Trung Quốc cho phép địa phương dùng trái phiếu để đầu tư dự án

Trung Quốc cho phép các địa phương đầu tư vào nhiều lĩnh vực hơn bằng trái phiếu chính phủ đặc biệt, đồng thời đơn giản hóa quy trình phê duyệt nhằm tận dụng tốt hơn nguồn lực công quan trọng này để thúc đẩy nền kinh tế.

Một trung tâm dữ liệu được tập đoàn công nghệ Tencent đầu tư xây dựng tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP

Một trung tâm dữ liệu được tập đoàn công nghệ Tencent đầu tư xây dựng tại tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. Ảnh tư liệu: AFP

Đầu tư các dự án không trong danh sách đặc biệt

Chính quyền các địa phương ở Trung Quốc có thể sử dụng trái phiếu đặc biệt của mình để đầu tư vào các dự án miễn là chúng không nằm trong danh sách đặc biệt mà chính phủ nước này công bố, Bloomberg dẫn tài liệu của chính phủ cho hay.

Danh sách đặc biệt đó bao gồm các dự án không tạo ra bất kỳ lợi nhuận nào, các tòa nhà chính phủ, các công trình có tính biểu tượng như tác phẩm điêu khắc khổng lồ, và bất động sản thương mại.

Mười một khu vực, bao gồm một số địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất như Quảng Đông, sẽ được phép phê duyệt các dự án được đầu tư bằng trái phiếu. Trước đây, tất cả các địa phương cần phải có được sự chấp thuận từ Cơ quan lập kế hoạch kinh tế hàng đầu của quốc gia và Bộ Tài chính trước khi phát hành trái phiếu.

Tại Trung Quốc, trái phiếu đặc biệt của chính quyền địa phương đã lớn mạnh thành kênh tài trợ chính cho các dự án cơ sở hạ tầng trong thập kỷ qua. Nhưng các địa phương này ngày càng chật vật tìm kiếm các dự án phù hợp đáp ứng các tiêu chí của Bắc Kinh khi lợi nhuận đầu tư giảm trên toàn nền kinh tế.

Lượng phát hành trái phiếu của chính quyền địa phương đã chậm lại trong năm nay, đồng nghĩa là sự hỗ trợ cho tăng trưởng bị giảm sút.

Theo Bloomberg, các quy định hướng dẫn của Quốc vụ viện Trung Quốc đã cho phép trái phiếu chiếm tỷ lệ lớn hơn trong tổng vốn đầu tư của dự án khi được sử dụng làm vốn chủ sở hữu. Nhiều lĩnh vực hơn bao gồm công nghệ thông tin, chăm sóc người già và chăm sóc trẻ em được xác định là đủ điều kiện để đầu tư.

Song hành với thúc đẩy tiêu dùng trong nước

Các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc đã đặt mục tiêu thúc đẩy nhu cầu trong nước là ưu tiên hàng đầu trong công tác kinh tế vào năm 2025 trong bối cảnh xuất khẩu có thể sẽ không còn là động lực tăng trưởng chính sau khi đóng góp gần 1/4 tăng trưởng kinh tế năm 2024.

Nguy cơ một cuộc chiến thương mại mới với Mỹ xuất hiện sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ thứ hai vào cuối tháng 1/2025.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc đã nhất trí tăng thâm hụt ngân sách lên mức cao kỷ lục 4% GDP và duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% cho năm 2025, theo nguồn tin của Reuters. Mức tăng thâm hụt ngân sách được đưa ra sau Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương diễn ra gần đây tại Bắc Kinh. Đây chỉ là lần thứ hai trong ít nhất một thập kỷ Trung Quốc xác định "tăng cường mạnh mẽ mức tiêu dùng" và kích thích nhu cầu trong nước nói chung là ưu tiên hàng đầu.

Ông Larry Hu, trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại Macquarie Group, cho biết: "Tôi không nghĩ rằng chính phủ sẽ trực tiếp phát tiền cho người tiêu dùng".

"Nhiều khả năng chính phủ sẽ chi tiêu nhiều hơn. Trung Quốc sẽ thúc đẩy chính quyền trung ương và tăng chi tiêu công để có thể nâng cao nhu cầu chung. Đó là chiến lược lớn", nhà phân tích của Macquarie Group nói thêm.

Thật vậy, mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc đã tụt hậu so với sản xuất công nghiệp kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19. Trong khi sự gia tăng các đơn đặt hàng ở nước ngoài đối với hàng hóa Trung Quốc đã giúp bù đắp cho sự trì trệ trong nước, thì hiện tại Bắc Kinh đang vấp phải sự chỉ trích từ các quốc gia lo ngại về tác động của làn sóng hàng giá rẻ từ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Các quan chức kinh tế cấp cao của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng tài chính Janet Yellen, đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tăng cường hỗ trợ tiêu dùng trong nước vì cho rằng các khoản trợ cấp không công bằng của chính phủ nước này dành cho các nhà sản xuất đã dẫn đến tình trạng dư thừa công suất.

Có những dấu hiệu cho thấy các quan chức Trung Quốc đang bắt đầu chú ý đến những lời kêu gọi như vậy. Các thành phố lớn bao gồm Thượng Hải và Bắc Kinh đang triển khai một loạt chương trình giảm giá mới để khuyến khích tiêu dùng tại các địa phương trước kỳ nghỉ lễ, đồng thời thúc đẩy tâm lý thị trường.

Các nhà phân tích cho rằng việc mở rộng chương trình trợ cấp của chính phủ cho hoạt động mua sắm hàng tiêu dùng, cũng như viện trợ có mục tiêu cho các gia đình và nhóm dễ bị tổn thương, là những lựa chọn có nhiều khả năng xảy ra hơn cho năm tới.

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức trong nước khi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn trì trệ, góp phần gây ra tình trạng giảm phát dai dẳng.

Giá cả ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã giảm trong 6 quý liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất trong thế kỷ này. Trong khi đó, suy thoái bất động sản nhà ở kéo dài chưa có dấu hiệu chạm đáy.

Trước tình trạng giảm phát kéo dài, các quan chức tham dự Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương đã cam kết sẽ "đảm bảo sự ổn định chung của việc làm và giá cả". Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng mức tăng trưởng thu nhập của người dân phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế, một thách thức chính hạn chế tiêu dùng trong bối cảnh cắt giảm lương và sa thải trên diện rộng trong vài năm qua.

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/trung-quoc-cho-phep-dia-phuong-dung-trai-phieu-de-dau-tu-du-an-d235660.html
Zalo