Trung Quốc 'chơi lớn', xây siêu máy tính AI trên quỹ đạo
Trung Quốc phóng 12 vệ tinh thuộc chòm Tam Thể, xây siêu máy tính AI trên quỹ đạo với công suất 1.000 POPS, ngang ngửa các siêu máy tính mạnh nhất thế giới.

Các vệ tinh được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa Trường Chinh 2D từ Trung tâm Tửu Tuyền.
Mỗi vệ tinh tích hợp hệ thống tính toán thông minh, liên kết bằng đường truyền laser tốc độ cao 100 Gbps, tổng cộng mang lại 5 POPS năng lực tính toán và 30 TB lưu trữ ban đầu.
Mỗi vệ tinh có khả năng xử lý tới 744.000 tỷ phép toán mỗi giây và sử dụng mô hình AI 8 tỷ tham số để xử lý trực tiếp dữ liệu thu thập được trên quỹ đạo điều giúp giảm đáng kể lượng dữ liệu cần truyền về mặt đất, vốn thường bị giới hạn bởi băng thông và hạ tầng trạm thu.

Dự án do Phòng thí nghiệm Chiết Giang dẫn đầu, phối hợp với các công ty công nghệ như Guoxing Aerospace (phát triển nền tảng vệ tinh thông minh) và HiStarlink (thiết kế liên lạc laser giữa các vệ tinh).
Theo giới chuyên gia, đây là bước tiến lớn trong xu hướng điện toán đám mây không gian, giúp tận dụng năng lượng mặt trời, giảm phát thải carbon và khắc phục hạn chế của trung tâm dữ liệu mặt đất,vốn tiêu tốn tới 1.000 TWh điện mỗi năm và hàng chục tỷ lít nước làm mát.
Dự án không chỉ mang ý nghĩa khoa học và kinh tế mà còn mở ra tiềm năng chiến lược trong lĩnh vực quốc phòng. Đây là lần đầu tiên một quốc gia triển khai chòm vệ tinh AI quy mô lớn phục vụ mục tiêu điện toán trên quỹ đạo.