Trung Quốc: Dạy thêm 'rục rịch' trở lại
Trung Quốc được cho là đang nới lỏng hạn chế đối với các trung tâm, dịch vụ gia sư tư nhân trong bối cảnh đất nước nỗ lực phục hồi kinh tế.
Các chuyên gia dự đoán điều này nhằm hồi sinh lĩnh vực dạy thêm đã bị ảnh hưởng nặng nề từ chính sách thắt chặt quản lý của chính phủ từ 3 năm trước.
Duy trì hoạt động
Hãng Reuters thông tin nhiều nhà hoạch định đang ngầm “mở cửa” cho ngành dạy thêm tư nhân phục hồi dù Chính phủ Trung Quốc chưa đưa ra bất kì thông báo thay đổi chính sách nào đối với các trung tâm học thêm, gia sư. “Đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tạo việc làm và thúc đẩy nền kinh tế”, chuyên gia của Reuters cho biết.
Phụ huynh Lee, sống tại miền Nam Trung Quốc nói: Khi các chính sách được ban hành, các trung tâm sợ bị phạt nên hoạt động trong bóng tối nhưng giờ đây, có vẻ họ quyết định không thể tiếp tục tình trạng như vậy nữa.
Từ năm 2021, Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách “giảm kép”, gồm 2 quy định. Thứ nhất, các trung tâm dạy thêm, gia sư tư nhân không được phép hoạt động vào ngày lễ, sau 8 giờ tối và cuối tuần. Thứ hai, trường học phải giảm khối lượng và độ khó của bài tập về nhà.
Riêng hoạt động dạy thêm có nhiều chính sách kiểm soát nghiêm ngặt hơn, dẫn đến nhiều trung tâm phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình hoạt động. Đơn cử, các trung tâm không được phép quảng cáo “lố” so với thực tế, không thu học phí giá cắt cổ hoặc đóng trước dài hạn, không cho người nước ngoài hoặc tổ chức nước ngoài mở trung tâm.
Động thái này đã xóa sổ lĩnh vực dạy thêm tư nhân trị giá hàng tỷ USD với những tên tuổi trung tâm nổi tiếng như New Oriental Education & Technology Group hay TAL Education Group. Ước tính, hàng chục nghìn người lao động trong lĩnh vực trên mất việc làm. Trước các chính sách thắt chặt, ngành dạy thêm tư nhân của Trung Quốc được định giá khoảng 100 tỷ USD và 3 tập đoàn giáo dục lớn nhất có hơn 170 nghìn nhân lực.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp dạy thêm vẫn kiên cường duy trì hoạt động trong 3 năm qua. Nhiều phụ huynh không ngại khó khăn tìm cách đăng kí vào các lớp học “chui” để con cái gia tăng lợi thế học tập trong hệ thống giáo dục cạnh tranh khốc liệt. Chị Michelle Lee, 36 tuổi, là một ví dụ.
Sống ở miền Nam Trung Quốc, chị Lee đã bỏ ra 3 nghìn nhân dân tệ mỗi tháng cho các lớp học thêm sau giờ học chính khóa của con trai và con gái. Các lớp học này gồm gia sư Toán một kèm một và Tiếng Anh trực tuyến. Cho con theo học từ khi các trung tâm dạy thêm phải đóng cửa vì “giảm kép”, chị Lee nhận thấy hiện nay, việc học thêm đã công khai hơn so với năm 2021.
Trong môi trường giáo dục áp lực cao như Trung Quốc, phụ huynh bắt buộc phải đăng kí học thêm cho con cái để chúng theo kịp bạn bè, cải thiện điểm số và tăng cơ hội trúng tuyển các trường tốp đầu.
Bỏ ngỏ lệnh cấm
Bộ Giáo dục Trung Quốc chưa trả lời các câu hỏi về cách tiếp cận của nước này đối với ngành gia sư. Tại một cuộc họp báo của Bộ Giáo dục gần đây, ông Liu Xiya - đại biểu cơ quan lập pháp Trung Quốc kiêm Chủ tịch nhóm giáo dục tại Trùng Khánh chia sẻ với truyền thông địa phương rằng, “những điểm khó khăn” trong chính sách giáo dục đang dần được giải quyết.
Ông Lynn Song - nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING, dự đoán Trung Quốc sẽ nới lỏng quản lý các trung tâm tư nhân để quản lý tốt hơn. Ông Song cho biết: “Môi trường chính sách chung đã chuyển từ hạn chế sang hỗ trợ vì mục tiêu chính hiện nay là ổn định. Ngành gia sư sẽ được hưởng lợi từ sự nới lỏng này”.
Hai giám đốc điều hành tại các trung tâm gia sư lớn nhận định các động thái của chính phủ nhằm nới lỏng chính sách đã được đẩy nhanh trong những tháng gần đây. Đáng chú ý nhất vào tháng 8, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc quyết định đưa dịch vụ giáo dục vào kế hoạch 20 năm nhằm thúc đẩy tiêu dùng, khía cạnh quan trọng để thúc đẩy kinh tế. Động thái trên đã đẩy giá cổ phiếu của các công ty giáo dục lên cao trong bối cảnh hơn 11 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học bước vào thị trường việc làm.
Thông báo được đưa ra sau dự thảo hướng dẫn của Bộ Giáo dục Trung Quốc vào tháng 2, trong đó nêu rõ các loại hình gia sư ngoài trường học được phép hoạt động. Ngoài ra, hoạt động thanh tra các trung tâm dạy thêm hiện nay đã giảm đáng kể so với thời kì đầu ban hành chính sách.
Mô hình tuyển dụng và những động thái khác của các công ty giáo dục niêm yết cho thấy sự mở rộng của ngành trong năm nay. Theo công ty nghiên cứu Plenum China, giấy phép hoạt động của các trung tâm gia sư ngoại khóa vì mục đích lợi nhuận đã tăng 11,4% từ tháng 1 đến tháng 6.
Theo dữ liệu từ các báo cáo thường niên của Plenum China và đánh giá của Reuters về danh sách việc làm trên các nền tảng việc làm lớn của Trung Quốc, TAL và New Oriental đã tuyển dụng hàng nghìn vị trí trong năm nay. 2 trung tâm này đang mở cửa lại nhiều chi nhánh đã phải đóng cửa trong năm 2021.
Cả hai nhà quản lý cho biết thông điệp họ nhận được từ quan chức Trung Quốc từ tháng 8 là ngành gia sư vẫn được quản lý chặt chẽ nhưng có con đường rộng hơn để hoạt động minh bạch và thành công, miễn là nhà điều hành không phớt lờ các quy định giáo dục cốt lõi.
Giải quyết thất nghiệp
Còn bà Claudia Wang - quản lý giáo dục châu Á tại công ty tư vấn Oliver Wyman cho biết, chính phủ đang đặt hy vọng vào ngành Giáo dục để giúp giải quyết tình trạng thất nghiệp “siêu cao” ở giới trẻ.
Một lý do khác khiến ngành công nghiệp này hồi sinh là vì nó không thể bị xóa bỏ. Trong thời gian Trung Quốc triển khai chính sách “giảm kép”, các trung tâm vẫn hoạt động chui, thu học phí giá “cắt cổ”. Cuộc đua giáo dục vẫn hoạt động mạnh mẽ chỉ là dưới hình thức ngầm.
Chính điều này lại khoét sâu vào bất bình đẳng giáo dục vì các gia đình giàu có vẫn có khả năng chi trả học thêm chui nhưng các gia đình thu nhập thấp, khó khăn, gia đình nông thôn không có quyền tiếp cận.
Trên thực tế, các trung tâm dạy thêm tư nhân, dù đã giảm, vẫn tiếp tục tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau để “lách luật”. Ví dụ, các khóa học liên quan về Toán học thường được tiếp thị là “tư duy logic”.
Lisa - nhà quản lý một trung tâm dạy thêm tiếng Anh ở tỉnh Chiết Giang, đã thay đổi mô tả về chương trình học để phù hợp với quy định cấm giảng dạy các môn học chính khóa như Toán, Tiếng Anh.
Sau chính sách, trung tâm của Lisa phải sa thải khoảng 60% nhân viên nhưng họ vẫn duy trì hoạt động bằng cách chuyển sang đào tạo các khóa học liên quan đến khoa học bằng tiếng Anh, nhưng không gọi tên là “lớp học tiếng Anh”.
Tại các đô thị loại một như Bắc Kinh hay Thượng Hải, một số gia sư hiện nay tính phí tới 3.000 nhân dân tệ cho một giờ học. Con số này cao gấp 10 lần trước đây và bằng khoảng 1/4 mức lương hàng tháng của người lao động chân tay. Vì lý do này, anh Gong Erkang đã ngừng cho 2 con học thêm.
Ông bố cho hay: “Tôi cảm thấy bất lực. Trước đây, tôi có thể gửi con học thêm đại trà nhưng giờ thì không còn gì cả. Chính sách “giảm kép” ảnh hưởng mạnh nhất đến các gia đình bình thường trong khi những gia đình giàu có luôn tìm ra cách”.
Trong khi đó, hình thức học một kèm một lại phát triển mạnh mẽ. Phụ huynh có khả năng chi trả mức học phí cao đã thuê gia sư đến nhà. Điều đó khiến các phụ huynh như Yang Zengdong, bà mẹ hai con ở Thượng Hải lo lắng. Chị Yang cho biết chính sách đã đẩy các gia đình vào lựa chọn khó khăn là bỏ 800 nhân dân tệ thuê gia sư riêng hay tự dành hàng giờ mỗi ngày kèm con học.
Bài học còn đó
Câu chuyện của Trung Quốc là vấn đề mà Hàn Quốc đã trải qua trong nhiều năm liên tiếp khi muốn trấn áp nạn dạy thêm, học thêm. Các trung tâm dạy thêm ở Hàn Quốc, còn gọi là hagwon, được thành lập lần đầu tiên vào năm 1885 bởi nhà truyền giáo người Mỹ Henry Appenzeller. Che giấu dưới vỏ bọc truyền giáo, người này đã tổ chức dạy tiếng Anh cho công dân Hàn Quốc.
Năm 1980, Tổng thống Chun Doo-hwan đã cấm tổ chức dạy thêm ngoài giờ học. Mục tiêu của ông giống với Trung Quốc hiện nay, là xây dựng môi trường giáo dục công bằng, giảm áp lực tài chính của phụ huynh. Ý tưởng bình đẳng giáo dục nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người dân cả nước. Cùng năm, chính phủ triển khai ý tưởng đồng phục trong trường học để xóa bỏ sự phân biệt giai cấp.
Lệnh cấm kéo dài khoảng 10 năm, đến khi sinh viên đại học được phép làm thêm gia sư. Chính phủ cũng cấp phép cho một số tổ chức giáo dục tư nhân. Nhưng việc dạy thêm vẫn được coi là vi phạm pháp luật. Trong những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc thường xuyên truy quét, xử lý nặng giáo viên cố ý dạy thêm. Một số người thậm chí phải ngồi tù.
Tuy nhiên, kế hoạch của chính phủ không thành công vì tầng lớp giàu có liên tục tìm cách lách luật. Năm 1998, Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc gia Seoul, cơ sở giáo dục đại học hàng đầu cả nước, bị buộc từ chức vì mở lớp dạy thêm cho con gái. Đến đầu những năm 2000, tòa án Hàn Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm dạy thêm sau khi phán quyết rằng lệnh này vi phạm quyền giáo dục cá nhân.
Dù vậy, Chính phủ Hàn Quốc không cho phép các trung tâm dạy thêm thu học phí quá cao. Khoảng 10 năm trước, Tổng thống Lee Myung-bak ra quy định các trung tâm dạy thêm không được mở cửa sau 10 giờ tối để học sinh được ngủ đủ giấc. Hiện nay, các trung tâm dạy thêm tư nhân tại Hàn Quốc vẫn hoạt động mạnh mẽ nhưng chịu sự quản lý gắt gao hơn.
Nhìn chung, ở những quốc gia có văn hóa coi trọng giáo dục và điểm số, việc hoàn toàn cấm dạy thêm, học thêm khó có thể thực hiện hiệu quả. Vì vậy, các chuyên gia nhất trí rằng chính phủ, cơ quan chức năng cần tìm ra giải pháp để quản lý tốt các trung tâm dạy thêm, đặc biệt, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi và cơ hội của học sinh.
Chị Yang, sống tại Thượng Hải chia sẻ: Nếu tình trạng ‘giảm kép’ tiếp tục, khoảng cách giàu nghèo trong giáo dục sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Đây không phải là mục đích của chính sách nhưng đó là thực tế. Vì vậy tất nhiên cần phải thay đổi.