Trung Quốc, Indonesia giáo dục và đào tạo AI cho học sinh, người dân
Bộ Giáo dục Trung Quốc vừa đưa ra thông báo về việc tăng cường giáo dục trí tuệ nhân tạo (AI) trong các trường trung và tiểu học, với những trọng tâm đào tạo cụ thể cho từng bậc học. Trong khi đó, Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Indonesia công bố chương trình đào tạo AI cho người dân nước này.
Thông báo Bộ Giáo dục Trung Quốc nêu rõ, các lớp dưới của bậc tiểu học tập trung vào lĩnh hội và trải nghiệm công nghệ AI, trong khi các lớp trên của bậc tiểu học và học sinh trung học cơ sở tập trung vào việc tìm hiểu và ứng dụng công nghệ AI, còn học sinh trung học phổ thông tập trung vào việc tạo dự án và các ứng dụng tiên tiến.
Thông báo cũng đưa ra các yêu cầu tổng thể trong tăng cường giáo dục AI trong trường học, nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức và đáp ứng nhu cầu bồi dưỡng tài năng sáng tạo cho tương lai. Trọng tâm là khơi dậy sự hứng thú và nuôi dưỡng niềm đam mê khoa học, nâng cao kiến thức và kỹ năng kỹ thuật số của học sinh trung và tiểu học.
Các trường được khuyến khích tích hợp giáo dục AI vào các chương trình sau giờ học và thực hành nghiên cứu, thúc đẩy sự kết hợp giữa ngành nghề, nhà trường, nghiên cứu và ứng dụng. Các trường cũng được khuyến khích tích hợp AI vào đời sống cá nhân, khuôn viên trường học và đời sống xã hội của học sinh thông qua nhiều hình thức hoạt động khác nhau để tạo một môi trường giáo dục AI sâu đậm.
Để tăng cường khả năng tiếp cận tài nguyên, mục giáo dục AI cho học sinh trung và tiểu học sẽ được đưa lên nền tảng giáo dục trí tuệ quốc gia, để tập hợp rộng rãi các nguồn lực giáo dục chất lượng cao và thực hiện việc cùng xây dựng, chia sẻ các nguồn lực này.
Thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn cũng là một trọng tâm được đưa ra trong thông báo, với việc tăng cường hỗ trợ cho các trường ở nông thôn và vùng sâu vùng xa. Thông báo khuyến khích các nỗ lực kết nghĩa hỗ trợ giữa các trường học ở thành thị và nông thôn, nhằm chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và nâng cao chất lượng tổng thể về giáo dục AI ở Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Indonesia hợp tác với Microsoft ra mắt một chương trình (elevAIte Indonesia) được thiết kế để nâng cao năng lực sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của người dân Indonesia. Chương trình này nhằm đào tạo cho khoảng 1 triệu công dân Indonesia trong vòng 1 năm.
Phát biểu tại sự kiện ra mắt tại Jakarta, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Kỹ thuật số Meutya Hafid cho biết bà mong muốn chương trình tập trung vào giáo dục Trí tuệ nhân tạo toàn diện này sẽ tiếp cận được mọi tầng lớp xã hội. Chính phủ cần tăng cường năng lực AI của các công chức, đảm bảo cách thức hoạt động của AI để giành được sự ủng hộ của người dân đối với quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chương trình đặt mục tiêu tiếp cận khoảng một triệu người tham gia trong vòng một năm.
Theo bà Meutya Hafid, đào tạo AI cho một triệu công dân Indonesia là chìa khóa để đảm bảo khả năng cạnh tranh của Indonesia trên trường quốc tế. Bà bày tỏ sự lạc quan rằng sự hợp tác giữa chính phủ Indonesia và Microsoft sẽ giúp Indonesia đào tạo ra những tài năng có năng lực kỹ thuật số, những người sẽ định hình tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước. Nhân dịp này, Chủ tịch Microsoft Indonesia Dharma Simorangkir cho biết, elevAIte hướng đến mục tiêu hỗ trợ các nỗ lực của chính phủ, các đơn vị trong ngành, các tổ chức giáo dục và cộng đồng nhằm giúp người dân Indonesia nắm bắt các cơ hội do AI mang lại.
Trong khi đó, Chủ tịch Microsoft ASEAN Andrea Della Mattea nhấn mạnh rằng, AI có tiềm năng đóng góp hơn 366 tỷ USD vào Tổng sản phẩm quốc nội của Indonesia vào năm 2030. Để hiện thực hóa, Indonesia cần mở đường cho sự xuất hiện của nhiều tài năng hơn có khả năng làm chủ các công nghệ số như AI. Microsoft đã chủ động kết nối các bộ, cơ quan, tổ chức và các tổ chức giáo dục để thúc đẩy sự hợp tác nhằm phát triển các kỹ năng công nghệ số của người dân Indonesia.
Indonesia cần tạo ra 9 triệu tài năng kỹ thuật số vào năm 2035 để đối mặt với các thách thức kỹ thuật số và đạt được Tầm nhìn Vàng Indonesia 2045 (Golden Indonesia 2045). Các môn học như Trí tuệ nhân tạo hay mã hóa cũng đang chuẩn bị được đưa vào trường tiểu học tại Indonesia để giúp học sinh sớm tiếp cận với các công nghệ số hiện đại.