Trung Quốc đón tin vui về kinh tế

Giá tiêu dùng ở Trung Quốc trong tháng 1 vừa qua tăng với tốc độ nhanh nhất trong 5 tháng trở lại đây - một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang chật vật vì xu hướng giảm cầu.

CPI của Trung Quốc trong tháng 1 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Yonhap

CPI của Trung Quốc trong tháng 1 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Yonhap

Dữ liệu chính thức do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố hôm 9/2 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 1 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 0,4% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters. Đáng chú ý hơn, lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và nhiên liệu biến động) đã tăng 0,6% trong tháng 1, từ mức 0,4% của tháng trước đó.

Nhà phân tích cấp cao Zhou Rong tại Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói với tờ Global Times hôm 9/2 rằng nhu cầu tiêu dùng trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là yếu tố chính thúc đẩy CPI tăng và các chính sách kích cầu của chính phủ thời gian gần đây đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn cần phải chống lại áp lực giảm phát và phục hồi nhu cầu trong bối cảnh đang chịu sức ép từ mức thuế quan mới vừa được Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc đầu tháng này.

Theo ông Bruce Pang, Phó giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh CUHK ở Hồng Kông (Trung Quốc), các tỉnh của Trung Quốc đã công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 với mức tăng giá mục tiêu trung bình dưới 3%. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang dự đoán những thay đổi và áp lực lên giá tiêu dùng.

Chính quyền Bắc Kinh cũng đã đưa chương trình "Thúc đẩy giá cả phục hồi hợp lý" vào danh sách các hướng dẫn sau Hội nghị Công tác kinh tế trung ương Trung Quốc diễn ra từ ngày 11-12/12/2024.

Chuyên gia kinh tế trưởng Li Chao tại Zheshang Securities nhận định thông báo này báo hiệu ưu tiên của chính phủ Trung Quốc trong việc giải quyết tình trạng giảm phát dai dẳng trong năm 2025.

Các nhà phân tích cho biết áp lực giảm phát có khả năng sẽ tiếp diễn ở Trung Quốc trong năm nay, trừ khi các nhà hoạch định chính sách có thể khơi dậy lại nhu cầu trong nước vốn đang trì trệ. “Mặc dù CPI của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng dần, nhưng chỉ số giá sản xuất (PPI) khó có thể quay trở lại mức dương trong ngắn hạn vì tình trạng dư thừa công suất hàng công nghiệp vẫn tiếp diễn” - chuyên gia kinh tế cấp cao Xu Tianchen tại Economist Intelligence Unit nhận định.

Theo vị chuyên gia này, nếu đo bằng chỉ số giảm phát GDP, vẫn phải mất vài quý nữa mới thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Theo số liệu mới nhất, ngành sản xuất chế tạo của Trung Quốc bất ngờ giảm mạnh vào tháng 1, trong khi hoạt động dịch vụ suy yếu và đòi hòi duy trì nhu cầu kích thích kích thích nhiều hơn. Chỉ số giá sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 1 đã giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức giảm của tháng 12/2024 và sâu hơn mức giảm dự báo 2,1%. Giá cả tại cổng nhà máy vẫn duy trì ở mức giảm phát trong 28 tháng liên tiếp.

Citic Securities dự báo CPI của Trung Quốc sẽ tăng 0,3% trong năm nay và mức giảm của chỉ số giá sản xuất được thu hẹp xuống còn 1,4%. Ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh chỉ rõ áp lực về nhu cầu khi nói rằng "sự suy thoái trong việc khởi công xây dựng nhà ở mới có thể chưa chạm đáy" và sản xuất thiết bị trung gian đang phải đối mặt với nhu cầu bên ngoài giảm.

Trong khi đó, ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch công ty quản lý tài sản Pinpoint Asset Management, cho rằng chính phủ Trung Quốc không dự kiến thay đổi chính sách tiền tệ hoặc tài khóa trước kỳ họp quốc hội thường niên vào tháng 3. "Đối với các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, sự bất ổn bên ngoài dường như được xếp hạng cao hơn những thách thức kinh tế trong nước ở giai đoạn này," ông Zhang cho hay.

Nguyễn Thu

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/trung-quoc-don-tin-vui-ve-kinh-te.html
Zalo