Trung Quốc gọi video 5G từ vệ tinh đến điện thoại đầu tiên thế giới: Thách thức lệnh cấm TikTok của Mỹ?

Bước đột phá này sẽ đối mặt với những rào cản lớn về quy định và công nghệ, theo nhận định từ các chuyên gia.

Công nghệ giúp truyền phát nội dung video trực tiếp đến smartphone qua vệ tinh sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể.

Công nghệ giúp truyền phát nội dung video trực tiếp đến smartphone qua vệ tinh sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản đáng kể.

Cuộc gọi video băng thông rộng 5G trực tiếp đầu tiên trên thế giới từ vệ tinh đến smartphone, do các nhà khoa học tại Trung Quốc thực hiện, đã làm dấy lên những câu hỏi mới về hiệu quả từ lệnh hạn chế của Mỹ với các ứng dụng như TikTok.

Về mặt lý thuyết, công nghệ này có thể cho phép truyền phát nội dung video trực tiếp đến smartphone qua vệ tinh. Nếu video TikTok có thể truyền trực tiếp từ vệ tinh đến smartphone thì Mỹ không thể ngăn chặn dữ liệu qua các nhà mạng nội địa như trước. Khi đó, cơ chế cấm sẽ trở nên kém hiệu quả, vì không còn "đi qua đất Mỹ” để mà chặn.

Tuy nhiên, một chuyên gia Trung Quốc về tiêu chuẩn 5G cho biết công nghệ nêu trên vẫn phải đối mặt với những rào cản lớn về mặt quy định, kỹ thuật và thực tiễn.

Cuộc thử nghiệm đã được thực hiện vào đầu tháng 5 bằng một vệ tinh trình diễn công nghệ mới, theo ông Liang Baojun, người đứng đầu China Satellite Network Group (China SatNet) - một doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc

China SatNet chịu trách nhiệm triển khai chòm sao internet Guowang (Mạng Vệ tinh Quốc gia) với 13.000 vệ tinh, nhằm cạnh tranh với Starlink của SpaceX (Mỹ).

"Chúng tôi đã hoàn thành thử nghiệm dựa trên tiêu chuẩn mạng 5G phi mặt đất (NTN) và xác thực các yếu tố cốt lõi của kiến trúc mạng tích hợp không gian-mặt đất", Liang Baojun phát biểu tại Hội nghị Hợp tác Hệ sinh thái Bắc Đẩu Hùng An gần đây, trong lần xuất hiện công khai đầu tiên hiếm hoi kể từ khi nhậm chức Tổng giám đốc China SatNet vào tháng 1. Ông không cung cấp thêm chi tiết.

5G NTN là một phần mở rộng của chuẩn 5G, cho phép thiết bị di động như smartphone kết nối trực tiếp với vệ tinh, máy bay không người lái (UAV), khinh khí cầu và các nền tảng không gian khác thay vì chỉ qua trạm phát sóng mặt đất như trước đây.

Việc áp dụng tiêu chuẩn 5G NTN đồng nghĩa smartphone đã kết nối với vệ tinh theo các thông số kỹ thuật 5G được quốc tế công nhận, không cần phần cứng đặc biệt. Điều này mở đường cho các dịch vụ vệ tinh trong tương lai hoạt động trên smartphone thông thường.

Mục tiêu của 5G NTN là cung cấp vùng phủ sóng di động cho các khu vực xa xôi nhất bằng cách kết nối smartphone với các vệ tinh hoặc nền tảng khác trong quỹ đạo, thay vì phụ thuộc vào trạm phát sóng mặt đất truyền thống. Nhu cầu nayy2 được thúc đẩy bởi mong muốn kết nối toàn cầu trong các lĩnh vực hàng hải, hàng không, quốc phòng, cứu trợ khẩn cấp và hệ thống tự động.

Vào tháng 4.2024, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật, được Tổng thống Mỹ khi đó là ông Joe Biden ký thành luật, yêu cầu tập đoàn ByteDance bán lại TikTok cho một công ty không thuộc Trung Quốc trong vòng 270 ngày. Nếu không làm vậy, ứng dụng TikTok có thể bị cấm tại Mỹ sau ngày 19.1.

Kể từ khi quay trở lại Nhà Trắng hôm 20.1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn lệnh cấm TikTok hai lần, với thời hạn mới nhất được ấn định là ngày 19.6.

"Không thể sử dụng mạng vệ tinh để lách giám sát quy định”

Theo một nhà phân tích 5G thuộc hãng tư vấn viễn thông quốc tế IDC, các nhà khai thác mạng vệ tinh bắt buộc phải có giấy phép và chịu sự quản lý theo quy định, nghĩa là họ không thể sử dụng mạng vệ tinh để lách giám sát quy định, trang SCMP đưa tin.

"Hơn nữa, dung lượng băng thông của bộ thu phát tín hiệu vệ tinh vẫn còn rất hạn chế. Việc truyền tải một lượng lớn dữ liệu video qua đó là không thực tế", nhà phân tích này nhận định, yêu cầu giấu tên.

"Vệ tinh chắc chắn là phần bổ sung cho các mạng mặt đất. Với một quốc gia như Trung Quốc, nơi mạng lưới mặt đất đã phát triển tốt, chắc chắn sẽ có những kịch bản mà kết nối vệ tinh sẽ được sử dụng, nhưng không trở thành xu hướng chủ đạo. Nếu sử dụng vệ tinh địa tĩnh, khoảng cách là khá xa và độ trễ bị giới hạn bởi tốc độ ánh sáng - khởi điểm khoảng 400 miligiây. Nếu là vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), cần một số lượng lớn vệ tinh để có vùng phủ sóng đủ tốt và điều đó vẫn cần thời gian để triển khai", nhà phân tích bình luận thêm.

Các chức năng cơ bản

Đến nay, hầu hết thử nghiệm truyền thông vệ tinh trực tiếp đến smartphone đều tập trung vào các chức năng cơ bản như nhắn tin văn bản và cuộc gọi thoại.

Năm 2020, công ty Lynk Global (ở bang Virginia, Mỹ) đã gửi tin nhắn văn bản đầu tiên từ vệ tinh quay quanh Trái đất đến một điện thoại di động tiêu chuẩn dưới mặt đất.

Năm ngoái, SpaceX (do Elon Musk điều hành) phối hợp với hãng viễn thông T-Mobile (Mỹ) gửi và nhận tin nhắn văn bản thành công qua các vệ tinh Starlink mới phóng. Tuy nhiên, hệ thống này sử dụng công nghệ tùy chỉnh thiết kế riêng cho mạng và thiết bị đó, chứ không dựa trên tiêu chuẩn 5G toàn cầu.

Thị trường cho 5G NTN tăng trưởng nhanh

Tiêu chuẩn 5G NTN, được phát triển bởi tổ chức viễn thông quốc tế 3rd Generation Partnership Project (3GPP), cho phép kết nối vệ tinh đến điện thoại trực tiếp trong khi vẫn đảm bảo tính tương thích giữa các mạng, nhà sản xuất và thiết bị. Đây được xem là yếu tố then chốt trong việc thương mại hóa kết nối di động dựa trên không gian.

Thị trường toàn cầu cho 5G NTN đã tăng trưởng nhanh chóng, với giá trị ước tính năm 2025 lên đến 8 tỉ USD và dự báo có thể đạt 80 tỉ USD vào 2030, theo các nhà phân tích.

Những công ty lớn trong lĩnh vực đang nổi này có doanh nghiệp Mỹ như Lynk Global, AST SpaceMobile và SpaceX, cùng với Samsung (Hàn Quốc), MediaTek (Đài Loan) và Thales Group (Pháp).

Tại Trung Quốc, các nỗ lực đưa truyền thông vệ tinh vào ứng dụng thực tế không chỉ do China SatNet dẫn đầu, mà còn có sự góp mặt của một thực thể mới là China Spatiotemporal Information Group (CSTI), được thành lập tháng 5.2024.

CSTI đã tập hợp China SatNet, China Mobile và công ty quốc phòng nhà nước Norinco để đẩy nhanh quá trình tích hợp internet vệ tinh, hệ thống định vị Bắc Đẩu với cơ sở hạ tầng dữ liệu thời gian thực

CSTI có nhiệm vụ chuyển đổi các hệ thống không gian ngày càng phát triển của Trung Quốc thành các ứng dụng thực tiễn cho hậu cần, năng lượng, đô thị thông minh, ứng phó thiên tai và quốc phòng. Điều này đánh dấu bước chuyển mình của CSTI từ xây dựng hạ tầng sang phát triển hệ sinh thái toàn diện chỉ sau một năm thành lập.

Vệ tinh địa tĩnh là loại vệ tinh nhân tạo bay quanh Trái Đất ở một quỹ đạo đặc biệt khiến nó dường như đứng yên một chỗ trên bầu trời khi quan sát từ bề mặt Trái Đất.

Để đạt được trạng thái "đứng yên" này, vệ tinh địa tĩnh phải thỏa mãn các điều kiện sau:

- Quỹ đạo tròn và nằm trên mặt phẳng xích đạo: Vệ tinh phải bay theo một quỹ đạo tròn hoàn hảo. Mặt phẳng quỹ đạo này phải trùng với mặt phẳng xích đạo của Trái Đất.

- Độ cao cố định: Vệ tinh phải ở độ cao khoảng 35.786 km so với mực nước biển trung bình (tính từ tâm Trái đất là khoảng 42.164 km). Đây là độ cao duy nhất mà tại đó, lực hấp dẫn của Trái đất đủ để giữ vệ tinh trên quỹ đạo với tốc độ quay phù hợp.

- Tốc độ và hướng quay đồng bộ với Trái đất: Vệ tinh phải quay quanh Trái đất theo cùng hướng với sự tự quay của Trái đất (từ Tây sang Đông) và cùng một chu kỳ (khoảng 24 giờ, hay chính xác hơn là một ngày thiên văn – 23 giờ 56 phút 4 giây).

Tại sao vệ tinh địa tĩnh lại quan trọng?

Vì khả năng duy trì vị trí cố định này, vệ tinh địa tĩnh vô cùng hữu ích cho nhiều ứng dụng.

Viễn thông: Các vệ tinh truyền hình, điện thoại, internet thường được đặt trên quỹ đạo địa tĩnh. Nhờ đó, các ăng ten trên mặt đất không cần phải di chuyển để theo dõi vệ tinh, mà chỉ cần hướng cố định vào vị trí của nó trên bầu trời, giúp việc truyền nhận tín hiệu trở nên ổn định và dễ dàng hơn.

Dự báo thời tiết: Các vệ tinh khí tượng địa tĩnh liên tục cung cấp hình ảnh và dữ liệu về mây, bão và các hiện tượng thời tiết khác trên một khu vực rộng lớn, giúp nhà khí tượng đưa ra dự báo chính xác và kịp thời.

Giám sát: Một số vệ tinh giám sát, quan sát Trái đất cũng sử dụng quỹ đạo địa tĩnh để liên tục theo dõi một khu vực cụ thể.

Với những ưu điểm này, vệ tinh địa tĩnh đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc sống hiện đại, kết nối thế giới và hỗ trợ nhiều lĩnh vực thiết yếu.

(Theo 1thegioi.vn)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/28/350557/trung-quoc-goi-video-5g-tu-ve-tinh-den-dien-thoai-dau-tien-the-gioi-thach-thuc-lenh-cam-tiktok-cua-my.aspx
Zalo