Trung Quốc hoàn tất khoan giếng thẳng sâu nhất châu Á

Trung Quốc vừa hoàn thành việc khoan giếng thăm dò khoa học siêu sâu đầu tiên mang tên Shenditake 1, với độ sâu 10.910 mét, trở thành giếng khoan thẳng sâu nhất châu Á và đứng thứ hai thế giới, theo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), đơn vị vận hành giếng khoan này, thông báo vào thứ Năm tuần này.

Giếng thăm dò tại mỏ dầu Tarim đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu khoa học về lòng đất sâu và thăm dò dầu khí siêu sâu của Trung Quốc. Ảnh CNPC

Giếng thăm dò tại mỏ dầu Tarim đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu khoa học về lòng đất sâu và thăm dò dầu khí siêu sâu của Trung Quốc. Ảnh CNPC

Theo website của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, việc khoan thành công giếng thăm dò khoa học tại mỏ dầu Tarim đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nghiên cứu khoa học về lòng đất sâu và thăm dò dầu khí siêu sâu của Trung Quốc, theo ông Vương Xuân Sinh, quản lý của mỏ dầu Tarim thuộc CNPC, đơn vị chịu trách nhiệm khoan giếng.

“Là giếng khoan khoa học đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế để vượt qua độ sâu 10.000 mét, dự án này không chỉ giúp mở rộng năng lực kỹ thuật và công nghệ khoan của Trung Quốc, mà còn tạo nền tảng vững chắc để đẩy mạnh việc thăm dò lòng đất sâu, cũng như phát triển tài nguyên dầu khí siêu sâu”, ông Vương cho biết.

Dự án này, được triển khai tại Khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc, đã chứng minh rằng các thiết bị cốt lõi và công nghệ quan trọng của Trung Quốc trong lĩnh vực khoan siêu sâu có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt ở độ sâu cực lớn.

Lập 5 kỷ lục thế giới về kỹ thuật khoan

Theo CNPC, dự án này đã thiết lập 5 kỷ lục kỹ thuật toàn cầu, bao gồm việc ghi hình cáp quang ở độ sâu lớn nhất và tốc độ khoan nhanh nhất trên đất liền vượt mốc 10.000 mét.

Ông Hạo Phương, viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho biết mỏ dầu Tarim nằm giữa dãy Thiên Sơn và Côn Lôn, là một trong những khu vực có điều kiện thăm dò khắc nghiệt nhất, do địa hình phức tạp và điều kiện lòng đất khó đoán.

“Việc triển khai kỹ thuật khoan sâu này sẽ mở ra các khu vực tài nguyên thay thế mới và góp phần tăng cường an ninh năng lượng cho Trung Quốc”, ông Hạo nhận định.

Trung Quốc đẩy mạnh tự chủ năng lượng

Trong những năm gần đây, các tập đoàn dầu khí lớn của Trung Quốc đang gia tăng nỗ lực trong việc thăm dò và khai thác dầu khí trong nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng quốc gia.

Nhờ đó, tỷ lệ phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm 0,5% vào năm ngoái, xuống còn 71,9%, theo số liệu ngành.

Ngoài ra, lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm 1,9% trong năm 2024, chỉ đạt 553,4 triệu tấn (tương đương 11,04 triệu thùng/ngày), thấp hơn mức kỷ lục 11,28 triệu thùng/ngày của năm 2023, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Việc Trung Quốc liên tục đẩy mạnh các tiến bộ công nghệ trong khai thác dầu khí đã góp phần đáng kể vào việc giảm sự phụ thuộc vào dầu nhập khẩu.

Theo ông Lư Như Toàn, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế & Công nghệ của CNPC, Trung Quốc đang tăng cường khai thác dầu khí trong nước như một chiến lược dài hạn nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và đảm bảo an ninh năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu biến động và tình hình địa chính trị bất ổn.

“Dự án khoan này, bắt đầu từ ngày 30/5/2023, không chỉ là một cột mốc quan trọng trong việc phát triển tài nguyên năng lượng của Trung Quốc, mà còn thể hiện năng lực công nghệ ngày càng tiên tiến trong lĩnh vực khoan siêu sâu, vốn trước đây do các tập đoàn năng lượng hàng đầu thế giới thống trị”, ông Lư khẳng định.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/trung-quoc-hoan-tat-khoan-gieng-thang-sau-nhat-chau-a-724420.html
Zalo