại, năm 2020, Trung Quốc và Mỹ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó, Trung Quốc chấp thuận mua thêm 200 tỉ USD hàng Mỹ mỗi năm. Tuy vậy, kế hoạch này bị đình trệ do đại dịch COVID-19.

Lệnh áp thuế mới của ông Trump sẽ bịt lỗ hổng được các nhà bán lẻ trực tuyến Trung Quốc khai thác

Điểm đáng chú ý là lệnh áp thuế mới với Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump quy định rõ rằng miễn trừ de minimis với các gói hàng nhỏ sẽ không còn được áp dụng. Theo quy định đó, các sản phẩm có giá trị dưới mức 800 USD trước đây có thể vào Mỹ mà không bị đánh thuế, từng là lợi thế lớn cho các nhà bán lẻ thương mại điện tử Trung Quốc, vốn thường xuyên gửi hàng hóa giá rẻ trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ.

Phạm vi đầy đủ của những thay đổi với quy định de minimis (chỉ áp dụng cho thuế quan mới được ban hành hôm 1.2 hay cả các mức thuế thương mại trước đó) vẫn chưa rõ ràng. Một phát ngôn viên Nhà Trắng không trả lời câu hỏi về phạm vi của biện pháp này.

Tuy nhiên, các luật sư thương mại cho biết ngôn ngữ của ông Trump trong việc siết chặt miễn trừ de minimis có thể được áp dụng rộng rãi, thậm chí với các mức thuế hiện hành với Trung Quốc, Canada và Mexico.

Tác động của thay đổi này chủ yếu sẽ ảnh hưởng đến Trung Quốc, cụ thể là các nhà bán lẻ như Alibaba, JD.com, Temu của PDD Holdings và Shein (chuyên về thời trang). Trong 9 tháng đầu năm 2024, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đã nhập khẩu khoảng 48 tỉ USD hàng hóa qua kẽ hở này, theo ước tính của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ (CBP).

Alibaba, JD.com, Shein và Temu vẫn chưa đưa ra bình luận ngay lập tức về vấn đề trên.

Kẽ hở de minimis đã mang lại lợi thế lớn cho các công ty thương mại điện tử có liên kết với Trung Quốc so với các nhà bán lẻ truyền thống và các nền tảng trực tuyến như Amazon.

Temu đặc biệt phát triển mạnh tại Mỹ bằng cách cung cấp các mức giảm giá sâu cho nhiều sản phẩm, với điều kiện khách hàng sẵn sàng chờ đợi khoảng một tuần để nhận hàng. Sàn thương mại điện tử phổ biến này, mà EMarketer ước tính sẽ bán được 30 tỉ USD sản phẩm cho người mua sắm Mỹ trong năm 2025, đã trở thành một lựa chọn thay thế cho Amazon cũng như các chuỗi bán lẻ như Hobby Lobby, Party City và các cửa hàng giá rẻ.

EMarketer là công ty nghiên cứu thị trường chuyên cung cấp dữ liệu, phân tích và dự báo về xu hướng kỹ thuật số, thương mại điện tử, quảng cáo trực tuyến, truyền thông xã hội và hành vi người tiêu dùng trên toàn cầu. Công ty này thường được các doanh nghiệp, nhà quảng cáo và nhà đầu tư sử dụng để hiểu rõ hơn về thị trường kỹ thuật số và đưa ra quyết định chiến lược.

Người tiêu dùng sẵn sàng chờ đợi giao hàng để đổi lấy mức giá rẻ hơn, đi ngược lại mô hình giao hàng nhanh của Amazon. Bằng cách gửi đơn hàng riêng lẻ trực tiếp từ Trung Quốc, họ đã tránh được thuế quan nhờ vào miễn trừ de minimis. Trong khi đó, các chuỗi bán lẻ lớn thường nhập hàng số lượng lớn bằng tàu, khiến họ phải tính thuế vào giá bán cho khách hàng.

Khi giải thích về mức thuế quan mới hôm 1.2, một quan chức cấp cao của chính quyền Trump đã biện minh cho việc chấm dứt miễn trừ de minimis. Ông cho rằng Mỹ mất đi một khoản doanh thu thuế khổng lồ và rằng kẽ hở đó cũng cản trở khả năng của hải quan Mỹ trong việc ngăn chặn fentanyl xâm nhập vào nước này. Thế nhưng, quan chức không nói rõ phạm vi cụ thể của thay đổi.

Các nhà làm luật cảnh báo rằng miễn trừ de minimis khiến fentanyl và các hóa chất tiền chất sản xuất loại thuốc nguy hiểm này dễ dàng vượt qua hải quan, xâm nhập vào Mỹ mà không bị phát hiện.

Các lô hàng có giá trị nhỏ chiếm hơn 1/10 lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, theo nghiên cứu từ các nhà kinh tế học tại tập đoàn tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản).

Tổng khối lượng hàng nhập khẩu theo diện de minimis vào Mỹ đã đạt 1,4 tỉ gói hàng trong năm tài chính 2024, gấp đôi so với 2022, theo Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ. Các nhà bán lẻ giá rẻ trực tuyến như Temu và Shein đã đóng góp đáng kể vào sự gia tăng này.

Nhận thấy khả năng thay đổi, Temu đã bắt đầu vận chuyển hàng loạt sang Mỹ và chịu thuế nhập khẩu để lưu trữ hàng trong kho gần các thành phố lớn, nhằm rút ngắn thời gian giao. Sự điều chỉnh này có thể giúp giảm bớt tác động từ việc thay đổi de minimis, nhưng vẫn sẽ gây áp lực lên mô hình giá rẻ của họ.

Amit Khandelwal, giáo sư thuộc Đại học Yale (Mỹ), cho biết “các lô hàng de minimis quan trọng hơn với người tiêu dùng có thu nhập thấp” và việc loại bỏ miễn trừ này sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho nhóm khách hàng đó.

Mỹ hoãn áp thuế hàng từ Canada, Mexico

Ngày 3.2, Tổng thống Trump bất ngờ thông báo hoãn áp thuế hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico trong 30 ngày.

Thông báo trên được đưa ra sau cuộc điện đàm giữa ông Trump với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết quyết định hoãn là để chờ xem có thể đạt thỏa thuận về kinh tế với nước láng giềng hay không.

Ông Justin Trudeau cũng xác nhận trên mạng xã hội X rằng để đổi lấy quyết định hoãn áp thuế, Canada sẽ thành lập lực lượng chung giữa hai nước phục vụ nỗ lực chống tội phạm và hoạt động mua bán fentanyl, rửa tiền; bổ nhiệm một quan chức chuyên trách vấn đề fentanyl; cùng Mỹ đưa các băng đảng vào danh sách tổ chức khủng bố; phân bổ 200 triệu USD cho loạt công tác nêu trên.

Ông Trump tỏ ý hài lòng trước kết quả đàm phán ban đầu, đồng thời nhắc lại những gì Justin Trudeau cam kết.

Cùng ngày Tổng thống Trump còn ký sắc lệnh hoãn áp thuế hàng Mexico với lý do cần thời gian đánh giá nỗ lực của nước này trong giải quyết vấn đề nhập cư bất hợp pháp và ma túy. Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cho biết vừa có cuộc điện đàm thiện chí với ông Trump và nước này đồng ý lập tức triển khai 10.000 binh sĩ đến biên giới giáp Mỹ. Đổi lại, Mỹ chấp nhận ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí sang Mexico. Hai bên chuẩn bị tổ chức đàm phán sâu hơn.

Hôm 1.2, ông Trump từng ký lệnh áp thuế 25% với hầu hết mặt hàng từ Canada và Mexico. Riêng năng lượng nhập khẩu từ Canada vào Mỹ sẽ bị áp thuế 10%.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trung-quoc-mo-cuoc-dieu-tra-chong-doc-quyen-voi-google-de-dap-tra-thue-quan-tu-ong-trump-228934.html
Zalo