Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe dọa do thiếu hụt đất hiếm từ Trung Quốc
Tờ Financial Times đưa tin, việc Trung Quốc phê duyệt xuất khẩu đất hiếm một cách trì trệ đang đe dọa gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong bối cảnh các nhà xuất khẩu và hiệp hội ngành công nghiệp cảnh báo rằng điều này đã bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà sản xuất châu Âu và có thể lan sang đến các nền kinh tế lớn khác.
Mặc dù Bộ Thương mại Trung Quốc đã bắt đầu cấp một số giấy phép xuất khẩu, được cho là chủ yếu dành cho các lô hàng sang châu Âu, nhưng tốc độ hiện tại vẫn quá chậm để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp.
“Cánh cửa để tránh những thiệt hại nghiêm trọng đối với hoạt động sản xuất tại châu Âu đang nhanh chóng khép lại”, Financial Times dẫn lời ông Wolfgang Niedermark thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) cho biết.

Sự chậm trễ của Trung Quốc trong việc phê duyệt giấy phép xuất khẩu đất hiếm đang đe dọa đến chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh: Financial Times)
Vì sao Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu đất hiếm?
Bắc Kinh đã đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới vào đầu tháng 4 đối với 7 nguyên tố đất hiếm và nam châm vĩnh cửu liên quan, những vật liệu quan trọng để sản xuất xe điện (EV), tuabin gió, máy bay chiến đấu và thiết bị điện tử tiên tiến. Động thái này diễn ra sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế quan toàn diện của Hoa Kỳ. Dù mức thuế được công bố đối với tất cả các đối tác thương mại của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc đặc biệt bị chính quyền Trump nhắm mục tiêu. Việc công bố thuế quan này đã đánh dấu một bước leo thang trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trung Quốc kiểm soát xuất khẩu khoáng sản đất hiếm như thế nào?
Các hạn chế này dựa trên quyền của Trung Quốc với tư cách là quốc gia ký kết Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí hạt nhân quốc tế (NPT), cho phép họ điều chỉnh xuất khẩu các mặt hàng “lưỡng dụng” - tức là những sản phẩm có thể sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Các hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào đến chuỗi cung ứng toàn cầu?
Các nguyên tố đất hiếm như terbium, dysprosium và samarium đóng vai trò rất quan trọng trong ngành công nghiệp hiện đại. Chúng cần thiết để sản xuất nhiều thiết bị, từ động cơ điện, máy chụp MRI, đến các thiết bị phẫu thuật bằng laser và hệ thống quân sự dẫn đường chính xác.
Tuy nhiên, điều khiến các nguyên tố đất hiếm trở nên quan trọng về mặt chiến lược không phải vì chúng khan hiếm, mà là sự kiểm soát của Trung Quốc về chuỗi cung ứng.
Mặc dù đất hiếm được tìm thấy ở nhiều quốc gia, nhưng Trung Quốc chiếm tới 61% sản lượng toàn cầu và 92% công đoạn tinh chế, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Việc tinh chế đất hiếm rất tốn kém và gây hại cho môi trường, do sản sinh ra các chất thải phóng xạ. Điều này đã khiến hầu hết các quốc gia cắt giảm hoặc từ bỏ sản xuất trong nước.
Do đó, thế giới hiện đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc không chỉ ở khâu cung cấp, mà còn ở cả trong khâu tinh chế và phân phối.
Bằng cách thắt chặt kiểm soát xuất khẩu, Bắc Kinh về cơ bản đang quyết định ai có thể tiếp cận các vật liệu thiết yếu này và vào thời điểm nào.
Những quốc gia nào khác có thể tinh chế khoáng sản đất hiếm?
Trong khi Nhật Bản đã bắt đầu phục hồi ngành công nghiệp đất hiếm của mình, thì Mỹ và các quốc gia khác, bao gồm cả Ấn Độ, vẫn còn phụ thuộc vào xuất khẩu từ Trung Quốc.
Vào tháng 4, Tổng thống Trump đã yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xây dựng các chiến lược để thúc đẩy sản xuất nội địa, nhưng tiến độ đến nay vẫn còn chậm chạp.
Tác động đến ngành công nghiệp ô tô
Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu, bao gồm Tesla và Volkswagen, cùng với các nhà thầu quốc phòng của Mỹ như Lockheed Martin, đã bày tỏ lo ngại về sự chậm trễ trong xuất khẩu.
Hiện đã có 4 nhà sản xuất nam châm đất hiếm của Trung Quốc - trong đó một số là nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn như Volkswagen - gần đây đã được cấp giấy phép xuất khẩu, mang lại hy vọng giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những giấy phép này có tính chọn lọc và không giải quyết được rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng ở quy mô rộng hơn.
Tác động của đất hiếm Trung Quốc đối với Ấn Độ
Ấn Độ cũng đang chịu áp lực, khi các nhà sản xuất xe điện (EV) tại nước này đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nam châm đất hiếm - vốn được sử dụng trong động cơ điện, hệ thống lái trợ lực và hệ thống phanh.
Nguồn tin trong ngành nói với The Indian Express rằng các nhà cung cấp Trung Quốc hiện yêu cầu cam kết rằng các nam châm này sẽ không được sử dụng cho mục đích quân sự. Đồng thời, áp lực ngày càng tăng buộc các nhà sản xuất ô tô Ấn Độ phải mua trọn bộ cụm động cơ điện từ Trung Quốc, thay vì chỉ mua riêng nam châm, như một cách để tránh các thủ tục hành chính rườm rà.
Những nam châm này, đặc biệt là loại neodymium-iron-boron (NdFeB), có vai trò cực kỳ quan trọng đối với hiệu suất xe điện nhờ độ bền và hiệu quả cao. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong nguồn cung đều có thể làm chậm tiến độ sản xuất và làm tăng chi phí - điều này đặc biệt gây tổn hại cho ngành xe điện vốn nhạy cảm về giá cả tại Ấn Độ.