Trung Quốc lần đầu ban hành Luật thúc đẩy kinh tế tư nhân: Cú hích cho tăng trưởng?
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Trung Quốc vừa chính thức ban hành Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân. Luật gồm 9 chương và 78 điều, có hiệu lực từ ngày 20/5 tới.
Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc
Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại, niềm tin thị trường sụt giảm và căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang, Bắc Kinh đã quyết định đặt cược vào khu vực kinh tế tư nhân – vốn được ví như “bộ máy tạo việc làm” và “nguồn lực đổi mới” của đất nước. Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân vừa được thông qua không chỉ là một văn bản pháp lý, mà còn được xem là tuyên bố chính thức cho thấy Trung Quốc đang muốn tái cân bằng chiến lược phát triển kinh tế của mình.
Sức mạnh của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc ngày càng nâng cao. “56789” là những con số được dùng để nêu bật vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội ở nước này. Từ năm 2017, khu vực này đã chiếm hơn 50% nguồn thuế, 60% GDP, hơn 70% thành quả đổi mới công nghệ, hơn 80% việc làm ở thành thị và hơn 90% số lượng doanh nghiệp của nền kinh tế thứ hai thế giới. Cách đây hơn 40 năm khi thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang cấp giấy phép kinh doanh chính thức đầu tiên cho các hộ kinh doanh cá thể vào năm 1980, đây là điều không tưởng ở Trung Quốc. Phát biểu của lãnh đạo cao nhất nước này lúc đó là Đặng Tiểu Bình về việc cho phép “một số khu vực và một số người có thể làm giàu trước để sau đó thúc đẩy và giúp đỡ các khu vực khác và những người khác từng bước cùng giàu (thịnh vượng chung)” hồi tháng 10/1985 khi gặp phái đoàn doanh nhân cấp cao của Mỹ, đã đánh dấu sự “cởi trói” đối với doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc.
Năm 2010, Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Hai năm sau đó, Bảng xếp hạng những người giàu nhất toàn cầu (Hurun Global Rich List) của Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun) ra đời. Theo bảng xếp hạng năm 2012, Mỹ có số lượng tỉ phú USD nhiều nhất thế giới với 27 người, chiếm 1/3 trong tổng số 83 tỉ phú toàn cầu, Trung Quốc vỏn vẹn có 5 doanh nhân. Tuy nhiên, trong bảng xếp hạng năm 2025 vừa công bố hồi cuối tháng 3, số tỉ phú USD của Mỹ vẫn nhiều nhất thế giới với 870 người, nhưng Trung Quốc đã đuổi sát nút với 823 doanh nhân. Trước đó, năm 2024, Trung Quốc từng vượt Mỹ với 814 người, trở thành quốc gia có nhiều tỉ phú USD nhất thế giới, con số này của Mỹ là 800 người.

Ảnh minh họa. Nguồn: VCG
Với sức mạnh như vậy, kinh tế tư nhân đang dần khẳng định vị thế hết sức quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc hiện nay và tương lai. Hồi giữa tháng 2/2025, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp tư nhân hàng đầu nước này từ lĩnh vực truyền thống đến công nghệ, càng khẳng định vai trò và vị thế của khối này, đồng thời phát đi tín hiệu nhằm khôi phục và vực dậy niềm tin của khu vực tư nhân Trung Quốc. Chỉ sau cuộc gặp hơn hai tháng, Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân – bộ luật cơ bản đầu tiên dành riêng cho khu vực tư nhân.
Bộ luật được thông qua vào thời điểm then chốt đối với Trung Quốc, khi nước này chuẩn bị xây dựng kế hoạch 5 năm lần thứ 15 (2026-2030) – giai đoạn bản lề để Trung Quốc hướng tới mục tiêu cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035. Bên cạnh đó, trong bối cảnh lĩnh vực xuất khẩu – trụ cột tăng trưởng lâu nay – bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mức thuế cao từ phía Mỹ, nhu cầu thúc đẩy tiêu dùng nội địa và đầu tư ở nước này đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Việc Trung Quốc luật hóa các quy định đối với doanh nghiệp tư nhân vào thời điểm này là nhằm củng cố niềm tin doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh công bằng và tạo động lực tăng trưởng kinh tế trước áp lực “đấu tranh kinh tế, thương mại quốc tế” ngày càng gia tăng như cách nói của Bộ Chính trị nước này mới đây.
Những điểm then chốt trong Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân
Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân ra đời ở Trung Quốc đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong cách tiếp cận của chính phủ đối với khu vực kinh tế này, tức từ “cam kết về mặt chính sách” sang “bảo vệ về mặt pháp lý”. Đây là lần đầu tiên nguyên tắc “hai không lay chuyển” được quy định rõ trong luật, bao gồm không lay chuyển trong việc củng cố và phát triển khu vực kinh tế công, không lay chuyển trong việc khuyến khích, hỗ trợ và định hướng sự phát triển của khu vực kinh tế ngoài công lập; lần đầu tiên luật nhấn mạnh việc thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân bền vững, lành mạnh và chất lượng cao là chủ trương, chính sách lớn mà nước này thực hiện lâu dài.
Ý nghĩa cốt lõi của sự thay đổi này nằm ở việc đem lại “sự chắc chắn” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, sự “ràng buộc về chính sách” đã được nâng tầm lên “ràng buộc về pháp lý”, mà theo các chuyên gia nước này là trao cho doanh nhân tư nhân một tấm “bùa hộ mệnh”. Nếu như trước đây mỗi khi gặp phải sự đối xử bất công, họ chỉ có thể báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền, thì giờ đây họ có thể trực tiếp sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình. Đây được đánh giá là sự thay đổi về chất.

Công nhân làm việc bên trong một nhà máy ở Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: Xinhua)
Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức của Ủy ban công tác lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc cho biết, luật mới sẽ tạo nền tảng thể chế cho một môi trường kinh doanh “ổn định, công bằng, minh bạch và có thể dự đoán được” dành cho khu vực tư nhân. Quan chức này cũng nhấn mạnh, luật không có hiệu lực hồi tố – điểm được cho là nhằm trấn an giới doanh nhân trước lo ngại về các rủi ro pháp lý liên quan đến hành vi trong quá khứ. Quan chức này khẳng định, bộ luật ra đời đã gửi đi tín hiệu về việc nước này khuyến khích và ủng hộ sự phát triển lớn mạnh của kinh tế tư nhân, đồng thời phản ánh rõ quyết tâm của Trung Quốc trong việc hỗ trợ kinh tế tư nhân.
Kỳ vọng tạo cú hích cho kinh tế tư nhân và sức bật cho nền kinh tế
Theo các chuyên gia Trung Quốc, ý nghĩa của việc ban hành luật không phải là trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp tư nhân, mà là thiết lập địa vị pháp lý cho họ, tăng cường sự bảo vệ đối với họ trong hệ thống pháp luật và thu hẹp các vùng xám.
Luật pháp được ưu tiên hơn chính sách, do vậy khi các doanh nghiệp tư nhân gặp phải phân biệt đối xử về chính sách hoặc đối xử bất hợp lý, họ có thể bảo vệ quyền của mình dựa trên luật pháp. Nếu như trước đây chính sách và quyền lực hành chính ngang nhau, doanh nghiệp tư nhân khó bảo vệ được quyền lợi, thì nay với việc sử dụng luật pháp, cán cân quyền lực đã thay đổi căn bản, điều này giúp đem lại cảm giác an toàn cho doanh nghiệp tư nhân.
Trong hệ thống tư pháp, trước đây, các doanh nhân tư nhân phải tự nộp đơn kiện trước khi cơ quan tư pháp can thiệp và hầu hết các vụ việc đều được xử lý theo góc độ luật dân sự và luật kinh tế. Giờ đây, với tư cách là luật dành riêng, cơ chế hỗ trợ tư pháp sẽ được hoàn thiện, các ràng buộc đối với các cơ quan thực thi pháp luật sẽ chặt chẽ hơn. Nếu hành vi không phù hợp, các cơ quan này có thể bị coi là cố ý vi phạm pháp luật, điều này về cơ bản khác với cách giải quyết tranh chấp dân sự trong quá khứ.

Một doanh nghiệp tư nhân sản xuất xe năng lượng mới ở Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã
Cũng theo phân tích của các chuyên gia Trung Quốc, giá trị cốt lõi của “Luật Thúc đẩy Kinh tế Tư nhân” nằm ở chữ “thúc đẩy”. Một mặt, bộ luật tập trung vào việc xóa bỏ những yếu tố bất lợi kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân trong thời gian qua, phá bỏ những xiềng xích cản trở sự tiến lên của khu vực này. Mặt khác, luật cũng tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến lực lượng sản xuất chất lượng mới, như vấn đề huy động vốn cho các công ty công nghệ.... Những điều này đều nhằm xây dựng các biện pháp, chính sách giúp tăng cảm giác an toàn và tính chắc chắn cho sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân.
Có thể thấy, khi những rào cản về hạn chế tiếp cận thị trường, nợ tồn đọng, khó khăn tài chính và việc bảo vệ quyền lợi doanh nhân... được dỡ bỏ, niềm tin được củng cố, khu vực tư nhân ở Trung Quốc sẽ có nhiều quyền tự do và không gian rộng lớn hơn để phát triển, thậm chí trở thành trụ cột cho khả năng cạnh tranh quốc gia giữa những cơn “gió ngược” về kinh tế và địa chính trị.