Kinh tế Việt Nam phục hồi đầy ấn tượng

Trong bối cảnh kinh tế khu vực và toàn cầu đối mặt với những khó khăn, bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiên tai, Việt Nam vẫn vượt qua 'cơn gió ngược', vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2024.

Việt Nam đang trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á

Việt Nam đang trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo ở khu vực Đông Nam Á

“Ngôi sao” tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Trang tin chứng khoán, dữ liệu kinh tế, tài chính investing.com của Mỹ trong bài viết ngày 25-12 đã đánh giá kinh tế Việt Nam tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi trong tháng 11 năm nay, khi thặng dư thương mại tăng đáng kể đi đôi với tăng trưởng xuất nhập khẩu. Xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng như máy tính, điện tử, điện thoại, máy móc và dệt may, tăng trưởng tốt nhờ hoạt động tích cực tại các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU). Đầu tư công tại Việt Nam cũng có xu hướng tăng, đến tháng 11-2024 đã giải ngân được 73,5% chỉ tiêu hằng năm, với tổng cộng 22,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt dự án đường sắt cao tốc trị giá hơn 67 tỷ USD được kỳ vọng góp phần tăng cường kết nối giữa Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tác động đáng kể đến tăng trưởng kinh tế và môi trường bền vững.

Trang tin chứng khoán, dữ liệu kinh tế, tài chính investing.com cũng ấn tượng với việc Luật Chứng khoán sửa đổi được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 29-11-2024, cho rằng điều này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với thị trường chứng khoán trong nước. Theo đó, Luật có các điều khoản nhằm tăng cường trách nhiệm của các tổ chức phát hành, đơn vị tư vấn và kiểm toán viên, nhằm cải thiện tính minh bạch và giám sát quy định, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư và tạo tiền đề để Việt Nam đạt được vị thế thị trường mới nổi trong giai đoạn 2025-2026.

Việc nền kinh tế Việt Nam vững vàng vượt qua các “cơn gió ngược” bất lợi để đạt tốc độ tăng trưởng cao bậc nhất khu vực và thế giới cũng được nhiều tổ chức, định chế tài chính lớn ghi nhận, đánh giá tích vực. Trong bài trả lời phỏng vấn báo chí mới đây, ông Andrea Coppola - chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia - cho biết, WB đánh giá trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những bất ổn địa chính trị, lạm phát và thiên tai, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2024. Các động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất khu vực là từ sự phục hồi xuất khẩu và nhu cầu nội địa.

WB tỏ ra rất ấn tượng trước điều mà định chế tài chính lớn hàng đầu thế giới này cho rằng nền kinh tế Việt Nam đã chứng tỏ được sự kiên cường trước các nghịch cảnh khi đạt được những kết quả rất tích cực dù cũng phải đối mặt với bất định gia tăng do căng thẳng địa chính trị như nhiều quốc gia khác trên thế giới. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và thiên tai cũng đặt ra những thách thức lớn với Việt Nam như chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão Yagi (cơn bão số 3). Tuy nhiên, theo WB, bất chấp tất cả, Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu ấn tượng.

Trang fibre2fashion.com dẫn đánh giá của ngân hàng HSBC cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã trở lại là “ngôi sao tăng trưởng” của ASEAN. Theo HSBC, sau quý I đầy thách thức, triển vọng kinh tế của Việt Nam đã dần tích cực hơn khi không ngừng phục hồi trong cả năm 2024 với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã bất ngờ vươn lên mức 6,9% và 7,4% lần lượt trong quý II và quý III, nâng dự báo tăng trưởng cả năm 2024 từ 6,5% lên 7%.

Trung tâm đổi mới sáng tạo ở khu vực

Những cải cách liên tục nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh đã giúp Việt Nam thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thúc đẩy xuất khẩu, hai động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao. Chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia Andrea Coppola cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư. Theo ông, đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng giúp Việt Nam duy trì lợi thế cạnh tranh để thu hút vốn FDI.

Vị chuyên gia kinh tế trưởng thuộc WB cũng rất đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Ngoài ra, ông Andrea Coppola cho rằng, Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược là "cầu nối" giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Nhờ tất cả những điều này, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, ngân hàng HSBC cũng cho rằng, Việt Nam tiếp tục thu hút mạnh vốn đầu tư FDI nhờ triển vọng tích cực của nền kinh tế. Mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn FDI đăng ký mới có chững lại trong quý III-2024, nhưng các lĩnh vực ngoài sản xuất như bất động sản và năng lượng vẫn thu hút thêm đầu tư.

HSBC nhận định, các nhà đầu tư vẫn cam kết hỗ trợ Việt Nam mở rộng năng lực sản xuất. Tổng cộng 21,68 tỷ USD đã được giải ngân trong năm 2024, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp vốn FDI giải ngân của Việt Nam vượt 20 tỷ USD. Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn vào Việt Nam cho đến nay.

Với nhan đề “Việt Nam trở thành điểm đến đáng chú ý của các doanh nghiệp toàn cầu”, trang thông tin sourceofasia.com ngày 23-12 vừa qua có bài viết nhận định những năm gần đây, Việt Nam đang trở thành nhân tố chiến lược, nỗ lực cân bằng quan hệ đối tác thương mại với hai siêu cường kinh tế Mỹ và Trung Quốc, qua đó cho phép Việt Nam bảo toàn lợi ích kinh tế, đồng thời thúc đẩy các cơ hội tăng trưởng trong các ngành công nghiệp trọng điểm, đặc biệt là công nghệ. Trong đó, dấu mốc đáng chú ý là Tập đoàn Nvidia (Mỹ) vừa mua lại công ty VinBrain (công ty phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam). Đây là minh chứng cho thấy lĩnh vực công nghệ của Việt Nam đang phát triển mạnh và Việt Nam đóng vai trò then chốt trong đổi mới toàn cầu.

Dù có những lo ngại về việc chính quyền sắp tới ở Mỹ thay đổi chính sách thương mại, Việt Nam vẫn có khả năng thu hút các tập đoàn công nghệ toàn cầu, đây làm minh chứng cho khả năng chống chịu của Việt Nam. Việc Nvidia mua lại VinBrain không chỉ nhấn mạnh tiềm năng của các công ty khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam mà còn đưa Việt Nam lên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Theo trang tin về hoạt động công nghệ, trụ sở tại Mỹ có tên TechCrunch, cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy một hệ sinh thái công nghệ phát triển mạnh mẽ cùng các chính sách ưu đãi thuế cho các công ty công nghệ và đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật số đã thu hút các tập đoàn lớn như Nvidia tìm đến Việt Nam với tư cách là một trung tâm công nghệ. Nhờ có vị trí địa lý thuận lợi và ngành sản xuất có sức cạnh tranh, Việt Nam trở thành điểm đến đáng chú ý của các doanh nghiệp toàn cầu, vốn đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Sự dịch chuyển này đặc biệt có lợi cho ngành điện tử và may mặc của Việt Nam.

Việt Nam có khả năng duy trì quan hệ thương mại gần gũi với cả Mỹ và Trung Quốc, trong khi thúc đẩy các ngành công nghiệp trong nước, điều này giúp định vị Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Sự trỗi dậy của ngành công nghệ nhờ những thỏa thuận mang tính bước ngoặt như thỏa thuận tập đoàn Nvidia mua lại VinBrain, giúp củng cố vai trò của Việt Nam như tư cách là trung tâm đổi mới sáng tạo ở Đông Nam Á. Đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, Việt Nam là sự kết hợp độc đáo giữa các thách thức và cơ hội trong bối cảnh địa chính trị luôn biến động.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kinh-te-viet-nam-phuc-hoi-day-an-tuong-post599548.antd
Zalo