Trung Quốc dùng robot để phát triển du lịch

Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong 2 tháng đầu năm 2025, sản lượng robot dịch vụ tại Trung Quốc đã tăng vọt 35,7% lên gần 1,5 triệu robot, trong đó có nhiều robot du lịch, dịch vụ ăn uống.

Robot trở thành chất xúc tác cho sự đổi mới trong ngành du lịch

Robot trở thành chất xúc tác cho sự đổi mới trong ngành du lịch

Trong kỳ nghỉ lễ Thanh Minh năm nay, nhiều du khách không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp robot tương tác xuất hiện tại các điểm du lịch nổi tiếng tại Trung Quốc.

Robot từ chỗ chỉ là “điểm nhấn công nghệ”, giờ đây trở thành chất xúc tác cho sự đổi mới trong ngành du lịch văn hóa, được triển khai quy mô tại hàng loạt danh lam thắng cảnh cũng như thành phố lớn trong thời gian ngắn.

Tại thành phố Thâm Quyến, xuất hiện một quán mì hoàn toàn tự động, thu hút sự chú ý của nhiều thực khách. Quán mì có tên Future Noodle Restaurant, với diện tích chỉ vỏn vẹn 8m2 nhưng phục vụ hơn 10 loại mì khác nhau.

Điểm đặc biệt của quán là toàn bộ quá trình chế biến đều do robot đảm nhiệm, giúp mỗi bát mì được chuẩn bị chỉ trong 48 giây, với giá khởi điểm chỉ từ 9,9 - 20 nhân dân tệ (tương đương 35.000 - 70.000 đồng).

Khách hàng sẽ đặt món qua ki ốt tự động, thanh toán và có thể quan sát toàn bộ quy trình chế biến qua cửa sổ trong suốt.

Công ty đứng sau công nghệ này là Wanjie Intelligent, họ mất 10 năm để phát triển máy làm mì tự động, với giá mỗi chiếc khoảng 330.000 nhân dân tệ (46.000 USD). Máy có khả năng làm 120 bát mì mỗi giờ.

Nhờ hoạt động liên tục 24/7, hệ thống này giúp giảm đáng kể chi phí nhân công. Nhiều thực khách nhận xét bát mỳ có hương vị thơm ngon, thịt bò cũng rất tươi và mềm.

Theo tờ The Paper, tại khu danh thắng núi Thái Sơn, những chú chó robot đã được ban quản lý núi Thái Sơn sử dụng để vận chuyển hàng hóa và rác thải. Theo thiết kế, chú chó này có thể mang được khối hàng nặng tối đa 120 kg.

Trong quá trình di chuyển, nó phát ra giọng nói: “Cùng nhau nỗ lực để núi Thái Sơn sạch hơn”, nhằm nhắc nhở du khách giữ vệ sinh môi trường. Ưu điểm của chó robot là hoạt động liên tục từ 4 - 6 tiếng mới hết pin, có thể thích ứng với nhiều kiểu địa hình, vận tốc di chuyển ổn định.

Không chỉ riêng Thái Sơn, các địa danh như núi Hanshan, Baishishan, Helan (Ngân Xuyên), Hoàng Sơn (An Huy), Quý Cổ Lĩnh (Thiểm Tây), hay Linh Sơn (Giang Tây) cũng đã triển khai hoặc lên kế hoạch áp dụng công nghệ này.

Tại núi Nga Mi, robot khung xương đang được thử nghiệm nhằm tạo thêm trải nghiệm thú vị và hỗ trợ khách leo tới các điểm như Đền Vạn Niên hay Kim Đỉnh.

Trong khi đó, tại núi Yandang (Ôn Châu), từ trước dịp Tết Thanh minh, khu danh thắng này đã đưa vào vận hành một robot hình người và năm chó robot. Ở một số điểm du lịch nổi tiếng như thác Dalongqiu hay đỉnh Lingfeng, robot xuất hiện để chào đón khách, chụp ảnh và biểu diễn tương tác.

Theo ông Ye Jintao, Phó Giám đốc Ban quản lý du lịch núi Yandang, trong tương lai họ sẽ phát triển hình tượng robot gắn với văn hóa truyền hình như các bộ phim, kết hợp livestream, phim ngắn và trải nghiệm thực tế.

Cũng nhằm phục vụ khách du lịch, Bảo tàng Khoa học Công nghệ Robot Tương lai tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đã phát triển những robot hình người với thiết kế và kiểu dáng giống người thật, nhờ lớp da silicon sinh học tự nhiên.

Đặc biệt, bảo tàng còn “hồi sinh” các nhân vật nổi tiếng như nhà văn Lỗ Tấn, nhà khoa học Albert Einstein, CEO Apple Steve Jobs… dưới hình hài các robot sinh học.

EX-Robots, công ty công nghệ xây dựng và quản lý bảo tàng, cũng đang tìm cách mô phỏng giọng nói của những người nổi tiếng để sử dụng cho các robot này.

Nhiều du khách cho biết họ có cảm giác như bước vào thế giới của các bộ phim khoa học viễn tưởng, nơi robot hiện diện và dần thay thế con người. Du khách cũng có thể đứng vào máy quét 3D để tạo ra robot mang gương mặt của chính mình.

Tại các thành phố lớn, hình ảnh những robot với đủ mọi hình dáng khác nhau đi tuần tra an ninh trật tự trên đường phố đã trở nên quen thuộc với du khách.

Chẳng hạn robot RT-G của Logon Technology có trụ sở tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông được điều khiển bởi trí tuệ nhân tạo (AI), có thể giúp nhận dạng nghi phạm thông qua nhận dạng khuôn mặt và thông báo cho cơ quan thực thi pháp luật về hoạt động đáng ngờ.

Trung tuần tháng 3 vừa qua, một số video được đăng tải trên TikTok cũng xác nhận một lực lượng đặc nhiệm đang tuần tra trên phố cùng robot RT-G ở thành phố ven biển Ôn Châu, phía Đông Nam tỉnh Chiết Giang và Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

Theo bài viết trên tờ People’s Daily, robot RT-G có thời lượng pin là 10 giờ đồng hồ, có thể di chuyển với tốc độ lên tới 21 dặm một giờ và có nút bấm SOS để du khách kêu gọi cứu trợ khẩn cấp.

Cũng trong tháng 3, một robot hình người mặc đồng phục cảnh sát cũng đã được triển khai thử nghiệm tại một số khu vực công cộng ở Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang và nhận được những phản hồi tích cực từ du khách.

Khi được đặt ở một góc đường, robot này luôn mỉm cười nói: “Xin chào. Tôi ở đây để hỗ trợ bạn. Tôi có thể giúp gì cho bạn?”.

Được phát triển dựa trên AI, robot này có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ đa dạng, từ quản lý an ninh công cộng, tuần tra đường phố, đến chỉ đường, cung cấp thông tin và hỗ trợ khẩn cấp.

Trước đó, Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc đã ban hành “Chỉ đạo về phát triển và đổi mới robot hình người”. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ sản xuất hàng loạt robot hình người để ứng dụng vào các lĩnh vực đặc biệt.

Đến năm 2027, robot hình người sẽ trở thành động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế tương lai của đất nước này.

ĐÔNG MAI

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/trung-quoc-dung-robot-de-phat-trien-du-lich-128009.html
Zalo